Châu Á đối mặt với hiểm họa 'làn sóng' rác thải nhựa từ đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 đang khiến cho những sản phẩm làm từ nhựa để phục vụ công tác phòng chống, xét nghiệm và chữa bệnh trên toàn cầu tăng vọt. Một hệ lụy kéo theo chính là sự gia tăng của rác thải nhựa.
Lượng rác thải y tế khổng lồ thải ra đại dương. (Ảnh: MSN) |
Đầu năm 2020, tổ chức Oceans Asia (trụ sở tại HongKong), đã bắt đầu lên tiếng về những lo ngại ô nhiễm đại dương. Sau cuộc khảo sát quần đảo Soko, dù không có người sinh sống nhưng quần đảo này đã xuất hiện hàng chục khẩu trang dùng một lần. Cứ 100m bờ biển lại có tới 70 khẩu trang.
Theo Bộ Môi trường Trung Quốc, trong thời kỳ đại dịch đạt đỉnh ở Vũ Hán, nơi khởi phát dịch, lượng rác thải y tế trung bình một ngày lên đến 240 tấn, gấp 6 lần mức bình thường.
Còn theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), thủ đô Manila của Philippines cũng tạo ra lượng rác thải y tế tăng thêm là 280 tấn. Con số này ở thủ đô là 212 tấn/ngày. Có rất ít nước có đủ năng lực để xử lý lượng rác thải bổ sung này, ADB nhận định.
Tương tự, chính phủ Thái Lan từ đầu năm 2020 bắt đầu thực hiện lệnh cấm dùng túi nhựa sử dụng một lần tại các cửa hàng lớn và các nhà bán lẻ sẽ hướng tới một lệnh cấm hoàn toàn vào năm 2021 nhằm giảm nạn ô nhiễm rác thải nhựa ở nước này trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, Thái Lan cũng có khuynh hướng sử dụng lại đồ nhựa dùng một lần kể từ khi bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa hồi tháng 3/2020. Trích dẫn dữ liệu từ Viện nghiên cứu Môi trường Thái Lan, bà Pichmol Rugrod thuộc tổ chức Greenpeace (Hòa bình Xanh) ở Đông Nam Á, cho hay lượng rác thải từ đồ nhựa dùng một lần trung bình 2.115 tấn/ngày trước khi lệnh phong tỏa được áp dụng tăng lên hơn 3.400 tấn/ngày trong tháng 4. Tính cả nước Thái Lan, lượng rác thải nhựa tăng từ 5.000 tấn/ngày lên 6.300 tấn, theo SCMP.
Tại Singapore, trong suốt 8 tuần thực hiện giãn cách xã hội và bắt đầu được nới lỏng từ ngày 1/6, cuộc khảo sát mới nhất cho thấy, 5,7 triệu cư dân Singapore đã tạo ra thêm 1.470 tấn chất thải nhựa từ bao bì bọc thực phẩm và các chuyến giao hàng. Ngoài ra, trên khắp các vỉa hè, khẩu trang bị vứt la liệt, một cảnh tượng đáng lẽ không thể xuất hiện ở đất nước được mệnh danh là môi trường sống hàng đầu thế giới.
Ô nhiễm rác thải nhựa là một vấn đề toàn cầu đã tồn tại từ trước khi có đại dịch Covid-19. (Ảnh: Internet) |
Dịch Covid-19 đã “giải phóng” hàng loạt các loại rác thải nhựa theo những cách khác nhau. Các công ty không còn tha thiết trong việc sử dụng các công cụ tái chế, nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt và các nhà máy phải ngừng hoạt động vì lo ngại lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, nỗi lo về việc lây nhiễm virus cũng khiến một số người thu gom và phân loại rác gặp khó khăn.
Giới chuyên gia nhận định tình trạng này có nguy cơ tạo nên một thảm họa môi trường ở khu vực, làm suy yếu những nỗ lực tái chế đã đạt được trong suốt thời gian dài.
Nhựa không biến mất hoàn toàn mà thay vào đó phân hủy thành những mảnh nhỏ được gọi là vi nhựa. Chúng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người khi xâm nhập chuỗi thức ăn.
Trước khi đại dịch bùng phát, các nhà bảo vệ môi trường đã cảnh báo về mối đe dọa đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người do ô nhiễm nhựa gây ra. Giờ đây, vấn đề càng trở nên khó khăn khi ưu tiên cho sức khỏe và an toàn được đặt lên hàng đầu khiến cho lượng nhựa dùng một lần ngày càng gia tăng.
“Các biện pháp hạn chế nhằm chống Covid-19của chính phủ Philippines đã làm gia tăng lượng bao bì thải ra môi trường và gây thiệt hại đáng kể cho cả sinh kế của những người thu gom rác cũng như khả năng duy trì các sáng kiến tái chế địa phương”, theo Von Hernandez, điều phối viên phong trào Toàn cầu Không sử dụng Nhựa.
Trong nỗ lực nhằm đối phó tình trạng này, Cơ quan Quản lý Môi trường Philippines đã ban hành một bản ghi nhớ cho phép xử lý chất thải Covid-19 bằng cách đốt, bỏ qua Đạo luật Không khí Sạch và Quy tắc Vệ sinh, cấm các công nghệ đốt rác thải ra khói độc.
Tuy nhiên, theo Hernandez, đốt rác thải là một giải pháp sai lầm. "Đốt những vật liệu như vậy sẽ biến chúng thành vấn đề ô nhiễm độc hại ghê gớm, khiến cộng đồng bị tổn hại nhiều hơn, khiến người dân trở nên nhạy cảm và dễ mắc bệnh hơn", Hernandez lập luận.
Quá trình trên giải phóng các hạt vật chất, bao gồm cả các hạt bụi mịn PM2.5 cực kỳ nguy hiểm vào bầu khí quyển. Điều này liên quan đến việc tăng tỷ lệ tử vong do Covid-19, theo một số nghiên cứu sức khỏe mới công bố.
Việc đốt rác thải cũng khiến con người phải tiếp xúc với các chất độc polychlorinated dioxin và furan, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là chất độc hại nhất mà khoa học biết đến. Chúng gây chết người ở nồng độ rất thấp và tồn tại trong môi trường hàng thế kỷ.
Nhật Hạ