Chủ nhật, 24/11/2024 10:47 (GMT+7)
Chủ nhật, 30/04/2023 06:55 (GMT+7)

Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc

Theo dõi KTMT trên

Chiến dịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng , trí tuệ con người Việt và minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20.

Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 1

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (ngày 26-30/4/1975) là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta.

Không chỉ là chiến dịch tiến công chiến lược có quy mô lớn nhất, thể hiện đỉnh cao nghệ thuật điều hành tác chiến chiến dịch của quân đội ta mà quan trọng hơn, chiến dịch này chính là chiến dịch quyết chiến chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 2

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta thực hiện ba đòn tiến công chiến lược: Đòn tiến công chiến lược thứ nhất (từ ngày 4 đến 24/3) giải phóng Tây Nguyên; đòn tiến công chiến lược thứ hai (từ ngày 5 đến 29/3): giải phóng Huế-Đà Nẵng và đòn tiến công chiến lược cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Vào cuối tháng 3/1975, quân ta liên tiếp giành thắng lợi to lớn trong các Chiến dịch Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng (tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 2 quân đoàn, giải phóng 16 tỉnh, đưa số nhân dân vùng giải phóng lên 8 triệu) khiến quân địch bị tổn thất nặng về cả quân số lẫn vật chất, giảm sút nghiêm trọng về tinh thần chiến đấu.

"Chiến dịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tinh thần thời đại sâu sắc.”

Trong khi đó, các đơn vị bộ độ chủ lực của ta đã tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm, thu được thêm nhiều vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật của địch, sức mạnh chiến đấu của các binh đoàn chủ lực của ta tăng lên. Cùng với đó, lực lượng vũ trang địa phương của ta cũng phát triển về cả số lượng và chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Ngày 1/4/1975, căn cứ vào tình hình trên chiến trường Bộ Chính trị họp bổ sung quyết tâm chiến lược mới: “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, không thể để chậm hơn.”

Trong cuộc họp ngày 8/4/1975 ở căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh), Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định gồm các đồng chí: Văn Tiến Dũng (Tư lệnh); Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn (Phó Tư lệnh); Phạm Hùng (Chính ủy); Lê Ngọc Hiển (Tham mưu trưởng)…

Bộ Chính trị khẳng định: thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam. Do đó, cần tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí, kỹ thuật và vật chất để giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa.

Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 3
Chiến sỹ Bùi Quang Thận (cầm cờ, phía trước) cùng 3 chiến sỹ của Quân đoàn 2-Binh đoàn Hương Giang tiến vào cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. (Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN)

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua lần cuối kế hoạch giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Kế hoạch xác định cuộc tiến công sẽ diễn ra đồng thời trên 5 hướng: Tây Bắc, Đông Bắc, Đông, Đông Nam, Tây và Tây Nam; thực hiện đánh nhanh, đánh dứt điểm, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch, bảo vệ dân, bảo vệ các cơ sở kinh tế, văn hóa trong thành phố.

Đòn tiến công quân sự có nhiệm vụ chia cắt, bao vây, tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn địch ở vòng ngoài, không cho chúng co cụm ở nội thành; đánh chiếm các cầu lớn mở đường cho các binh đoàn đột kích bằng lực lượng binh chủng hợp thành, cùng với bộ đội đặc công, biệt động và quần chúng nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu, trong đó có 5 mục tiêu quan trọng nhất là Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát. Phát động quần chúng nổi dậy phối hợp và phát huy kết quả của đòn tiến công quân sự.

Cũng trong ngày 14/4/1975, thể theo nguyện vọng của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên chiến trường, trong đó có quân và dân thành phố Sài Gòn-Gia Định, Bộ Chính trị đã phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch, “đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.”

Tin chiến dịch được mang tên Bác đến với toàn dân, toàn quân đã tạo nên sức mạnh mới, thúc đẩy việc chuẩn bị, sẵn sàng cho chiến dịch.

Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 4

Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta nổ súng bắt đầu tiến công lớn vào Sài Gòn, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ 26 đến 28/4, ta chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự kháng cự của các sư đoàn địch, tiếp cận Sài Gòn. Địch bị rối loạn hoàn toàn về chiến lược.

Đêm 28/4/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho các cánh quân của ta ở 5 hướng tiến công đồng loạt vào Sài Gòn, đồng thời chỉ thị cho các Quân khu 8 và 9 ở đồng bằng Nam Bộ phối hợp tiến công giải phóng đồng bằng Nam Bộ. 5 giờ sáng ngày 29/4/1975, các cánh quân của ta cùng đánh vào các căn cứ phòng ngự của địch để tiến vào nội thành Sài Gòn.

Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 5
Xe tăng quân Giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN)

"11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyến Sài Gòn-Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng!"

Những khẩu hiệu động viên ngắn gọn và thiết thực như: “chậm trễ là có tội với lịch sử”; “thời cơ là mệnh lệnh” của Bộ Chính trị được nêu lên. Tất cả các đơn vị bừng bừng khí thế tiến công, quyết đánh chiếm các mục tiêu được phân công.

Sau 3 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, quân đội ta đã đánh chiếm được nhiều căn cứ, vị trí, đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn các sư đoàn 5, 25, 22, 18, 7 của quân địch. Cả nước hướng về Sài Gòn-Gia Định.

Toàn bộ lực lượng tiến công Sài Gòn đã sẵn sàng. Cán bộ, chiến sỹ sục sôi khí thế quyết thắng. Trên mũ, trên tay áo, trên báng súng, trên nòng pháo, trên thành xe đều ghi lời của Bác Hồ kính yêu: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.”

Sáng sớm ngày 30/4/1975, từ khắp các hướng quân đội ta ào ạt tiến vào Sài Gòn. Quân ta nhanh chóng chiếm được Bộ tư lệnh không quân và Bộ tư lệnh sư đoàn dù của địch làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất. 10 giờ 45 phút cùng ngày, ta tiến đánh vào Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyến Sài Gòn-Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng!

Từ thủ đô Hà Nội đến những bản làng hẻo lánh, các hải đảo xa xôi đều vang tiếng reo mừng. Cả dân tộc vang khúc khải hoàn “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng,” kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 6

Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, đã hoàn thành trọn vẹn mục tiêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra; giải phóng toàn bộ miền Nam, chấm dứt 21 năm chia cắt đất nước, đưa đến sự thống nhất, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền, vùng trời, vùng biển; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên toàn bộ Tổ quốc Việt Nam.

Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là thành quả tổng hợp của các nhân tố: Đó là sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ; là sức mạnh của truyền thống bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, là ý chí kiên cường, bất khuất, ý thức làm chủ vận mệnh đất nước của cả dân tộc Việt Nam với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do;” là cuộc chiến đấu dũng cảm, thông minh của cả nước mà nòng cốt là lực lượng vũ trang ba thứ quân; là tình đoàn kết và liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương; là sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của các lực lượng cách mạng và hòa bình trên thế giới.

Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 7
Ngày 28/4/1975, các trận địa pháo của ta nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4, lá cờ "Quyết thắng" của quân đội ta đã tung bay trên đỉnh cột cờ Bộ Tư lệnh không quân ngụy. Tuy nhiên, phải tới 14 giờ ngày 30/4, sân bay Tân Sơn Nhất mới thực sự im tiếng súng. (Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 8
Trên đường tiến về Sài Gòn, quân ta tiêu diệt nhiều xe tăng, xe bọc thép của địch. (Ảnh: Hoàng Thiểm/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 9
Quân giải phóng chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Ngọc Đản/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 10
Cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng và lá cờ Cộng hòa miền Nam Việt Nam phất bay trên sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 11
Quân giải phóng cắm cờ chiến thắng trên nóc Bộ Quốc Phòng quân ngụy Sài Gòn ngày 30/4/1975. (Ảnh: Hoàng Thiểm-Vũ Tạo/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 12
11h30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng quân Giải phóng băng qua cánh cổng sắt, đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân địch, kết thúc oanh liệt cuộc trường chinh 30 năm chống ngoại xâm của dân tộc. (Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 13
Xe tăng quân Giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 14
Xe tăng quân Giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 15
Tổng thống Ngụy Dương Văn Minh cùng nội các tới Đài Phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc chiến tranh Việt Nam, 30/4/1975. (Nguồn: TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 16
Tổng thống Dương Văn Minh đại diện nội các Ngụy quyền cảm ơn cách mạng sau khi tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc chiến tranh, 30/4/1975. (Nguồn: TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 17
Sau khi quân giải phóng đánh chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn, nhân viên, cán bộ kỹ thuật của Đài đã trở lại làm việc bình thường, thông báo tin chiến thắng và tin tức hoạt động của thành phố (1975). (Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 18
Tự vệ Sài Gòn thu dọn vũ khí của quân ngụy bỏ lại khi thua chạy. (Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 19
Sáng 15/5/1975, hàng triệu nhân dân Sài Gòn-Gia Định đổ về quảng trường trước trụ sở Ủy ban quân quản thành phố để dự Lễ mừng chiến thắng. Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự buổi lễ trọng đại này. (Nguồn: TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 20
Quân giải phóng làm chủ Cảng Bạch Đằng thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy. (Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 21
Thanh thiếu niên Sài Gòn làm vệ sinh đường phố sau ngày giải phóng (1975). (Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 22
Thanh niên Quận 3, thành phố Sài Gòn mít tinh kỷ niệm 85 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1975). (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)

Chiến dịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tầm cao mới. Đó là nghệ thuật tập trung lực lượng quân sự lớn nhất, hình thành ưu thế áp đảo địch ở ngay trung tâm đầu não của chúng; hình thành thế trận bao vây chặt dựa trên lực lượng mạnh cả quân sự và chính trị, trong đó lực lượng vũ trang chủ lực cơ động chiến lược giữ vai trò nòng cốt, quyết định và đi trước một bước; thực hiện hiệp đồng các quân binh chủng, các hướng tiến công, các binh đoàn chủ lực với lực lượng địa phương.

Đó là nghệ thuật đánh dứt điểm nhanh, kết hợp chặt chẽ phòng thủ vòng ngoài với thọc sâu của các binh đoàn cơ giới và đột kích vào trung tâm thành phố Sài Gòn, chiếm mục tiêu quan trọng nhất.

Đây là chiến dịch tiến công lớn chưa từng có trên chiến trường Việt Nam, vượt xa các chiến dịch lớn trước đó cả về quy mô lực lượng, cường độ, nhịp độ tiến công, nội dung tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, mức độ hoàn thành triệt để nhiệm vụ chiến lược, cũng như mục đích chính trị của chiến tranh cách mạng Việt Nam.

Đánh giá thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, Chiến dịch Hồ Chí Minh nói riêng, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 4 tháng 12/1976, Đảng ta đã nhận định “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tinh thần thời đại sâu sắc.”

Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 23

Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đoàn kết luôn là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của dân tộc. Trong đó, tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã được phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tinh thần đoàn kết. Cụm từ “đoàn kết” và “đại đoàn kết” được Người nhắc rất nhiều lần, ở mọi điều kiện, trong mọi hoàn cảnh lịch sử.

Người chỉ rõ “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây.”

Lực lượng của khối đại đoàn kết được Chủ tịch Hồ Chí Minh cụ thể hóa trong các cụm từ như: “đại đoàn kết toàn dân”, “đoàn kết toàn dân”, “đoàn kết dân tộc”, “toàn dân tộc ta đoàn kết.” Tuy cách diễn đạt khác nhau, nhưng đều khẳng định lực lượng của khối đại đoàn kết là toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng.

Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 24

Đây chính là cơ sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta thành lập và lãnh đạo Hội phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam ngày 18/11/1930.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn;” Đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi.”

Do đó, để đánh bại các thế lực đế quốc, thực dân, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, nếu chỉ có tinh thần yêu nước thôi là chưa đủ, cách mạng muốn thành công và “thành công đến nơi,” phải tập hợp tất cả các lực lượng, xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc bền vững.

