Chủ nhật, 24/11/2024 07:00 (GMT+7)
Thứ tư, 13/12/2023 16:55 (GMT+7)

CEO NVIDIA và hành trình từ một học sinh trường giáo dưỡng đến tỷ phú thế giới

Theo dõi KTMT trên

Doanh nhân Hoàng Nhân Huân (Jensen Huang) là 1 người Mỹ gốc Đài Loan (Trung Quốc), hiện ông đang giữ vai trò là CEO Công ty phần mềm NVIDIA – 1 trong 5 công ty có giá trị vốn hoá lớn nhất nước Mỹ.

Bị gửi nhầm đến học tại trường giáo dưỡng

Doanh nhân Hoàng Nhân Huân sinh năm 1963 tại thành phố biển Đài Nam, Đài Loan (Trung Quốc), năm ông lên 5 tuổi gia đình ông chuyển đến Thái Lan sinh sống, nhưng được 1 thời gian cha mẹ ông nhận ra cuộc sống không như ý, kèm với những vấn đề chính trị hỗn loạn tại đây khiến cho họ tìm cách ông gửi hai anh em ông qua Mỹ ở với người chú.

Năm 9 tuổi, Hoàng Nhân Huân bắt đầu đặt chân đến Mỹ, lúc đó chú của ông cũng mới nhập cư sang đây, thay vì gửi 2 anh em vào trường dự bị nội trú, chú của ông lại đưa nhầm 2 anh em vào trường giáo dưỡng có tên là Học viện Baptist Oneida, một ngôi trường dành cho những đứa trẻ ngịch ngợm nằm ẩn sâu trong vùng núi Kentucky.

CEO NVIDIA và hành trình từ một học sinh trường giáo dưỡng đến tỷ phú thế giới - Ảnh 1
CEO VNIDIA Hoàng Nhân Huân.

Từ đó hai đứa trẻ nhập cư chung sống với bọn trẻ nghịch ngợm tại trường giáo dưỡng, nhưng vẫn nỗ lực ăn học. Vì chúng không còn đường nào khác. Mãi sau này khi cha mẹ Hoàng Nhân Huân qua tiểu bang Oregon thì gia đình ông mới được đoàn tụ và ông cũng đã được vào học trung học ở trường Aloha tại ngoại ô thành phố Portland. Sau đó Hoàng Nhân Huân thi đỗ và được vào học rồi lấy bằng kỹ sư điện tại Đại học bang Oregon năm 1984.

Sau khi ra trường, ông làm Giám đốc của LSI Logic và là nhà thiết kế bộ vi xử lý tại Advanced Micro Devices, Inc. (AMD).

Vào sinh nhật năm 30 tuổi, ông và 2 người bạn của mình bàn về việc thành lập NVIDIA tại nhà hàng Denny's, nơi ông từng làm bồi bàn bán thời gian nhiều năm để lấy tiền đi học.

Đầu năm 1993, NVIDIA chính thức được thành lập với số vốn ban đầu là 40.000 USD. Ba cổ đông sáng lập gồm có Hoàng Nhân Huân, Chris Malachowsky (hiện là giám đốc công nghệ cấp cao của Nvidia) và Curtis Priem (nghỉ hưu vào năm 2003).

Chiến lược thị trường ngách, hướng đi khôn ngoan của NVIDIA

Khi mới thành lập, NVIDIA chỉ là “tân binh” trên thị trường công nghệ thông tin của Mỹ, đi sau hàng loạt doanh nghiệp nổi tiếng khác như Microsoft Oracle, Intel, Qualcomm.

Vì “sinh sau đẻ muộn”, NVIDIA phải chọn hoặc là phải cạnh tranh mạnh mẽ hoặc bị “nuốt chửng”. Nhưng làm sao một công ty non trẻ như NVIDIA có thể cạnh tranh được với các “ông lớn” đã có tên tuổi trên thị trường?

Đứng trước vấn đề trên, Hoàng Nhân Huân đã chọn cách “né” thay vì phải đối đầu trực tiếp. Lúc đó, các công ty lớn như Microsoft, Intel, Oracle hay Qualcomm tập trung phát triển các thuật toán, cơ sở dữ liệu, các ngôn ngữ lập trình máy tính cũng như các phần mềm phục vụ cho các tính năng tính toán phức tạp cũng như các phần mềm đặc trưng khác phục vụ cho từng chuyên môn và lĩnh vực khác nhau.

Còn NVIDIA, lại phát triển mảng đồ họa trên máy vi tính, tạo ra các con chip giúp cho các đoạn phim được trình chiếu với chất lượng cao hơn và âm thanh sống động hơn, điều chưa từng được các công ty lớn thật sự đặt tâm nghiên cứu và phát triển.

Nhận thấy máy vi tính còn là một công cụ giải trí rất hiệu quả và tiềm năng kinh doanh rất lớn trên thị trường, Hoàng Nhân Huân đã đánh mạnh mảng phát triển đồ họa dành cho trò chơi điện tử, lĩnh vực được xem là “con gà đẻ trứng vàng” trong giới công nghệ thông tin khi ấy.

Hơn nữa, trò chơi điện tử là một lĩnh vực không bao giờ bão hòa trên thị trường như nhiều lĩnh vực khác trong công nghệ thông tin. NVIDIA đã tạo ra các thế hệ chip quen thuộc trong giới công nghệ thông tin, với tên gọi “card màn hình”.

Năm 1995, NVIDIA tung ra card màn hình đầu tiên với tên gọi là NV1, chiếc card màn hình này có lõi đồ họa 2D/3D cho phép thay đổi đồ họa trò chơi điện tử trên máy vi tính từ dạng 2D, điển hình như trò chơi huyền thoại Mario, sang 3D với góc nhìn theo chiều dài, chiều rộng và chiều cao của các cảnh trí cũng như các nhân vật trong trò chơi.

CEO NVIDIA và hành trình từ một học sinh trường giáo dưỡng đến tỷ phú thế giới - Ảnh 2
Card màn hình đầu tiên di NVIDIA sản xuất.

Sản phẩm đồ họa này đã được nhanh chóng áp dụng vào thế hệ trò chơi Virtual Fighter rất quen thuộc đối với những game thủ thế hệ 8x và đầu 9x. Bằng cách đó, NVIDIA đã tạo nên một cuộc cách mạng lớn trong lĩnh vực trò chơi điện tử, nhờ vào các ý tưởng và các sản phẩm chip xử lý đồ họa của Hoàng Nhân Huân, các dòng trò chơi điện tử máy vi tính ngày càng mang đến cho các game thủ những trải nghiệm sống động và chân thật qua từng giai đoạn phát triển của sản phẩm từ NVIDIA.

Việc xác định đúng thị trường đã giúp NVIDIA thành công rực rỡ. Năm 1999, chỉ sau 5 năm thành lập NIVIDIA đã IPO trên sàn chứng khoán NASDAQ với giá khởi điểm 12 USD/cổ phiếu. Cùng năm này, NIVIDA được bình chọn là công ty phần mềm thành công nhất năm, vượt mặt các “ông lớn” phần mềm công nghệ thông tin thời điểm đó.

Vào năm 2000, sự thành công của NVIDIA đã thu hút được sự chú ý của tỷ phú Bill Gates. Nhà sáng lập Microsoft đã đặt hàng NVIDIA thiết kế bộ xử lý đồ họa riêng biệt dành cho dòng máy chơi game Xbox Console của Microsoft. Ngoài ra, NVIDIA cũng là nhà cung cấp bộ xử lý đồ họa cho dòng máy chơi game nổi tiếng Play Station của Sony, một đối thủ cạnh tranh của Microsoft đến từ châu Á.

Tiên phong trong trí tuệ nhân tạo

Khoảng đầu những năm 2010, khi Apple khởi nguồn cuộc cách mạng điện thoại và thiết bị di động thông minh, khiến hàng loạt công ty phần mềm điêu đứng về sự thay đối chóng mặt của thị trường. Tuy nhiên, NVIDIA vẫn thể hiện tốc độ tăng trưởng ổn định so với các đối thủ của mình.

Trong khi những đại gia sản xuất chip như Intel, IBM… đang tập trung nâng cấp các sản phẩm xử lý đồ họa tích hợp, thì NVIDIA đã tiệm cận tới 1 trong những phát kiến vĩ đại nhất của loài người đó chính là trí tuệ nhân tại (AI).

Sản phẩm AI đầu tiên của NVIDIA ra mắt trên thị trường là Tesla GPU, được đặt theo tên nhà khoa học tài ba Nikola Tesla. Tesla GPU về cơ bản là một ổ cứng có chức năng xử lý thông tin như các thế hệ chip trước đây NVIDIA sản xuất. Tuy nhiên, “siêu máy tính” này được NVIDIA phát triển dựa trên nền tảng AI có tính năng xử lý các thông tin cực kỳ phức tạp bằng việc thu thập thông tin, nhận thức, xử lý, kết luận và đưa ra hàng loạt đáp án khác nhau trong một khoảng thời gian ngắn.

Tesla GPU được dùng để xử lý các thông tin vượt ngoài khả năng xử lý của các con chip thông thường như nhận diện hình ảnh, nhận diện giọng nói, tiếp nhận khẩu lệnh và đưa ra phương án giải quyết trên nền tảng điện thoại thông minh.

Bên cạnh đó, NVIDIA còn cho ra mắt nền tảng xử lý thông tin Drive PX, đây được xem là “bộ não” cho các dòng xe điện Model S, Model X và Model 3 của thương hiệu Tesla. Drive PX biến xe hơi trở thành một phương tiện có thể nhận diện, học hỏi, suy nghĩ và đánh giá các yếu tố tác động trên hành trình di chuyển. Bên cạnh đó, nó còn cung cấp khả năng tự lái an toàn cho xe hơi bằng việc thu thập các thông tin từ bản đồ, từ môi trường bên ngoài… để đưa ra phương án giải quyết, đảm bảo an toàn cho hành trình.

CEO NVIDIA và hành trình từ một học sinh trường giáo dưỡng đến tỷ phú thế giới - Ảnh 3
Hoàng Nhân Huân giới thiệu nền tảng xử lý thông tin Drive PX

Với những sản phẩm của mình NVIDIA trở thành nhà cung cấp bộ xử lý máy tính AI hàng đầu cho các ông lớn công nghệ như Apple, Microsoft, Tesla và các ông lớn khác trong ngành xe hơi như Volvo, Audi, Mercedes cũng đồng loạt hợp tác cùng NVIDIA để phát triển tính năng tự lái cho các dòng xe mới của họ.

Với việc mạnh dạn đầu tư phát triển, chuyển đổi từ bộ xử lý đồ họa máy vi tính sang lĩnh vực AI, NVIDIA đã tạo nên một kỳ tích “vô tiền khoáng hậu”, tạo ra cốt lõi cho các ứng dụng AI trong hầu hết các lĩnh vực công nghệ thế mạnh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Vận số của NVIDIA đã đến vào năm 2016, khi cơn sốt đào tiền kỹ thuật số bắt đầu bùng nổ. Để tạo ra được tiền điện tử, người ta phải giải bài toán phức tạp trên mạng blockchain, hay còn gọi là "đào" (mining). Và những chiếc GPU từ NVIDIA đã làm rất tốt điều này.

Khác với game thủ, thợ đào tiền mã hóa sẵn sàng mua hàng chục, hàng trăm cho tới hàng nghìn GPU. Bởi vậy, nhu cầu về sản phẩm của NVIDIA trở lên rất lớn, đẩy doanh số cũng như lợi nhuận tăng nhanh. Giá GPU của NVIDIA cũng tăng chóng mặt, có thời điểm giá thực tế cao hơn 50% tới 100% so với giá giá bán lẻ đề xuất của nhà sản xuất.

Vào năm 2018, giá tiền mã hóa lao dốc, kéo theo cổ phiếu NVIDIA. Tuy nhiên, sự bùng nổ trong hai năm trước đã giúp cổ phiếu của công ty này nhảy vọt gần chục lần.

Vào năm 2021, cơn sốt tiền mã hóa quay trở lại. Lần này, NVIDIA đã giới hạn khả năng khai thác của dòng GPU dùng để chơi game và ra mắt GPU chuyên “đào” tiền với giá 4.700 USD.

Tuy nhiên, kiếm tiền từ game thủ hay thợ đào tiền mã hóa, với biên lợi nhuận gần 40% vẫn chưa là gì so với những gì mà AI sắp mang lại cho NVIDIA.

GPU không chỉ có khả năng giúp trò chơi điện tử mượt và đẹp hơn, chúng còn có thể giúp tăng tốc quá trình đào tạo AI. Cơn số AI gần đây bắt đầu sau khi ChatGPT ra mắt công chúng vào cuối năm ngoái.

ChatGPT được đào tạo bởi GPU H100 của NVIDIA. Dòng GPU chuyên dụng này có giá từ 10.000 đến 20.000 USD, tùy vào thông số kỹ thuật. Và OpenAI cần tới 10.000 chiếc H100 để huấn luyện ChatGPT. Như vậy, chỉ từ một dự án AI, Nvidia đã có thể thu về cả trăm triệu USD.

Với sự thành công của ChatGPT, giới công nghệ đang chạy đua để cho ra mắt các sản phẩm AI. Tesla đang sử dụng 5.760 GPU NVIDIA A100 để đào tạo AI tự hành. Mỗi chiếc A100 có giá 10.000 USD. Meta đã sử dụng tới 22.000 GPU V100 của NVIDIA từ những năm 2017.

Và cứ khoảng 1 năm NVIDIA lại ra mắt một kiến trúc GPU mới, với hiệu năng tăng khoảng 30 đến 50%. Bởi vậy, các công ty công nghệ lớn muốn phát triển AI có thể phải bỏ hàng chục, hàng trăm triệu USD mỗi năm cho NVIDIA.

Ngày nay NVIDIA phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những gã khổng lồ sản xuất chip AMD và Intel. Tuy nhiên NVIDIA lại có khởi đầu thuận lợi đến mức từ NVIDIA gần như đồng nghĩa với AI.

Đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã giúp cho cổ phiếu của NVIDIA tăng 245% trong năm 2023, mức tăng trưởng cao hơn so với bất kỳ thành viên nào trong S&P 500.

Giá trị vốn hóa thị trường của NVIDIA hiện ước tính khoảng 1.200 tỷ USD - trở thành công ty Mỹ có giá trị thứ năm sau Apple, Microsoft, Alphabet và Amazon.

Theo nhật báo Anh The Telegraph, lợi nhuận hàng quý của công ty trong năm 2023 đã tăng lên mức đáng kinh ngạc 843%, từ 656 triệu USD lên đến 6,2 tỷ USD.

Doanh thu từ hoạt động của trung tâm dữ liệu - phản ánh nhu cầu về chip AI tốt nhất thị trường của NVIDIA - đã tăng 141% chỉ sau 3 tháng, vượt qua cả mọi kỳ vọng của Phố Wall.

Với việc sở hữu khoảng 3% giá trị vốn hoá của NVIDIA, giá trị tài sản cá nhân của Hoàng Nhân Huân ước tính đạt khoảng 42 tỷ USD, đứng top 20 trên bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu của Forbes.

Vị tỷ phú có phong cách giản dị

Dù đạt nhiều thành công rực rỡ nhưng Hoàng Nhân Huân là một CEO kín tiếng và giản dị. Ít ai biết được rằng người đàn ông đeo mắt kính, khoác áo da và có gương mặt gốc Á xuất hiện hiếm hoi tại các hội nghị công nghệ lại là “kiến trúc sư trưởng” của 1 trong những công ty công nghệ có giá trị lớn nhất thế giới.

Trong chuyến công tác tới Việt Nam mới đây, người ta bắt gặp CEO NVIDIA trong trang phục áo phông và quần jean đi ăn các món ăn đậm chất hương vị Việt Nam với các nhân viên đi cùng, ở một quán bình dân vỉa hè trên đường Lương Ngọc Quyến. Tiếp đó là “xì xụp” thưởng thức tô phở nghi ngút như bao thực khách khác ở Phố Hàng Nón.

CEO NVIDIA và hành trình từ một học sinh trường giáo dưỡng đến tỷ phú thế giới - Ảnh 4
CEO Nvidia ăn phở bò ở một quán vỉa hè tại phố Hàng Nón.

Một địa điểm khác cũng được vị tỷ phú ghé thăm là tiệm Cafe Giảng trên phố Nguyễn Hữu Huân. Sau khi thưởng thức các món đặc trưng của tiệm, ông đã vui vẻ chụp ảnh cùng các nhân viên của tiệm.

Để tri ân ngôi trường đã dạy dỗ mình khi mới nhập cư sang Mỹ, ông đã tặng cho trung tâm giáo dưỡng Học viện Baptist Oneida 2 triệu USD để xây dựng Huang Hall, một tòa nhà ký túc xá và lớp học mới dành cho nữ sinh.

Ông cũng tặng đại học cũ của mình là đại học bang Oregon 50 triệu USD để góp 25% cho việc xây dựng Viện siêu máy tính tại đây. Ông tặng trường Stanford nơi học thạc sỹ 30 triệu USD để xây trung tâm kỹ thuật mang tên mình.

Hoàng Nhân Huân nói ông nợ cha mẹ ông rất nhiều vì ý chí cho con đi du học và quyết tâm đưa họ qua Mỹ bằng được.

Khi ở bang Oregon, Hoàng Nhân Huân đã gặp người vợ tương lai của mình, Lori, một bạn trong phòng thí nghiệm kỹ thuật của ông vào thời điểm đó. Họ đã kết hôn và có hai con, một trai và một gái. Hiện con trai lớn của ông đang làm việc tại công ty của ông với chức danh Giám đốc sản phẩm.

Mỹ Tịch

Bạn đang đọc bài viết CEO NVIDIA và hành trình từ một học sinh trường giáo dưỡng đến tỷ phú thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP
Mới đây, 2 trang trại lớn của Mavin đã chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của Mavin trong việc xây dựng một hệ thống chăn nuôi hiện đại, bền vững và tiêu chuẩn quốc tế.

Tin mới