Chủ nhật, 24/11/2024 09:44 (GMT+7)
Thứ hai, 28/10/2019 06:53 (GMT+7)

Cảnh báo hành vi lừa đảo mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Theo dõi KTMT trên

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều hành vi, thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ðặc biệt, cùng với sự phát triển nhanh của các trang mạng xã hội, tình trạng nêu trên có xu hướng ngày càng gia tăng, đòi hỏi phải có những giải pháp phòng ngừa kịp thời, hữu hiệu.

Cảnh báo hành vi lừa đảo mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng - Ảnh 1
Bảng thông tin cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại một ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Định

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Mới đây, Công an TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh đã tiếp nhận vụ việc anh N.Ð.T., khách hàng của ngân hàng V., trình báo vào trưa 19/8 đã thực hiện giao dịch chuyển 70 triệu đồng trên trang web trực tuyến của ngân hàng. Giao dịch vừa thực hiện xong thì có điện thoại gọi đến xưng là cán bộ của ngân hàng V., thông báo giao dịch bị lỗi và yêu cầu anh T. chuyển lại 70 triệu đồng. Ðể tạo dựng niềm tin, nhân viên này nói anh T. giữ máy để xác nhận các mã tổng đài gửi về chứng minh giao dịch này là đúng chủ, không bị lỗi. Ngay sau đó, có ba mã xác nhận OTP gửi qua số điện thoại, nên anh T. không cảnh giác và đọc cả ba mã cho đối tượng nêu trên. Vừa đọc xong, tài khoản của anh bị trừ 9,9 triệu đồng.

Tương tự như trường hợp anh T., nhưng trường hợp của một khách hàng ở TP Bà Rịa lại bị lừa đảo bởi chiêu gọi điện mạo danh cán bộ công an, tòa án. Cụ thể, theo đơn trình báo gửi Cơ quan CSÐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nạn nhân tên T. (sống tại TP Vũng Tàu) cho biết, chị đã bị một nhóm người xưng là điều tra viên, kiểm sát viên gọi điện hù dọa có liên quan đến đường dây mua bán ma túy, rửa tiền và yêu cầu chuyển toàn bộ tiền vào các tài khoản mà họ chỉ định để phối hợp điều tra, trong vòng 24 giờ sẽ hoàn trả nếu chị không liên quan. Vì lo sợ, chị T. đã chuyển hơn 1 tỉ đồng vào hai tài khoản do nhóm này cung cấp. Sau khi chuyển tiền xong, chị T. không liên lạc được với nhóm người này nữa.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ ngân hàng hiện đại, các hình thức lừa đảo, tội phạm công nghệ cao cũng đang có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và hình thức. Theo lãnh đạo các ngân hàng, đối tượng lừa đảo đang sử dụng các thủ đoạn tinh vi, táo tợn, đặc biệt lợi dụng tâm lý cả tin của khách hàng để đánh cắp thông tin bảo mật sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng, gây tổn hại tới uy tín của ngân hàng, cơ quan chức năng.

Ðại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, mới đây ngân hàng đã phải gửi email (thư điện tử) tới từng khách hàng để khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản/thẻ. Các thủ đoạn lừa đảo phổ biến đó là đối tượng lừa đảo mạo danh là cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát thông báo khách hàng có liên quan đến các vụ án buôn lậu, rửa tiền, mua bán ma túy,... và yêu cầu họ cung cấp các thông tin dịch vụ ngân hàng hoặc cài đặt dịch vụ theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo.

Một số phương thức lừa đảo mới khác mà tội phạm đang sử dụng cũng được Vietcombank liệt kê như: mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên của các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến ngân hàng (nhất là ví điện tử) yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ. Người dùng khi đăng tải câu hỏi lên website/fanpage của ví điện tử sẽ bị đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên liên hệ, hỏi về vướng mắc khi sử dụng dịch vụ, sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng như một bước để khắc phục lỗi dịch vụ.

Cùng với Vietcombank, Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng gửi thông báo đến khách hàng để cảnh báo về việc một số đối tượng lợi dụng những hình ảnh hội thảo, biển tên cán bộ và các hoạt động chung có logo của ngân hàng để liên hệ với khách hàng qua Zalo, Facebook,... nhằm giả danh cán bộ của BIDV. Và khi khách hàng đã tin tưởng, đối tượng hứa hẹn có thể cho vay vốn với khoản vay không lớn (dưới 100 triệu đồng) và yêu cầu khách hàng nộp khoản tiền "phí bảo hiểm rủi ro" từ một đến hai triệu đồng nhằm chiếm đoạt số tiền này. Hay theo thông báo khuyến cáo khách hàng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), một số đối tượng lừa đảo gửi email/tin nhắn có chứa đường link (liên kết) truy cập vào website của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản Internet Banking hoặc thông tin thẻ để nhận tiền. Thực chất, đây đều là các website giả mạo nhằm đánh cắp thông tin người dùng.

Tăng cường bảo mật thông tin

Trước mỗi hành vi, thủ đoạn lừa đảo mới manh nha xuất hiện trên thị trường, các ngân hàng cũng thường xuyên có các hình thức thông tin cảnh báo tới khách hàng. Nhưng thực tế cho thấy, vẫn có không ít khách hàng "sập bẫy" các đối tượng lừa đảo do nhẹ dạ, cả tin, và một phần nguyên nhân cũng là do sự chủ quan phớt lờ các cảnh báo từ phía ngân hàng. Theo đại diện lãnh đạo một số ngân hàng, ngay từ khi mở tài khoản/thẻ cho khách hàng, nhân viên ngân hàng luôn khuyến cáo khách hàng phải tuyệt đối giữ bí mật thông tin các dịch vụ ngân hàng điện tử (như tên truy cập, mật khẩu truy cập, mã xác thực OTP), thông tin thẻ (số thẻ, mã PIN, ngày hết hạn, mã CVV, mã CVC) và tuyệt đối không cung cấp cho bất kỳ ai qua bất cứ kênh nào. Các ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối cảnh giác và luôn xác minh mọi lời mời chào từ người lạ, có nhiều dấu hiệu khả nghi.

Ðại diện Ngân hàng BIDV cũng cho biết, các loại phí dịch vụ liên quan đến giao dịch đều được BIDV thu trực tiếp từ khách hàng và cung cấp chứng từ hợp lệ, biểu phí dịch vụ được niêm yết công khai tại các điểm giao dịch và trang web chính thức của ngân hàng. Do đó, khách hàng không cần nộp bất cứ loại phí nào khi chưa kiểm tra tính phù hợp với biểu phí của BIDV và tuyệt đối không chuyển tiền phí qua một tổ chức, cá nhân nào khác.

Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), thực tế qua kiểm tra cũng cho thấy, tình hình an toàn, an ninh mạng trong ngành Tài chính - Ngân hàng trong thời gian qua còn tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật, chưa khắc phục, giải quyết kịp thời. Vì vậy, để ngăn ngừa các hoạt động tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng, bên cạnh sự nâng cao cảnh giác, hiểu biết từ phía người tiêu dùng, cũng đòi hỏi các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán cần tiếp tục đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới, dựa trên nguồn dữ liệu lớn (big data) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích khách hàng. Qua đó, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với giá cả hợp lý; sử dụng công nghệ tiên tiến bảo vệ bí mật khách hàng, ngăn ngừa tiến công mạng.

Hiện, một loại tội phạm rất nhức nhối là tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao. Mới đây nhất, đã có một nạn nhân bị lừa mất 11 tỉ đồng. Trong chín tháng năm 2019, Công an thành phố đã nhận được 164 tin báo tố giác về loại tội phạm này, trong đó có nhiều cán bộ cũng bị lừa. Chúng tôi khuyến cáo các cơ quan nhà nước như: công an, thuế, tòa án, viện kiểm sát,... không làm việc qua điện thoại, người dân không nên cung cấp thông tin cá nhân khi có người gọi điện đến yêu cầu cung cấp.

Ðại tá NGUYỄN SỸ QUANG - Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo hành vi lừa đảo mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới