Thứ năm, 28/11/2024 01:11 (GMT+7)
Thứ năm, 04/07/2019 19:05 (GMT+7)

"Chìa khoá" cho nền nông nghiệp bền vững

Theo dõi KTMT trên

Phân bón hữu cơ chính là "chìa khóa", là điều kiện cần để mở đường cho nền nông nghiệp hữu cơ phát triển. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề ra lộ trình đến năm 2020 sẽ tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ lên 15% tổng số sản phẩm phân bón, tương ứng khoảng 3.000 sản phẩm. Đồng thời, tăng lượng tiêu thụ phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp trong nước hằng năm từ một triệu tấn lên ba triệu tấn và xuất khẩu đạt 0,5 triệu tấn.

"Chìa khoá" cho nền nông nghiệp bền vững - Ảnh 1
Sản xuất phân bón hữu cơ tại Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa).

Nhu cầu và tiềm năng đều lớn

Trong số gần 21.000 sản phẩm phân bón của nước ta hiện nay, phân bón hữu cơ công nghiệp đang được sản xuất, kinh doanh và sử dụng là 2007 sản phẩm, chiếm 9,6%; phân bón sinh học là 305 sản phẩm, chiếm 1,5%, còn lại là phân bón vô cơ 18.518 sản phẩm, chiếm 88,9%.

Trưởng phòng Quản lý phân bón - Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) Phạm Minh Lan cho biết, việc sử dụng phân bón vô cơ trong thời gian dài đã gây ô nhiễm môi trường đất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản. Phần lớn nông dân đã quen với tập quán sử dụng phân bón vô cơ do có tác dụng, hiệu quả nhanh. Tuy nhiên, những năm gần đây, yêu cầu về sản phẩm nông nghiệp sạch đã dẫn tới nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng tăng. Năm 2017, nước ta đã nhập khẩu tới 220.000 tấn phân bón hữu cơ, năm 2018, con số này là 215.000 tấn. Ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, phân bón hữu cơ còn có tác dụng cải thiện chế độ mùn, điều hòa dung dịch trong đất, cải thiện hệ vi sinh vật đất, giảm rửa trôi, giảm bốc hơi, tăng hiệu suất sử dụng phân bón.

Theo đánh giá của Cục BVTV, Việt Nam có nguồn nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ đa dạng, bao gồm: chất thải từ chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông sản, phụ phẩm cây trồng, than bùn, rác thải sinh hoạt và các chế phẩm vi sinh, các nguyên tố khoáng, chất sinh học.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (Quảng Ninh) Nguyễn Thị Thà cho biết, HTX Hoa Phong có 14 ha đất canh tác các loại rau, củ, quả theo mùa. Từ năm 2017, HTX bắt đầu sử dụng phân hữu cơ vào sản xuất, mỗi năm khoảng 200 tấn, chiếm hơn 70% tổng lượng phân bón hằng năm phải sử dụng. Thời gian đầu, việc cải tạo đất gặp nhiều khó khăn, do đất bạc màu mà phân hữu cơ tác dụng rất chậm, cho nên cây phát triển kém, năng suất thấp. Tuy nhiên, sau hơn hai năm sử dụng, đến thời điểm này đất đã được cải tạo rõ rệt, tơi xốp và màu mỡ hơn. Sản phẩm làm ra không để lại dư lượng hóa chất, nông sản được giá bán, các loại sâu bệnh cũng giảm hẳn.

Cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù

Thời gian qua, Cục BVTV đã ký cam kết thực hiện chương trình phát triển phân bón hữu cơ với nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ như: Tập đoàn Quế Lâm, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông, Công ty phân bón Hợp Lực,… với mục tiêu mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ để sản xuất phân bón hữu cơ tiên tiến, chất lượng cao, giá thành hợp lý và khai thác tái sử dụng hiệu quả các phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, rác thải sinh hoạt. Kết quả đạt được là các doanh nghiệp đã cam kết xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ theo chuỗi giá trị cao, sử dụng vật tư đầu vào là phân bón hữu cơ trên các cây trồng như lúa, cây ăn quả, hồ tiêu, cà phê, mía, rau màu và hoa với tổng kinh phí thực hiện là 196,77 tỉ đồng (ngân sách nhà nước là 33,18 tỉ đồng, kinh phí xã hội hóa là 163,59 tỉ đồng).

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa) Nguyễn Hồng Phong, cái khó của các doanh nghiệp hiện nay là quá trình sản xuất phân bón hữu cơ cần nhiều thời gian, nguyên liệu thường có độ ẩm cao, vùng nguyên liệu lại nằm rải rác cho nên chi phí vận chuyển tốn kém. Cùng với đó, trang thiết bị, công nghệ sản xuất phân hữu cơ đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Hiện nay, phân bón hữu cơ từ nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp của các nước qua xử lý sơ bộ được nhập về Việt Nam khá dễ dàng và rẻ. Điều này làm giảm động lực đầu tư công nghệ của các doanh nghiệp vào việc khai thác, tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước. Bộ NN&PTNT cần có chính sách hỗ trợ đặc thù để các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ đầu tư vào sản xuất phân hữu cơ từ nguồn nguyên liệu ở trong nước, nhất là chất thải ngành chăn nuôi.

Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung cho biết, ngành nông nghiệp sẽ ưu tiên, hỗ trợ, đơn giản hóa thủ tục cho các cơ sở, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ đăng ký mới. Khuyến khích, vận động mở rộng quy mô, nâng công suất, đổi mới ứng dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến đối với các nhà máy/cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất nhằm tăng số lượng nhà máy/cơ sở sản xuất hữu cơ lên 30% (tương ứng khoảng 250 cơ sở/nhà máy) trong tổng số các nhà máy/cơ sở sản xuất phân bón, với tổng công suất sản xuất khoảng bốn triệu tấn/năm. Đồng thời, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm trên một số đối tượng cây trồng sử dụng phân bón hữu cơ.

Phân bón hữu cơ gồm các loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất hữu cơ tự nhiên (không bao gồm các chất hữu cơ tổng hợp), được xử lý thông qua quá trình vật lý như làm khô, nghiền, sàng, phối trộn, làm ẩm hoặc thông qua quá trình sinh học như ủ, lên men, chiết. Cả nước hiện có 235 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ đã được cấp giấy phép/giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón với tổng công suất 3,36 triệu tấn/năm.

(Nguồn: Cục BVTV)

Xây dựng mô hình điểm

Chúng ta phải làm đồng bộ từ công tác tuyên truyền đến việc xây dựng các mô hình điểm các cấp (xã, huyện, tỉnh). Phải mắt thấy, tai nghe, nhìn thấy được lợi ích, hiệu quả người dân mới có lòng tin và thay đổi tư duy canh tác. Từ đó mới tăng sản lượng sử dụng phân bón hữu cơ từ thực tiễn sản xuất.

NGUYỄN ĐÌNH HẠC THÚY

Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam

Cần có bản quyền và công nghệ vi sinh

Một trong những thách thức lớn nhất của ngành phân bón hữu cơ hiện nay là vấn đề bản quyền và công nghệ vi sinh. Số lượng doanh nghiệp sử dụng các chủng vi sinh, chế phẩm sinh học có bản quyền còn khá ít, điều này tạo ra kẽ hở và làm tăng nguy cơ phát sinh các loại phân bón nhái, phân bón giả, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường phân bón hữu cơ. Do vậy, các doanh nghiệp khi tham gia sản xuất phân bón hữu cơ phải chủ động tìm kiếm công nghệ vi sinh, đăng ký bản quyền sản xuất.

TS LÊ VĂN TRI

Chủ tịch Hiệp hội Phân bón sinh học Việt Nam

Theo Báo Nhân dân

Bạn đang đọc bài viết "Chìa khoá" cho nền nông nghiệp bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới