Chế độ ăn khoa học dành cho người bệnh sốt xuất huyết
Do cơ thể mệt mỏi, sốt cao nên người bệnh sốt xuất huyết sẽ ăn uống kém đi. Những tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bệnh nhân có chế độ ăn giúp phục hồi sức khỏe tốt nhất.
Việc bù nước là quan trọng nhất với người bệnh sốt xuất huyết
Theo ThS.BS Lê Thị Hải (Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám Tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia) thì những người bệnh sốt xuất huyết sẽ ăn uống kém đi do các triệu chứng sốt cao và mệt mỏi. Đặc biệt, các biến chứng sốt xuất huyết như sốc, thoát huyết tương gây cô đặc máu rất nguy hiểm. Do đó trong chế độ ăn uống, bệnh nhân cần chú ý bù nước và chất điện giải.
Người bệnh sốt xuất huyết cần uống nước thường xuyên để nâng cao sức đề kháng. |
Quá trình người bệnh sốt cao sẽ mất nước rất nhiều, vì vậy cần bù nước bằng cách uống oresol hay các loại nước trái cây, nước ép hoa quả: cam, chanh, dừa, bưởi… Đây là những thức uống chứa nhiều khoáng chất và vitamin C, có tác dụng nâng cao sức đề kháng, làm bền thành mạch. Từ đó giúp tình trạng bệnh nhanh chóng thuyên giảm.
Theo kinh nghiệm dân gian, người bệnh sốt xuất huyết có thể sử dụng lá đu đủ nghiền, chắt lấy nước ép và uống cũng mang hiệu quả tốt.
Nên ăn các thức ăn dạng lỏng, mềm
Các loại cháo, súp là món ăn phù hợp với người sốt xuất huyết. Ảnh minh họa |
Các bác sĩ dinh dưỡng cũng khuyên người bệnh sốt xuất huyết nên ăn những loại thức ăn dạng lỏng và mềm như: cháo, súp, sữa… Đây là những thức ăn giàu dinh dưỡng, lại dễ hấp thu. Trong quá trình bị bệnh không nên ăn cơm hay các đồ cứng khó nhai, nuốt.
Đối với trẻ nhỏ bị sốt xuất huyết thì sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất. Vì vậy khi trẻ bị bệnh, nếu còn bú mẹ thì vẫn phải tiếp tục cho trẻ bú. Nên chia nhỏ các bữa ăn và nước uống hàng ngày ra làm nhiều lần, tránh cho trẻ ăn dồn dập. Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu đạm (trứng, sữa, thịt…); Các thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt gà, bò… ) nhằm nâng cao sức đề kháng cho trẻ để chống lại bệnh tật.
Cần tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ
Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu cũng như vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết, vì vậy chế độ dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu người bệnh có sức đề kháng kém thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn và có thể gây sốc cho bệnh nhân.
Do vậy, người bệnh sốt xuất huyết cần tránh ăn những thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo như đồ xào rán, thực phẩm có nhiều gia vị chua cay. Những thức ăn này sẽ gây khó tiêu cho người bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân không cần kiêng khem tuyệt đối các thực phẩm nào mà nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt các thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất…
Áp dụng cho trẻ ăn “trả bữa”
Trẻ em bị sốt xuất huyết cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Ảnh minh họa |
Trẻ em bị sốt xuất huyết nếu đã qua cơn sốt và chơi bình thường thì nên áp dụng chế độ ăn uống như bình thường. Nếu bé còn bú mẹ thì người mẹ phải ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Nếu bé đang trong tuổi ăn dặm thì nên cho trẻ ăn “trả bữa” để bù lại các chất dinh dưỡng đã mất, giúp trẻ tăng cân, tránh tình trạng nhẹ cân, suy dinh dưỡng.
Các bé có thể ăn chưa ngon miệng sau khi mới ốm dậy. Do đó cha mẹ cần chia nhỏ các bữa ăn, tăng số bữa trong ngày, nên cho bé ăn các loại cháo, súp để bù đắp năng lượng thiếu hụt.
Đặc biệt, phụ huynh cần kiên trì thay đổi các món ăn phù hợp với khẩu vị của trẻ. Ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin D, A, sắt, kẽm và khoáng chất… Một số món ăn gúp trẻ tăng cường sức đề kháng: cháo cà rốt, thịt gà, nước ép cam, quýt, sinh tố.
Theo Môi trường và Đô thị