Do đó, ngay từ khi tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất lưu ý tới công tác tập hợp quần chúng, đưa họ vào những tổ chức yêu nước phù hợp với đặc điểm của từng giới, lứa tuổi, giai cấp, tôn giáo.

Lịch sử đã chứng minh, trải qua các thời kỳ cách mạng, với khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã làm nên những thắng lợi vĩ đại, viết nên những trang sử hào hùng của cả dân tộc, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ, trở thành chủ nhân của đất nước; mở ra kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Trong số đó, tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã được phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 25

Nhìn lại lịch sử, từ năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh và chư hầu vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam; đồng thời, thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân hòng khuất phục dân tộc Việt Nam bằng bạo lực phản cách mạng.

Đế quốc Mỹ và tay sai liên tiếp thực hàng loạt các chiến lược chiến tranh: “Chiến tranh một phía” (1954-1960), “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1973), kể cả tập kích chiến lược mang tính hủy diệt bằng B-52 đối với miền Bắc và Thủ đô Hà Nội năm 1972.

Triển khai thực hiện nhiệm chiến lược cách mạng ở hai miền theo mục tiêu chung của cách mạng cả nước, Đảng ta đã hợp quần chúng rộng rãi bằng các hình thức mặt trận dân tộc thống nhất phù hợp với tình hình cụ thể.

Ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời; ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được thành lập; và sau đó, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam được thành lập vào ngày 20/4/1968. Tuy mục tiêu, cương lĩnh, thành phần, cơ cấu tổ chức có nhiều điểm khác nhau nhưng hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, dân sinh là mẫu số chung để quy tụ, tập hợp, đoàn kết toàn dân thành một khối thống nhất theo tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định.

Trên cơ sở các hình thức mặt trận dân tộc thống nhất, Đảng tổ chức xây dựng, thực hiện thế trận chiến tranh nhân dân trường kỳ, toàn diện bằng sự kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang nhân dân; kết hợp giữa quân sự, chính trị và ngoại giao, vừa khởi nghĩa vũ trang vừa tiến công quân sự; vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

Các lực lượng chính trị và vũ trang nhân dân đều được tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo một cách bài bản, chặt chẽ, thống nhất bởi một Đảng cách mạng, chân chính, khoa học, tiêu biểu cho lợi ích, trí tuệ, bản lĩnh và ý chí sắt đá của toàn dân tộc.

Nhờ vậy, trong suốt trường kỳ kháng chiến, sức mạnh của lòng yêu nước, của đoàn kết thống nhất dân tộc và sức mạnh của chiến tranh nhân dân không ngừng được nhân lên. Quân và dân ta càng đánh càng mạnh, càng mạnh càng thắng.

Đến cuối năm 1974 đầu năm 1975, chớp thời cơ chiến lược, Đảng ta chủ trương tiến hành cuộc động viên tổng lực trong cả nước ở mức cao nhất cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thu giang sơn về một mối. Thực hiện quyết tâm của Đảng, cả dân tộc dốc sức, dồn lực ra quân thực hiện tổng tiến công và nổi dậy trong Mùa Xuân 1975 lịch sử.

Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong hơn 20 năm trường kỳ kháng chiến được dồn lại cho thời khắc lịch sử vinh quang. Dân tộc ta đã giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc thời đại Hồ Chí Minh.

Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 26

Từ những bài học lịch sử rút ra được qua các cuộc trường kỳ kháng chiến, đồng thời thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng mặt trận dân tộc, tăng cường đoàn kết toàn dân tộc và phát huy mạnh mẽ vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Từ năm 1986 đến nay, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết nhằm tăng cường, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới, tiêu biểu là các Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII và XIII của Đảng; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung năm 2011); Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW, ngày 27/3/1990 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân; Nghị quyết 07-NQ/TW, ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất; Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;" Kết luận số 62-KL/TW ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị, xã hội.

Trên thực tế, trong những năm qua, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đã đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

“Kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để chúng ta thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc anh hùng, quân đội anh hùng, của các thế hệ cha anh trong Thời đại Hồ Chí Minh; qua đó, tiếp tục phát huy tinh thần, trí tuệ để xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu, mạnh.

Các cuộc vận động xã hội, các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động và triển khai thực hiện ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.

Điển hình như đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế; xóa đói, giảm nghèo; lá lành đùm lá rách; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống tội phạm… cùng các phong trào “Uống nước nhớ nguồn,” “Đền ơn đáp nghĩa,” “Ngày vì người nghèo,” “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… không chỉ có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng mà còn góp phần làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, trong hơn 2 năm đại dịch COVID-19, Đảng và cả hệ thống chính trị cùng toàn thể đồng bào ở trong nước và ngoài nước đã đoàn kết, chung sức đồng lòng, quyết tâm “chống dịch như chống giặc” để từng bước đẩy lùi và vượt qua đại dịch.

Trong Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về phòng, chống đại dịch COVID-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được dịch bệnh.

Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 27
Dinh Độc Lập, nơi chứng kiến thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 28
Công viên 30/4 và đường Lê Duẩn, ngay trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 29
Du khách quốc tế bên chiếc xe tăng đầu tiên của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 30
Đông đảo các bạn trẻ trong và ngoài thành phố chụp ảnh tại Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 31
Tòa nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những biểu tượng du lịch của thành phố. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 32
Người dân hào hứng "check in" chợ Bến Thành - điểm đến nổi bật của du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp lễ 2/9/2022. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 33
Tàu du lịch chở khách tham quan Thành phố Hồ Chí Minh trên sông Sài Gòn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 34
Diện mạo đô thị Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi không ngừng, hạ tầng hoàn thiện, khang trang, đời sống người dân được nâng cao. Trong ảnh: Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè dài khoảng 8,7 km, góp phần cải thiện đáng kể tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, từng bước nâng cao điều kiện, môi trường sống cho hơn 1,2 triệu người dân sinh sống trong khu vực. (Nguồn: TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 35
Khu trung tâm Quận 1, TP Hồ Chí Minh nằm bên bờ sông Sài Gòn. (Ảnh Thanh Vũ/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 36
Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung nguồn vốn, giao dịch, hàng hóa, tài chính...sẽ được vận dụng tối ưu nhằm xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh đến năm 2025. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 37
Công nhân làm việc trong nhà máy chế biến thủy sản COFIDEC, Khu Công Nghiệp, Đường Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 38
Công nhân làm giày da trong nhà máy Công ty TNHH Giày Gia Định, thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 39
Nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) tiến hành đặt lắp đặt toa xe đầu tiên của đoàn tàu số 2 dự án tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên lên ray T1 tại depot Long Bình (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 40
Bốc xếp hàng hoá tại Công ty Cổ phần cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, từ Trung ương tới địa phương, các cấp, ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân đã chung tay, góp sức đối phó với đại dịch. Cùng với việc tự giác nâng cao ý thức phòng bệnh, các tổ chức, cá nhân trong cả nước đã hỗ trợ về kinh phí và hiện vật trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng; các địa phương đã chi viện hàng trăm nghìn cán bộ cho các tỉnh, thành phố có dịch. Có thể khẳng định, càng trong khó khăn, tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam càng được phát huy mạnh mẽ.

Những kết quả đạt được trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong suốt những năm qua đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần nâng tầm cao uy tín, vị thể của Việt Nam trên trường quốc tế.

Kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để chúng ta thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc anh hùng, quân đội anh hùng, của các thế hệ cha anh trong Thời đại Hồ Chí Minh; qua đó, tiếp tục phát huy tinh thần, trí tuệ để xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu, mạnh.

Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 41
Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung nguồn vốn, giao dịch, hàng hóa, tài chính...sẽ được vận dụng tối ưu nhằm xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh đến năm 2025. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Theo Vietnamplus

Bạn đang đọc bài viết Chiến dịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đại đoàn kết dân tộc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới