Cháy rừng lan rộng, Canada phải sơ tán khẩn cấp 20.000 người
Do khả năng cháy rừng có thể lan tới thành phố vào cuối tuần, toàn bộ cư dân thành phố Yellowknife (gần 20.000 người) đã được lệnh sơ tán.
Gần 20.000 người phải sơ tán khẩn cấp
Chính quyền thành phố Yellowknife - thủ phủ Vùng lãnh thổ Tây Bắc (Northwest Territories) của Canada đã yêu cầu cư dân của thành phố lập tức sơ tán để đảm bảo an toàn do khả năng cháy rừng có thể lan tới thành phố này vào cuối tuần.
Ông Shane Thompson - quan chức phụ trách vấn đề môi trường của Vùng lãnh thổ Tây Bắc cho biết: “Tình hình cháy rừng đã chuyển sang hướng tồi tệ nhất, khi lửa bùng phát ở phía Tây Yellowknife đang là mối đe dọa thực sự đối với thành phố.”
Toàn bộ cư dân thành phố Yellowknife (gần 20.000 người) đã được lệnh sơ tán trước trưa 18/8 bằng ôtô hoặc máy bay. Họ có thể di chuyển theo tuyến đường cao tốc đi về phía Nam hoặc đi trên các chuyến bay thương mại và quân sự đã được chính quyền sắp xếp.
Chính quyền thành phố Yellowknife đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào đầu tuần này, khi các đám cháy rừng bùng phát xung quanh thành phố và nhanh chóng lan rộng ra khu vực lãnh thổ phía Bắc rộng lớn của Canada.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tại khu vực này hiện có hơn 230 đám cháy. Trong khi đó, tại tỉnh bang British Columbia, khoảng 150 người đang bị mắc kẹt tại nhà trọ Cathedral Lakes trong khi chờ sơ tán, do lối thoát duy nhất của họ đã bị lửa bao vây.
Cùng với việc hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài 19 ngày ở khu vực miền Tây, Canada cũng đang trải qua mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử, với hơn 1.000 đám cháy đang hoành hành, trong đó hơn 350 đám cháy đang diễn ra tại British Columbia.
Các đám cháy đã quét qua gần như toàn bộ 13 tỉnh và vùng lãnh thổ của Canada trong năm nay, buộc các cư dân phải sơ tán, làm gián đoạn sản xuất năng lượng, khiến các lực lượng chữa cháy liên bang và quốc tế phải dốc toàn lực.
Hậu quả của sự nóng lên toàn cầu
Các nhà khoa học cũng đưa ra cảnh báo những vụ cháy rừng tàn khốc như đã thiêu rụi Hawaii và nhiều vùng ở Canada và Hy Lạp có thể sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong tương lai do ảnh hưởng từ sự nóng lên toàn cầu.
Hai nhà khoa học hàng đầu về hỏa hoạn cho biết, số lượng các vụ cháy rừng cực đoan ngày càng tăng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu và dẫn đến nhiều đám cháy hơn, làm hỏng tầng ozone và tác động nghiêm trọng đến toàn cầu.
Viết trên tạp chí Khoa học, họ giải thích rằng sự nóng lên toàn cầu đang khiến hành tinh nóng lên dữ dội hơn, có thể nhanh chóng làm môi trường khô hơn, tạo điều kiện cho các đám cháy bắt đầu và lan rộng.
Hiện tại, mùa cháy rừng đã kéo dài hơn ở nhiều nơi, bao gồm Úc, Bắc Mỹ và Châu Âu, và một số đám cháy đã trở nên dữ dội đến mức khó kiểm soát.
"Cháy rừng rất phức tạp và nó đã phức tạp ở quy mô toàn cầu. Tôi nghĩ đây là vấn đề chính mà chúng tôi đang cố gắng vượt qua,” Giáo sư Jason Sharples, người chuyên nghiên cứu về động lực cháy rừng tại Đại học New South Wales (Mỹ), cho biết.
Giáo sư Sharples nói với The Straits Times: "Mỗi mùa cháy rừng tồi tệ, chúng tôi lại nhận được rất nhiều bài học mới".
Ông Sharples là đồng tác giả nghiên cứu với Giáo sư David Bowman, một chuyên gia về địa chất và khoa học lửa tại Đại học Tasmania.
Đề cập đến vụ cháy rừng chết người ở Maui, Hawaii ông cho biết những đám cháy tương tự có thể xảy ra trong tương lai song những vị trí của đám cháy rất bất thường. "Chúng tôi bắt đầu thấy những điều này xảy ra ở vùng nhiệt đới. Hawaii là một địa điểm nhiệt đới", ông Sharples nói thêm.
Cả hai nhà khoa học đã xem xét bằng chứng khoa học từ vụ cháy rừng Mùa hè Đen ở Úc năm 2019-2020 đã giết chết 33 người và thiêu rụi hơn 24 triệu ha đất. 3 tỉ động vật hoang dã đã bị chết, bị thương hoặc phải di tản.
Các đám cháy đã giải phóng tương đương 80% tổng lượng khí thải từ lửa và nhiên liệu hóa thạch hàng năm của Úc.
Giáo sư Sharples cho biết lượng khí thải tăng đột biến từ những đám cháy sẽ dẫn đến có nhiều đám cháy xảy ra hơn khi gia tăng lớn lượng carbon dioxide (CO2) trong không khí làm tăng tác động của sự nóng lên toàn cầu.
Cháy rừng dữ dội có thể gây ra bão lửa lớn, được gọi là đám mây vũ tích, có thể tạo ra thời tiết riêng và tạo điều kiện cho nhiều đám cháy xảy ra hơn.
Những cơn bão này có thể bơm một lượng lớn các hạt khói và CO2 cao vào tầng bình lưu. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2022 cho thấy khói từ các đám cháy ở Úc đã làm mỏng tầng ozone tới 5%.
Cả hai nhà khoa học đều cho biết cần phải khẩn trương chuẩn bị tốt hơn cho những đám cháy cực đoan.
Minh Phương