Chủ nhật, 24/11/2024 03:04 (GMT+7)
Thứ bảy, 24/09/2022 12:55 (GMT+7)

Hoạt động "đào Bitcoin" làm gia tăng lượng khí thải carbon trong môi trường

Theo dõi KTMT trên

Trong một báo cáo được công bố vào ngày 23/9, các nhóm bảo vệ môi trường đã cảnh báo lượng khí thải carbon từ hoạt động khai thác bitcoin tại Mỹ đang gia tăng với tốc độ chóng mặt và hiện gần tương đương lượng khí thải hằng năm của 6 triệu ô tô.

Không giống các loại tiền tệ chính thống được làm từ giấy hoặc kim loại, Bitcoin là loại tiền trên môi trường ảo và không thể cầm nắm. Dù vậy, việc khai thác Bitcoin có thể tiêu tốn hàng tỷ kilowatt điện, chủ yếu từ nhiên liệu hóa thạch - nguyên liệu phát thải khí carbon lớn nhất.

Hoạt động "đào Bitcoin" làm gia tăng lượng khí thải carbon trong môi trường - Ảnh 1
Ngành đào Bitcoin liên tục xả thải ra môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Trong báo cáo được hãng tin Reuters công bố ngày 23/9, các nhóm bảo vệ môi trường đã cảnh báo lượng khí thải carbon từ lĩnh vực khai thác Bitcoin của Mỹ đang gia tăng với tốc độ chóng mặt.

Theo đó, từ giữa năm 2021 đến năm 2022, lượng khí thải carbon mà ngành này tạo ra là 27,4 triệu tấn - gấp 3 lần so với lượng khí thải của nhà máy than lớn nhất nước Mỹ. Theo tính toán của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), con số trên gần tương đương với lượng khí thải hằng năm của 6 triệu ô tô.
Ông Jeremy Fisher - nhà phân tích năng lượng thuộc tổ chức phi lợi nhuận Sierra Club và là đồng tác giả của báo cáo - nhấn mạnh khí thải từ hoạt động khai thác bitcoin có thể làm suy yếu các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Theo ông, trong bối cảnh thế giới đang đẩy nhanh nỗ lực giảm thiểu phát thải carbon thì hoạt động đào bitcoin lại có khả năng đảo ngược một số thành quả đạt được trước đó.

Hoạt động khai thác bitcoin liên quan đến một mạng lưới các máy tính sử dụng nhiều năng lượng để xác minh các giao dịch cũng như cạnh tranh với nhau để giành được những đồng bitcoin mới.

Theo một nghiên cứu gần đây của Nhà Trắng, chỉ có 3,5% hoạt động khai thác bitcoin toàn cầu được đặt tại Mỹ vào năm 2020. Nhưng hiện con số này đã đạt mức 38%. Giới quan sát cho hay sự gia tăng tương đối lớn trên là vì hoạt động “đào” bitcoin bị cấm ở Trung Quốc từ năm 2021, khiến nhiều công ty phải chuyển địa điểm hoặc mở rộng sự hiện diện của họ tại Mỹ.
Các nhóm vì môi trường đã thúc giục chính quyền các bang của Mỹ xem xét ngăn chặn các hoạt động khai thác mới. Năm nay, cơ quan lập pháp New York đã thông qua luật tạm dừng bất kỳ hoạt động đào bitcoin mới nào sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại bang này.

Ở chiều ngược lại, các nhà khai thác bitcoin cho biết lĩnh vực tiền điện tử “xanh” hơn các ngành công nghiệp nặng khác và sử dụng một lượng điện tương đối nhỏ - chỉ từ 0,09% đến 1,7% trên tổng điện năng tiêu thụ tại Mỹ.

Hội đồng khai thác bitcoin, đại diện cho một số cái tên lớn trong lĩnh vực này, đã công bố dữ liệu cho thấy hơn một nửa năng lượng được sử dụng bởi các thợ đào của họ đến từ các nguồn tái tạo.

Một số thợ đào bitcoin nói rằng hoạt động của họ có lợi cho các lưới điện bằng cách cung cấp sự ổn định và nguồn tài chính cho các nguồn sản xuất điện tái tạo. Như ở Texas, một số thợ đào đã ký thỏa thuận với các nhà cung cấp năng lượng tái tạo địa phương và đăng ký sử dụng linh hoạt để đáp ứng nhu cầu.

Nhưng ở Kentucky, hoạt động khai thác bitcoin đã đi theo hướng ngược lại, khi nhiều cơ sở lại phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống và thải ra nhiều khí carbon.

Các nhóm vì môi trường cho biết hồ sơ tác động môi trường, việc sử dụng năng lượng và ảnh hưởng lâu dài của hoạt động đào bitcoin đối với cộng đồng phần lớn bị che giấu khỏi các cơ quan giám sát.

Có nhiều trường hợp các thợ đào bitcoin đã kéo dài tuổi thọ của các cơ sở sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đẩy giá điện lên cao, gây căng thẳng cho lưới điện và không thực hiện được những lời cam kết bảo vệ môi trường với cộng đồng địa phương.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Hoạt động "đào Bitcoin" làm gia tăng lượng khí thải carbon trong môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Malaysia tăng trưởng cao
Trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu từ Việt Nam sang Malaysia đạt 3,81 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo đạt mức tăng trưởng tới 131,2%, vượt lên trên cả điện thoại các loại và linh kiện…

Tin mới