Chủ nhật, 24/11/2024 04:46 (GMT+7)
Thứ bảy, 29/04/2023 10:00 (GMT+7)

Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây: Ô tô được chạy tối đa 120km/h

Theo dõi KTMT trên

Theo thông báo của Bộ Giao thông Vận tải, các phương tiện lưu thông trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được phép lưu thông với tốc độ tối đa 120km/h, tối thiểu 60km/h sau khi thông xe.

Ngày 27/4, Bộ Giao thông Vận tải đã có Văn bản số 503/QĐ-BGTVT phê duyệt phương án tổ chức giao thông để khai thác tạm thời Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho phép tốc độ lưu thông trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tối đa 120km/h, tối thiểu 60km/h. Bộ Giao thông Vận tải lưu ý, trong điều kiện thời tiết mưa, nhiều sương mù, mặt đường trơn trượt, người điều khiển phương tiện giao thông phải điều chỉnh tốc độ thích hợp để đảm bảo an toàn.

Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây: Ô tô được chạy tối đa 120km/h - Ảnh 1
Ô tô được phép chạy tốc độ tối đa 120km/h trên tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sau khi thông xe.

Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có chiều dài tuyến khoảng 99 km đi qua các tỉnh: Bình Thuận (chiều dài khoảng 47,5km) và tỉnh Đồng Nai (chiều dài khoảng 51,5km). Chiều dài đoạn tuyến nối từ cao tốc đến Quốc lộ 1 khoảng 2,6km.

Tuyến được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A vận tốc thiết kế 120km/h; Đoạn tuyến nối cao tốc với Quốc lộ 1 xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h.

Dự án đi qua địa phận các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân của tỉnh Bình Thuận và các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, thị xã Long Khánh của tỉnh Đồng Nai; dự án có tổng mức đầu tư 12.577,5 tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, do Ban quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 9/2020.

Theo phương án tổ chức giao thông ngoại trừ ô tô và các phương tiện được phép thì nghiêm cấm xe máy, máy kéo, xe mô tô ba bánh (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự (trừ các loại xe tuần tra tuyến). Cấm xe máy thô sơ, người đi bộ, xe súc vật kéo… các loại xe quá tải quá khổ, siêu trường, siêu trọng.

Đồng thời, xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ nằm trong danh mục hàng nguy hiểm được quy định trong Nghị định 42/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Khi lưu thông trên đường cao tốc phải có giấy phép lưu hành của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Hiện tại, để lưu thông vào cao tốc, phương tiện sẽ vào các đường nhánh tại 3 nút giao liên thông gồm: Nút giao kết nối cao tốc Long Thành tại Km 43+125, nút giao QL1 (xã Xuân Tâm, Xuân Lộc) tại Km 62+997 và nút giao Km 0+00 nối QL1 đi Mỹ Thạnh (cách QL1 khoảng 2,6km) thuộc Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

Sau khi hoàn thành, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây sẽ rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung bộ.

Đồng thời, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1.

Ngoài ra, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Trung bộ, cũng như từ Bắc vào Nam.

Phạm Thạch

Bạn đang đọc bài viết Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây: Ô tô được chạy tối đa 120km/h. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới