Chủ nhật, 24/11/2024 05:37 (GMT+7)
    Thứ hai, 05/04/2021 10:54 (GMT+7)

    Cấp bách gỡ vướng trong đầu tư đường Vành đai 3, 4

    Theo dõi KTMT trên

    Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT và Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố.

    Cấp bách gỡ vướng trong đầu tư đường Vành đai 3, 4 - Ảnh 1
    Đoạn Vành đai 3 Bình Chuẩn - Tân Vạn dài 16,7 km đã được tỉnh Bình Dương đầu tư, đưa vào khai thác.

    Cùng tham dự buổi làm việc ngày 3/4 có lãnh đạo UBND các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương.

    Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá vai trò đặc biệt quan trọng đối với các tuyến đường vành đai TP.HCM; đặc biệt là tuyến Vành đai 3. Tuyến đường này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011 (Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011) có tổng chiều dài gần 89,3 km, đi qua địa phận các tỉnh, thành phố: Long An, Bình Dương, TP.HCM và Đồng Nai.

    Việc đầu tư tuyến Vành đai 3 và các tuyến đường bộ cao tốc, các quốc lộ hướng tâm đã và đang triển khai xây dựng để phát huy hiệu quả các tuyến đường này, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội bộ, tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.

    Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù dự án đường Vành đai 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 10 năm trước nhưng tiến độ triển khai hết sức chậm, đến nay, đường Vành đai 3 mới làm được một đoạn ngắn hơn 16 km trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

    Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc đầu tư khép kín tuyến Vành đai 3 là hết sức cấp bách. Theo tiến độ, đường Vành đai 3 sẽ được xây dựng hoàn thành trước năm 2020, nhưng hiện mới chỉ làm được 16,3 km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương (chiếm tỉ lệ 17,92%).

    Trong khi đó, 3 đoạn còn lại gồm đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (Đồng Nai) dài 34,3 km; đoạn Bình Chuẩn (Bình Dương) - quốc lộ 22 (TP.HCM) dài 17,5 km; đoạn quốc lộ 22 - Bến Lức (Long An) dài 29,2 km vẫn chưa thi công.

    Tiến độ đường Vành đai 3 đóng vai trò rất lớn đối với các dự án giao thông trọng điểm của khu vực đã có trong quy hoạch. Hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ cao hơn khi có sự kết nối giao thông từ đường Vành đai 3; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đang được xúc tiến triển khai, điểm đầu chính là đường Vành đai 3. Nếu không triển khai đồng bộ sẽ tạo ra bất cập trong việc kết nối hạ tầng, không phát huy được hiệu quả đầu tư của các tuyến cao tốc này.

    Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, vấn đề khó khăn lớn nhất đối với Dự án đường Vành đai 3 hiện nay là chưa có nguồn lực và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; nhất là đối với dự án thành phần 1A trên địa bàn TP.Thủ Đức.

    Đồng quan điểm với Bộ trưởng Bộ GTVT, lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo Long An, Đồng Nai, Bình Dương đều cho rằng cần gấp rút triển khai khép kín tuyến Vành đai 3, nếu để chậm ngày nào thì ùn tắc giao thông TP.HCM sẽ tiếp tục chưa được giải quyết, làm hạn chế phát triển kinh tế - xã hội của chính TP.HCM và các tỉnh lân cận.

    Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trương Hòa Bình cho rằng, việc đầu tư khép kín tuyến Vành đai 3 là hết sức cấp bách, phải quyết tâm được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

    Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc triển khai đầu tư tuyến Vành đai 3 và nghiên cứu đầu tư tuyến Vành đai 4 còn hết sức chậm trễ; trong đó trách nhiệm  thuộc về một số Bộ, ngành trung ương và một số địa phương liên quan. Bộ GTVT còn có trách nhiệm phối hợp với các địa phương có liên quan, nhất là TP.HCM trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đã được Thủ tướng giao tại Quyết định số 1697 như công tác huy động nguồn lực đầu tư, phê duyệt các dự án thành phần, công tác chỉ đạo giải phóng mặt bằng, công tác thực hiện các giải pháp giao thông cụ thể cho từng dự án, nhất là công tác phối hợp chỉ đạo...

    Cấp bách gỡ vướng trong đầu tư đường Vành đai 3, 4 - Ảnh 2
    Phấn đấu hoàn thành tuyến Vành đai 3 trong giai đoạn 2021-2026; đồng thời triển khai đồng bộ tuyến Vành đai 4 để hoàn thành trong nhiệm kỳ tiếp theo.

    Phó Thủ tướng đánh giá, đường Vành đai 3 kết nối TP.HCM với nhiều tỉnh, thành như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh... sẽ giải quyết rất lớn việc vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực cho các tuyến đường nội đô, cải thiện lưu thông qua các nút đường xuyên tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng.

    Hơn nữa, cần phải tính đến khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, các tuyến đường vành đai sẽ đóng vai trò quan trọng hình thành thêm một hướng kết nối, các phương tiện không cần đi vào đường nội đô để lên cao tốc, giúp giảm lượng lớn phương tiện cũng như thời gian lưu thông từ trung tâm TP.HCM đến sân bay; song song với đó phải tiếp tục nghiên cứu đầu tư tuyến Vành đai 4.

    Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT với vai trò là cơ quan quản lý toàn bộ tuyến đường Vành đai 3 cần khẩn trương xem xét, đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho phù hợp với tình hình mới; Phó Thủ tướng lưu ý, mặc dù Quy hoạch chi tiết tuyến Vành đai 3 đã thể hiện khá đầy đủ nhiệm vụ, giải pháp triển khai, kể cả phương thức huy động vốn, tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm triển khai Quy hoạch, có một số chính sách mới được ban hành nên việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch là cần thiết.

    Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, tiếp tục làm việc với các địa phương có tuyến đường đi qua để rà soát, đánh giá toàn diện tình hình triển khai tuyến đường, những khó khăn, vướng mắc phát sinh; đề xuất giải pháp, trong đó tập trung huy động nguồn lực đầu tư, phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong từng giải pháp, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần nêu rõ từng giải pháp cụ thể, vấn đề nào phải báo cáo Chính phủ, vấn đề nào phải báo cáo Quốc hội…

    Phó Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo các địa phương lân cận cần chủ động xử lý các khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đối với các đoạn tuyến trên địa bàn, đặc biệt TP.HCM cần đi đầu trong xây dựng tuyến đường này, có thể nghiên cứu, tiếp nhận các đoạn tuyến từ Bộ GTVT để chủ trì quản lý đầu tư xây dựng theo cơ chế phù hợp. Đối với đoạn tuyến đã đưa vào khai thác trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng cần rà soát, tổ chức giao thông hợp lý - tránh xung đột giao thông, làm giảm hiệu quả tuyến đường.

    Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương xây dựng đề án, báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 20/4/2021,  thống nhất trình Chính phủ nhằm quyết tâm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, phấn đấu hoàn thành  tuyến Vành đai 3 trong nhiệm kỳ Chính phủ 2021-2026; đồng thời triển khai đồng bộ tuyến Vành đai 4 để hoàn thành trong nhiệm kỳ tiếp theo..

    PV

    Bạn đang đọc bài viết Cấp bách gỡ vướng trong đầu tư đường Vành đai 3, 4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới