Chủ nhật, 24/11/2024 02:53 (GMT+7)
Chủ nhật, 03/11/2024 15:54 (GMT+7)

Chính sách môi trường trong hoạt động tín dụng: Lý luận và thực tiễn

Theo dõi KTMT trên

Chính sách môi trường trong hoạt động tín dụng là việc phân loại, nhận dạng, đo lường rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng và việc theo dõi, kiểm soát, đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế rủi ro phát sinh.

Tóm tắt: Với vai trò cung cấp vốn đầu tư thông qua hoạt động tín dụng, ngân hàng có vai trò quan trọng, thậm chí quyết định, đối với việc triển khai các dự án phát triển. Các tổ chức tín dụng được xem là một thành phần quan trọng để hướng dòng đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất thân thiện môi trường, giảm thiểu rủi ro và vì mục tiêu phát triển bền vững. Thực hiện chính sách môi trường thể hiện thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm của ngành Ngân hàng đối với công tác bảo vệ môi trường, đồng thời sẽ giúp các ngân hàng nâng cao chất lượng tín dụng và khả năng chống chịu rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng.

Chính sách môi trường trong hoạt động tín dụng: Lý luận và thực tiễn - Ảnh 1
Ảnh minh họa

1. Cơ sở lý luận về chính sách môi trường trong hoạt động tín dụng

Khái niệm, mục tiêu của chính sách môi trường

Chính sách môi trường trong hoạt động tín dụng là một hệ thống quản lý môi
trường được thực hiện một cách hiệu quả, liên tục, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý hoạt động môi trường và xã hội xuyên suốt thời gian của một dự án. Phạm vi có thể bao gồm cả những khía cạnh từ giai đoạn sơ khai đến toàn bộ vòng đời của dự án đó (thiết kế, xây dựng, lắp đặt, hoạt động, tháo dỡ, dừng hoạt động, đóng cửa dự án...).

Như vậy, chính sách môi trường trong hoạt động tín dụng là việc phân loại, nhận dạng, đo lường rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng và việc theo dõi, kiểm soát, đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế rủi ro phát sinh. Một hệ thống quản lý phù hợp với quy mô và tính chất của một dự án sẽ thúc đẩy hoạt động bền vững về môi trường và xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả dự án về mặt tài chính, môi trường và xã hội.

Chính sách môi trường trong hoạt động tín dụng nhằm đạt các mục tiêu:

- Xác định và đánh giá rủi ro và tác động môi trường và xã hội của dự án.

- Thực hiện hệ thống phân cấp nhằm lường trước và tránh, hoặc trong trường hợp không thể tránh thì giảm thiểu và trong trường hợp vẫn có hậu quả để lại thì thực hiện bồi thường cho những rủi ro và tác động đến người lao động, các cộng đồng bị ảnh hưởng và môi trường.

- Thúc đẩy cải thiện hiệu suất hoạt động môi trường và xã hội của khách hàng
thông qua việc sử dụng hiệu quả hệ thống quản lý.

- Đảm bảo các khiếu nại của các cộng đồng bị ảnh hưởng và thông tin từ các đối tượng liên quan khác được trả lời và giải quyết hợp lý.

- Xúc tiến và cung cấp cơ hội để các cộng đồng bị ảnh hưởng tham gia một cách thích hợp vào các vấn đề mà có thể ảnh hưởng đến họ trong suốt vòng đời của dự án và đảm bảo các thông tin về môi trường và xã hội liên quan sẽ được công bố và cung cấp đầy đủ.

Nguyên tắc xây dựng chính sách môi trường

Trên thế giới, các định chế tài chính lớn như World Bank (WB), Công ty Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã có bộ tiêu chuẩn về môi trường xã hội mà các dự án và đối tác vay vốn hoặc nhận tài trợ của họ phải tuân theo. Trong đó, “Nguyên tắc Xích đạo” (The Equator Principles Financial Institutions - EPFI) được nhiều ngân hàng áp dụng. EPFI là bộ tiêu chuẩn mang tính chất tự nguyện cho ngành dịch vụ tài chính nhằm xác định, đánh giá và quản lý các rủi ro môi trường trong các dự án một cách hệ thống và liên tục. Các định chế tài chính phải xây dựng chính sách, chuẩn mực và qui trình cho vay (hoặc tài trợ) hướng tới bảo vệ môi trường, phải đảm bảo rằng không cung cấp tài chính cho các dự án không thoả mãn các chuẩn mực môi trường (Bảng 1): 

Chính sách môi trường trong hoạt động tín dụng: Lý luận và thực tiễn - Ảnh 2
Chính sách môi trường trong hoạt động tín dụng: Lý luận và thực tiễn - Ảnh 3
Chính sách môi trường trong hoạt động tín dụng: Lý luận và thực tiễn - Ảnh 4

Các bước thực hiện chính sách môi trường

Theo hướng dẫn của IFC (2010), quản lý rủi ro môi trường đối với hoạt động tín dụng của các tổ chức tài chính có sự tương đồng nhất định. Quản lý rủi ro môi trường có thể được chia thành 4 giai đoạn chính. Sàng lọc các rủi ro môi trường: thực hiện ngay sau khi các tổ chức tài chính nhận được hồ sơ đề nghị cấp tín dụng. Mục tiêu chính của nội dung này là xác định mức độ rủi ro đối với ngân hàng. Căn cứ vào danh mục các hoạt động kinh doanh rủi ro và các hướng dẫn có liên quan, dự án sẽ được xếp loại theo mức độ rủi ro (cao, vừa hoặc thấp).

Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường: xây dựng báo cáo rủi ro và tác động môi trường được thực hiện dựa trên các hướng dẫn cụ thể đối với từng ngành sản xuất, các thông tin tổng quan về môi trường của dự án và các thông tin thu thập được từ khảo sát thực địa. Mục tiêu của các nội dung này là thu thập đầy đủ thông tin đến hiểu rõ tất cả các rủi ro, mức độ nhận thức, tính cam kết và nguồn lực của chủ dự án để quản lý các vấn đề môi trường.

Trong trường hợp rủi ro ở mức thấp, ngân hàng có thể tiến hành cung cấp tín dụng cho chủ dự án. Trong trường hợp có một vài rủi ro được xác định, cần xác định và thống nhất với chủ dự án về các cơ chế kiểm soát rủi ro trước khi cấp tín dụng. Trong trường hợp, rủi ro nghiêm trọng được xác định, ngân hàng có thể xem xét từ chối cấp tín dụng.

Kiểm soát các rủi ro môi trường: thực hiện nhằm đảm bảo chủ dự án thực hiện
đầy đủ các giải pháp kiểm soát rủi ro đã thống nhất. Ngân hàng và chủ dự án cần phải thống nhất và ký kết biên bản giao kèo về trách nhiệm quản lý môi trường cũng như chế độ báo cáo của chủ dự án.

Giám sát và báo cáo các rủi ro môi trường: thực hiện với mục tiêu giám sát tình hình thực hiện các cam kết và chế độ báo cáo của chủ dự án.

Áp dụng chính sách môi trường trong hoạt động tín dụng trên thế giới

Trong bối cảnh các yêu cầu bảo vệ môi trường và nhân quyền ngày càng được
thừa nhận, luật hóa và tuân thủ, thì các tổ chức tín dụng cũng đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức. Trên thế giới, nhiều dự án buộc phải hủy bỏ bởi sự phản đối của cộng đồng và xã hội dù đã được chính phủ chấp thuận triển khai, thậm chí đã được ngân hàng cam kết cấp tín dụng.

Từ cuối thập kỷ 1980 đến nay, nhiều sáng kiến được đưa ra nhằm thúc đẩy trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đối với môi trường và xã hội. Năm 1989, Ủy ban châu Âu (EC) đưa bản dự thảo Chỉ thị về Trách nhiệm Dân sự đối với những Tổn hại do Chất thải. Đến năm 2004, Chỉ thị này mới chính thức được ban hành sau khi EC đã phải thu hẹp những quy định về trách nhiệm đối với cơ sở gây ô nhiễm. Đến tháng 7/2010, việc luật hóa mới được hoàn tất.

Tại Mỹ, năm 1993, tập đoàn tài chính Fleet Factors đã bị tòa án Mỹ ra phán quyết phải thực hiện bồi hoàn môi trường do đầu tư và có liên đới trực tiếp đến một công trình gây ô nhiễm. Đây là một vụ kiện kinh điển trong ngành tài chính Mỹ. Sau vụ việc này, các tổ chức tín dụng đã phải nghiêm túc tính toán đến những rủi ro môi trường khi cho vay vốn. Kết quả điều tra của Hiệp hội Ngân hàng Mỹ cho biết, sau vụ Fleet Factors, 63% ngân hàng ở Mỹ đã từ chối cấp vốn cho các dự ánmà họ cho là có rủi ro về môi trường và 46% trong số các ngân hàng này đã quyết định chấm dứt tài trợ cho một số ngành hay gây ô nhiễm môi trường.Cũng từ sau vụ việc trên, các ngân hàng Mỹ đã có ý thức hơn trong việc đầu tư có trách nhiệm với môi trường. Mỹ là một trong nước tiên phong với việc ban hành đạo luật Bồi hoàn môi trường toàn diện. Theo đó, quy định trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, bao gồm doanh nghiệp gây ô nhiễm và các ngân hàng cho vay vốn các công trình, dự án gây ô nhiễm.
Brazil, Trung Quốc là hai cái tên tiếp theo tiến hành chính sách Tín dụng xanh và Nghị định thư xanh (Green Protocol) đều với mục tiêu thiết lập các chuẩn bền vững cho các ngân hàng thương mại.

Chính phủ Ấn Độ đã ban hành chính sách khuyến khích các ngân hàng xem xét
tham gia Nguyên tắc Xích đạo và thúc đẩy tín dụng xanh trong nỗ lực hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, chính sách này của Ấn Độ không đưa ra những yêu cầu cụ thể hay bắt buộc đối với ngân hàng. Bên cạnh những nỗ lực của các quốc gia, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cũng có sáng kiến, nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm với môi trường... thông qua Sáng kiến tài chính (UNEPFI). UNEPFI là chương trình hợp tác giữa UNEP và các tổ chức tài chính lớn trên thế giới, nhằm nâng cao vai trò của các tổ chức tài chính đối với môi trường của các dự án đầu tư. Năm 1992, UNEP và một số ngân hàng lớn đưa ra tuyên bố về việc các ngân hàng này cam kết thực hiện các nguyên tắc của phát triển bền vững. Năm 1997, tuyên bố này được chỉnh sửa để mở rộng thành phần tham gia tới các tổ chức tài chính khác. Hiện tại, UNEPFI có hơn 200 tổ chức tài chính tham gia, chủ yếu là các ngân hàng và các công ty bảo hiểm. Như vậy, trên thế giới đã xây dựng nhiều sáng kiến và hướng dẫn cụ thể để thực hiện chính sách môi trường trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, việc thực hiện các cam kết đảm bảo an toàn môi trường, xã hội của ngành tài chính vẫn được đánh giá là tương đối yếu. Các định chế tài chính lớn như WB và IFC dù đã có những chính sách, hướng dẫn tương đối chi tiết về trách nhiệm đảm bảo an toàn môi trường, xã hội khi cho vay vốn vẫn tiếp tục tài trợ cho những dự án gây tổn hại đến môi trường.

Ví dụ, năm 2011 tổ chức ERI đã gửi cáo buộc đến Nhóm làm việc của Liên hợp
quốc về Quyền con người và các tập đoàn đa quốc gia về việc IFC tiến hành cấp vốn cho việc mở rộng khai thác dầu mỏ tại hai cộng đồng ở Peru bất chấp việc khai thác trước đây đã gây những ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe của cộng đồng sống xung quanh; năm 2018, tổ chức WDM xây dựng và đăng tải bản đồ những dự án do WB tài trợ gây hại đến môi trường và an sinh xã hội trên toàn thế giới. Điềy này cho thấy, mức độ tuân thủ các chính sách môi trường trong thực tế vẫn là lỗ hổng lớn.

Chính sách môi trường trong hoạt động tín dụng: Lý luận và thực tiễn - Ảnh 5
Viết miêu tả ảnh ở đây

Thực hiện chính sách môi trường trong hoạt động tín dụng tại Việt Nam

Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về
giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu biến đổi khí hậu và phát triển bền vững như: cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; đồng thời đã xây dựng Chiến lược, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về biến đổi đổi khí hậu (COP26, năm 2021), Việt Nam đưa ra cam kết thực hiện phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản định hướng hoạt động ngân hàng vào lĩnh vực xanh, hạn chế dòng vốn vào những dự án có nguy cơ tác động xấu tới môi trường, thông qua việc Ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Ban hành Sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường và xã hội đối với 15 ngành kinh tế để các tổ chức tín dụng tham khảo, phục vụ công tác thẩm định và ra quyết định cấp tín dụng... Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2014 - 2020, đa số các ngân hàng đã nhận thức được nguy cơ rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cho vay. Nhiều tổ chức tín dụng đã chủ động hợp tác, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường cho một số hoạt động cấp tín dụng, ban hành các chính sách về môi trường, về cấp tín dụng xanh...

Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế hiện nay vẫn chủ yếu phụ thuộc vào khai thác
tài nguyên. Nhiều địa phương vẫn chủ yếu đặt các ưu tiên cho phát triển kinh tế ngắn hạn hơn là mục tiêu bảo vệ môi trường lâu dài. Do đó, nhiều dự án không thân thiện, thậm chí có nguy cơ cao, đối với môi trường đã được cấp phép đầu tư.

Trong một số trường hợp, việc triển khai những dự án này đã gây ra sự phản đối gay gắt từ phía cộng đồng do các vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai, cản trở sinh kế hoặc ô nhiễm môi trường. Do đó, việc thực hiện các dự án này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro tài chính đối với cả ngân hàng và nhà đầu tư.

Kết quả rà soát của PanNature cho thấy, đến trước năm 2015, Việt Nam chưa ban hành chính sách đảm bảo an toàn môi trường nào đối với hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, một số ít tổ chức ngân hàng đã xây dựng được các chính sách quản lý rủi ro môi trường và xã hội có tính chất nội bộ. Theo Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), đến năm 2016 đã có thêm 2 ngân hàng xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường nội bộ là Ngân hàng TechcomBank) và Ngân hàng VietinBank. Đến năm 2021, một số tổ chức tín dụng đã triển khai các gói sản phẩm tín dụng xanh từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) hoặc Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) như Ngân hàng VPBank, Ngân hàng VietinBank, Ngân hàng NamABank; Ngân hàng TPBank, Công ty Tài chính Điện lực (EVN Finance). Như vậy, các tổ chức tín dụng nêu trên về cơ bản đã xây dựng hoàn thiện Hệ thống quản lý môi trường và xã hội nội bộ (ESMS), phục vụ việc đánh giá các tác động về môi trường trong quá trình thẩm định, cấp tín dụng.

Về tổng thể, số lượng các ngân hàng đã xây dựng chính sách quản lý rủi ro môi trường và xã hội còn chưa nhiều. Tuy nhiên, các cổ đông quốc tế và đối tác quốc tế cung cấp nguồn vốn ủy thác cho các ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình đổi mới này.

Việt Nam đã xây dựng hệ thống chính sách môi trường tương đối đầy đủ từ phòng ngừa, kiểm soát đến xử lý, nhưng còn tồn tại một số hạn chế như thiếu tính độc lập trong quá trình xem xét các tác động tiềm ẩn từ những quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển.

So với nguyên tắc quốc tế, thông tin về báo cáo đánh giá tác động môi trường của Việt Nam còn thiếu tính minh bạch, sự tham gia hiệu quả của người dân và các thiết chế khác như tổ chức tín dụng trong quá trình ra quyết định. Tín dụng xanh bước đầu được áp dụng ở Việt Nam. Yêu cầu thực hiện chính sách môi trường trong hoạt động tín dụng còn gặp một số khó khăn, hạn chế như:

- Việt Nam vẫn đang trong mô hình phát triển phụ thuộc tài nguyên, đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và bảo vệ môi trường luôn là bài toán khó, nhất là trong lĩnh vực năng lượng (nhiệt điện, thủy điện) hay khai khoáng.

- Chính phủ đã ban hành một số văn bản về thúc đẩy tín dụng xanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhưng mới chỉ có tính chất định hướng, khuyến khích và chưa bắt buộc. Do vậy, vì mục tiêu lợi nhuận các ngân hàng hiện vẫn sẵn sàng chấp thuận cấp tín dụng cho các dự án mà không quan tâm đến nguy cơ, rủi ro tiêu cực đối với môi trường.

- Chính sách đảm bảo an toàn môi trường chưa được áp dụng bắt buộc và đồng bộ trong hệ thống ngân hàng. Khi một ngân hàng đặt ra nhiều yêu cầu về môi trường sẽ làm giảm tính cạnh tranh so với ngân hàng khác vì khách hàng có xu hướng tìm đến những ngân hàng với thủ tục cấp tín dụng đơn giản hơn, ít có rào cản về an toàn môi trường.

- Thực tiễn thực thi và tuân thủ chính sách, quy định môi trường ở Việt Nam còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm vẫn được hoạt động, thậm chí được cấp phép mở rộng sản xuất; do vậy thiếu động lực để thúc đẩy cả ngân hàng và chủ dự án áp dụng các cơ chế đảm bảo an toàn tốt hơn.

- Mặc dù đã ban hành Chỉ thị 03, nhưng vẫn chưa có các hướng dẫn thực thi cụ thể; chưa ban hành được các cơ chế tài chính đặc thù cho dự án thân thiện môi trường, trong khi các dự án xanh, sử dụng công nghệ thân thiện môi trường lại đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn, thời gian thu hồi vốn rất dài.

Kết luận và khuyến nghị

Hệ thống ngân hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đóng góp cho sự phát triển bền vững nền kinh tế, đặc biệt thông qua hoạt động cấp tín dụng, được xem là huyết mạch của nền kinh tế. Vì thế, thực hiện chính sách môi trường là yêu cầu đặt để hướng dòng vốn tín dụng tới các dự án thân thiện hơn với môi trường, nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng xanh. Theo khoản 4 Điều 149 Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022), Ngân hàng Nhà nước phải ban hành hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động tín dụng tại Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý để Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện các chính sách môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.

Thực hiện chính sách môi trường thể hiện thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm
của ngành Ngân hàng đối với công tác bảo vệ môi trường, đồng thời sẽ giúp các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng và khả năng chống chịu rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng. Một số khuyến nghị giải pháp cụ thể:

Đối với Ngân hàng Nhà nước:

Ngân hàng Nhà nước cần ban hành Thông tư hướng dẫn nhằm mục đích tạo ra khuôn khổ pháp lý chung, yêu cầu bắt buộc tổ chức tín dụng thực hiện chính sách quản lý rủi ro môi trường. Khung chính sách môi trường cần bám sát các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng... yêu cầu khách hàng vay vốn tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, hướng tới đầu tư, sản xuất - kinh doanh thân thiện với môi trường.
Ngân hàng Nhà nước cũng nên phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng bộ tiêu chuẩn đầy đủ về môi trường cho các ngành nghề, lĩnh vực để các ngân hàng có căn cứ thẩm định, đánh giá tác động về môi trường và xã hội theo các quy định. Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan quản lý và các địa phương để bản đồ hóa tất cả quy hoạch khác nhau để dễ dàng xác định các điểm chồng lấn; nghiên cứu khoanh vùng các khu vực nhạy cảm về môi trường sinh thái (như những vùng gần các khu bảo tồn thiên nhiên) với đầy đủ thông tin tin cậy (dữ liệu cơ sở) để các ngân hàng tham chiếu khi xem xét, quyết định cho vay vốn. Khuyến khích, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tăng cường tham vấn chuyên gia độc lập, tổ chức môi trường về tác động tiềm ẩn của các dự án đề xuất. Ngoài ra, nên xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin giữa các tổ chức tín dụng về các dự án.

Đối với các tổ chức tín dụng:

Cần xây dựng quy trình độc lập hoặc lồng ghép trong quy trình cấp tín dụng hiện hành về chính sách môi trường, quản lý rủi ro môi trường theo quy trình; Xây dựng và công bố chính sách về môi trường của tổ chức mình, trong đó bao gồm cam kết quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Thực hiện đánh giá rủi ro môi trường của khoản cấp tín dụng, là căn cứ để xếp
hạng tín dụng khách hàng, xác định lãi suất, chi phí cấp tín dụng và các điều kiện cấp tín dụng phù hợp. Thực hiện phân loại, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với khoản cấp tín dụng được quản lý rủi ro môi trường theo quy định. Xem xét tham gia Nguyên tắc Xích đạo; tăng cường trao đổi và học hỏi áp dụng các chính sách đảm bảo an toàn của các ngân hàng và định chế tài chính quốc tế khác. Chú trọng việc nâng cao, bồi dưỡng trình độ cán bộ, phát triển năng lực đội ngũ quản lý môi trường; xây dựng chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các cán bộ tín dụng về đảm bảo an toàn môi trường; hướng dẫn các ngân hàng xem xét thành lập bộ phận quản lý rủi ro môi trường với các cán bộ có chuyên môn phù hợp. Thành lập đội ngũ nhân sự chuyên biệt để đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư. Ngoài ra, có thể tăng cường năng lực bằng cách mời các chuyên gia môi trường để tư vấn, chuyển giao kiến thức chuyên môn về phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường cho nhân sự của tổ chức tín dụng.

TS. Nguyễn Đình Đáp
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tài liệu tham khảo

1. Trần Thanh Thủy, Nguyễn Hồng Anh, Nguyễn Việt Dũng (2016). Chính sách môi trường trong hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Trung tâm Con người và Thiên nhiên.
2. Mandal, K., & and Venkataramani, V. (2013). Environmental and Social Risks in Project Financing: Evidence from India. IFMR, 24, Chennai 600034.
3. Ngân hàng Nhà nước 2021). Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
4. Bùi Thị Hoàng Lan (2020). Phát triển tín dụng xanh trong bối cảnh hiện nay. Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 10/2020.
5. Ngân hàng Nhà nước (2019), Thống kê tăng trưởng xanh theo Chỉ thị số 03/NHNNCT và Công văn số 9050/NHNN-TD giai đoạn 2016-2019.
6. Viên Thế Giang, Võ Thị Mỹ Hương (2019). Chính sách phát triển tín dụng xanh và những vấn đề đặt ra trong các quy định pháp luật về cấp tín dụng. Tạp chí Ngân hàng, số 23/2019.
7. Lê Hồng Thái (2021). Yêu cầu quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tịn dụng - nhìn từ thực hành quốc tế. Tạp chí Thị trường tài chính Tiền tệ, tháng 9,2021.
8. The Equator Principles Association’s Secretariat (2020). Guidance for Equator
Principles Financial Institutions on incorporating environmental and social
considerations into loan documentation.
9. Bùi Khắc Hoài Phương (2018), Kinh nghiệm cho Việt Nam từ xây dựng khung chính sách quản lý rủi ro môi trường và xã hội nhằm hướng đến phát triển bền vững hệ thống ngân hàng. Tạp chí Ngân hàng, số 21/2018.
10. UNEP (2018), Principles for responsible banking.

(Bài tham luận tại Hội thảo "Phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam: Những rào cản, vấn đề cấp bách và giải pháp đột phá").

Bạn đang đọc bài viết Chính sách môi trường trong hoạt động tín dụng: Lý luận và thực tiễn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới