Cần Thơ và Hậu Giang liên kết phát triển du lịch đường sông
Để phát huy tối đa lợi thế hệ thống đường thủy đa dạng giữa hai địa phương, Cần Thơ và Hậu Giang đã liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch đường sông mang đặc trưng của vùng sông nước ĐBSCL.
Hậu Giang là địa phương giàu tiềm năng du lịch với hệ sinh thái sông nước, sinh thái rừng tràm, nông nghiệp... để từ đó phát triển đa dạng các loại hình du lịch: du lịch sinh thái, miệt vườn, nông nghiệp. Tương tự, TP. Cần Thơ cũng có nhiều điểm tương đồng về sinh thái miệt vườn, sông nước.
Cụ thể, đường sông Cần Thơ và Hậu Giang dài khoảng 40km, dọc tuyến có nhiều điểm tham quan đậm bản sắc văn hóa sông nước, mà tiêu biểu là chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang)…Trong đó, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) và huyện Phong Ðiền (Cần Thơ) có nhiều điều kiện thuận lợi về kết nối du lịch cả đường bộ lẫn đường thủy.
Ðặc biệt, từ khi cầu Vàm Xáng đi vào hoạt động, các tuyến điểm tham quan giữa Châu Thành A và Phong Ðiền càng dễ kết nối. Trong liên tuyến này đã hình thành các cụm khám phá: chợ nổi Phong Ðiền, lò bánh hỏi Út Dzách (Phong Ðiền) đến homestay Mương Ðình, Trang trại sữa dê Ngọc Ðào (Hậu Giang). Liên tuyến này thường được khách quốc tế yêu thích bởi thuận lợi các tour khám phá bằng ghe xuồng và xe đạp.
Chính vì vậy, Hậu Giang và Cần Thơ đã có bản thỏa thuận chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa hai địa phương. Trong đó, chú trọng xây dựng các tuyến du lịch đường sông đưa khách khám phá các kênh rạch nội đồng, nối miệt vườn Hậu Giang đến Cần Thơ kết hợp trải nghiệm văn hóa, lịch sử của vùng sông nước.
Về vấn đề này, ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch và Quản lý di tích huyện Phong Ðiền, TP. Cần Thơ cho biết: “Kênh xáng Xà No đã có lịch sử hơn 100 năm gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất Nam Bộ xưa. Kênh được xem là huyết mạch đường thủy, chuyên chở lúa gạo, bắt đầu từ ngã ba Vàm Xáng sông Cần Thơ chạy dài đến ngã ba sông Ba Voi, Hậu Giang trước khi đổ ra sông Cái Lớn, Kiên Giang. Vì thế khai thác du lịch tuyến này sẽ có nhiều câu chuyện hay gắn với văn hóa, phong tục xưa của người dân vùng sông nước”.
“Việc xây dựng liên tuyến du lịch đường sông Cần Thơ và Hậu Giang, nhất là tuyến kênh xáng Xà No hứa hẹn tạo đột phá cho du lịch hai địa phương. Vì tuyến này sẽ đưa du khách khám phá, trải nghiệm văn hóa, lịch sử của vùng sông nước một cách rất đặc biệt. Xu hướng của du khách hiện nay hướng tới thiên nhiên, trải nghiệm; vì thế, tuyến này rất phù hợp với thị hiếu du khách” – ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Ðồng bằng sông Cửu Long nhận định.
Bên cạnh đó, theo đánh giá từ doanh nghiệp, theo bà Lương Thị Quỳnh, Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Cần Thơ: “Hậu Giang có nhiều tiềm năng du lịch nhưng sản phẩm du lịch của địa phương vẫn còn chưa được khai thác hết, chưa thực sự hoàn thiện bởi những khó khăn về hạ tầng giao thông, kết nối quảng bá. Tôi cho rằng sản phẩm du lịch đường sông là ý tưởng mới, nhất là liên tuyến Cần Thơ - Hậu Giang. Tuy nhiên, Hậu Giang và Cần Thơ phải kết nối thực sự hiệu quả để có sản phẩm hoàn thiện về chất lượng và đảm bảo an toàn cho du khách. Mặt khác, Hậu Giang nên có chiến lược truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch vì hiện tại khi tìm các thông tin về du lịch Hậu Giang chúng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn”.
Đồng quan điểm, ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Sự kiện IDO tại Cần Thơ cho rằng: “Hậu Giang nên xây dựng các sản phẩm đặc trưng, hình thành tour ổn định, như vậy các đơn vị lữ hành sẽ dễ dàng kết nối và khai thác. Tại Hậu Giang có nhiều đặc sản đặc trưng là cá thác lác, khóm Cầu Ðúc và địa phương nên quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch để du khách có thể trải nghiệm”.
Theo ông Lê Thanh Phong, muốn phát triển sản phẩm du lịch phải có tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có giá trị văn hóa và phải có sự đầu tư để biến tài nguyên du lịch thành sản phẩm thực tế. Hậu Giang có nhiều tiềm năng du lịch, vì thế quan trọng là có cách làm để tạo ra những sản phẩm giá trị đậm bản sắc địa phương. Về du lịch đường sông, liên tuyến Cần Thơ - Hậu Giang rất độc đáo vì gắn với kênh xáng Xà No lịch sử cùng nhiều nét văn hóa độc đáo vùng sông nước. Nếu Cần Thơ và Hậu Giang cùng vận hành tuyến này thì sẽ tạo những sản phẩm rất khác biệt.
Mới đây, 6 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch Cần Thơ và Hậu Giang đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch, hỗ trợ phát triển và khai thác sản phẩm du lịch trong thời gian tới: Công ty Du lịch và tiếp thị GTVT Việt Nam - Vietravel chi nhánh Cần Thơ với Homestay Mương Đình; Công ty TNHH Thương mại du lịch và sự kiện IDO tại Cần Thơ với Công ty TNHH HTC Vị Thanh - khách sạn Hậu Giang; Công ty TNHH Xây dựng và Du lịch quốc tế Nhà Mê Kông với Công ty Cổ phần đầu tư và quản lý khách sạn TNH.
Vũ Thanh