Chủ nhật, 24/11/2024 05:45 (GMT+7)
Chủ nhật, 14/03/2021 14:12 (GMT+7)

Chính sách 'Tài chính xanh' vì sự phát triển bền vững: Tham vọng của Vương quốc Anh (Kỳ 2)

Theo dõi KTMT trên

Vương quốc Anh là một trong những quốc gia hàng đầu về cung cấp các dịch vụ 'tài chính xanh' bền vững, với nhiều kinh nghiệm và ảnh hướng lớn tại châu Âu.

Vào năm 2015, Sở giao dịch chứng khoán London là sàn giao dịch đầu tiên trên thế giới ra mắt phân khúc trái phiếu xanh chuyên dụng, nơi cung cấp các trái phiếu xanh được chứng nhận đầu tiên từ Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và trái phiếu xanh có chủ quyền đầu tiên từ châu Á Thái Bình Dương và châu Mỹ.

Bên cạnh trái phiếu xanh, Sở Giao dịch Chứng khoán London cũng thúc đẩy việc phát hành trái phiếu xã hội và bền vững. Vào năm 2019, Sở Giao dịch Chứng khoán London đã mở rộng phân khúc trái phiếu xanh thành Thị trường Trái phiếu Bền vững (SBM) toàn diện hơn.

SBM cung cấp cho các tổ chức phát hành nhiều cơ hội đối với các công cụ nợ liên quan đến tính bền vững và các nhà đầu tư được cải thiện khả năng tiếp cận và tính minh bạch. Cho đến nay, Sàn giao dịch chứng khoán London đang cung cấp hơn 200 loại trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững từ 23 quốc gia, huy động được hơn 56 tỉ bảng Anh.

Chính sách 'Tài chính xanh' vì sự phát triển bền vững: Tham vọng của Vương quốc Anh (Kỳ 2) - Ảnh 1
Vương quốc Anh là một trong những quốc gia hàng đầu trong việc cung cấp các dịch vụ 'tài chính xanh' bền vững.  Ảnh: Internet.

Thành tích đáng kinh ngạc vẫn được Vương quốc Anh tiếp tục duy trì và đẩy mạnh trong dài hạn. Trái phiếu xanh chỉ là một ví dụ về sự đóng góp trực tiếp mà các nhà đầu tư có thể thực hiện để tài trợ cho quá trình chuyển đổi.

Vương quốc Anh hiện đi đầu trong việc phát triển và quốc tế hóa các giải pháp tài chính xanh nhằm hỗ trợ các quốc gia trên toàn thế giới đáp ứng các cam kết về khí hậu của họ. Trên toàn cầu, ước tính cần 90 tỉ USD đầu tư vào năm 2030 để đạt được các mục tiêu khí hậu và phát triển bền vững toàn cầu.

Vương quốc Anh có vị trí đặc biệt tốt để cung cấp các giải pháp phức tạp cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế carbon thấp và thúc đẩy đầu tư tăng trưởng sạch. London đang là nơi tập trung các công ty dịch vụ tài chính chuyên nghiệp lớn nhất thế giới với nguồn vốn dồi dào.

Tại Anh, Ngân hàng Đầu tư xanh (Green Investment Bank-GIB) đã thể hiện vai trò trong hoàn thiện khung chính sách và có những hỗ trợ tài chính cần thiết để giải quyết những thất bại của thị trường tự do, lo ngại rủi ro, chi phí giao dịch cao và thiếu vốn.

Sự can thiệp của GIB giúp cho việc huy động các nguồn vốn từ thị trường vốn chủ sở hữu và thị trường nợ, tạo điều kiện cho việc định giá rủi ro trên thị trường tài chính thông qua việc nâng cao tính minh bạch và khơi thông dòng đầu tư vào những dự án phát triển bền vững.

Báo cáo về tài chính xanh của Ủy ban kiểm tra môi trường thuộc Quốc hội Anh năm 2014 đã đánh giá tiến trình thực hiện chiến lược chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh của Anh để rút ra những điều chỉnh cần thiết.

Cùng với việc tài trợ xanh thì các sáng kiến của Chính phủ Anh cũng hướng tới việc tháo gỡ những rào cản đối với đầu tư xanh thông qua việc đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ quản trị rủi ro, phát triển kỹ năng và kinh nghiệm trong các dự án xanh. Trong phần khuyến nghị, báo cáo nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong xây dựng một chiến lược tổng thể để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi nhanh và hiệu quả hơn.

Mới đây, ngân hàng HSBC Vương quốc Anh cũng đã công bố một loạt các dịch vụ 'tài chính xanh' để giúp hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu về môi trường và bền vững của họ. Động thái này diễn ra sau một cuộc thử nghiệm được triển khai cho các khách hàng doanh nghiệp lớn với khoản vay tối thiểu là 25 triệu bảng Anh.

Chương trình lần này của HSBC sẽ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đến các doanh nghiệp lớn - bao gồm các khoản vay xanh, tín dụng quay vòng xanh (RCF), cho mua, cho thuê và cho vay tài sản xanh.

"Chúng tôi đã nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ từ các doanh nghiệp kể từ khi triển khai thí điểm khoản vay xanh vào năm ngoái. Do đó, chúng tôi tin tưởng dịch vụ 'tài chính xanh' này sẽ hỗ trợ khách hàng, qua đó đáp ứng các chương trình nghị sự bền vững của họ. Khách hàng của chúng tôi đang yêu cầu nhiều sản phẩm tài chính xanh hơn để hỗ trợ những tham vọng cụ thể của họ", Rob King, Giám đốc tài chính bền vững, Ngân hàng Thương mại HSBC Vương quốc Anh cho biết.

"Việc cung cấp dịch vụ của chúng tôi cho phép khách hàng giới thiệu các chứng chỉ xanh của họ cho các bên liên quan, chứng minh rằng một phần tài chính của họ đang tài trợ cho các hoạt động bền vững và môi trường thực sự. Nhiều bên liên quan hiện đang xem xét các chứng chỉ xanh của một công ty khi đưa ra quyết định về việc hợp tác, làm việc hay đầu tư vào công ty đó", ông King nói thêm.

Amanda Murphy, người đứng đầu ngân hàng thương mại HSBC Vương quốc Anh cho biết: "Với việc Chính phủ Vương quốc Anh cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, tính bền vững ngày càng quan trọng đối với các công ty thuộc mọi quy mô. Giờ đây, chúng tôi có thể hỗ trợ kế hoạch của họ thông qua các dịch vụ 'tài chính xanh' toàn diện. Đây cũng là một phần trong cam kết toàn cầu của HSBC nhằm cung cấp 100 tỉ USD tài chính và đầu tư bền vững vào năm 2025".

Chương trình phát hành trái phiếu xanh lớn nhất châu Âu

Ngày 4/3 vừa qua, Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch cho một trong những chương trình phát hành trái phiếu xanh lớn nhất châu Âu.

Chương trình phát hành trái phiếu này được Vương Quốc Anh triển khai với mục đích nâng cao uy tín là trung tâm tài chính bền vững trong ứng phó với đại dịch Covid-19.

Văn phòng Quản lý Nợ Quốc gia Anh, cơ quan chịu trách nhiệm phát hành nợ có chủ quyền của Anh, cho biết sẽ phát hành 2 loại trái phiếu xanh trong năm 2021 với tổng trị giá tối thiểu 15 tỉ Bảng Anh (khoảng 21 tỉ USD), và loại trái phiếu xanh đầu tiên sẽ được phát hành vào mùa hè này.

Kế hoạch phát hành trái phiếu xanh được Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra lần đầu tiên vào tháng 11/2020, với tham vọng biến London trở thành trung tâm tài chính xanh trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26 diễn ra tại Anh vào tháng 11/2021.

Số tiền huy động được sẽ giúp tài trợ cho các dự án xanh, như dự án đầu tư vào năng lượng gió và hydro mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đề ra trong kế hoạch khí hậu 10 điểm của mình vào năm ngoái. Nhiều chuyên gia nói rằng kế hoạch của ông Johnson không đủ tham vọng, chỉ ra rằng Pháp và Đức đã đầu tư nhiều tiền hơn.

Dù vậy, quy mô cung cấp trái phiếu xanh theo kế hoạch của Anh trong năm đầu tiên của chương trình lớn hơn so với 11,5 tỉ euro (tương đương khoảng 13,87 tỉ USD) mà Đức phát hành trong năm đầu tiên vào năm 2020.

Công ty dịch vụ tài chính ngân hàng UniCredit ước tính rằng các nước châu Âu cũng sẽ cung cấp từ 40-45 tỉ euro trái phiếu xanh mới trong năm nay.

Theo Moody’s Investors Service, thị trường trái phiếu xanh toàn cầu đã tăng lên 270 tỉ USD vào năm 2020. Mitch Reznick, người đứng đầu tại Federated Hermes cho biết kế hoạch ra mắt trái phiếu là "đầy tham vọng nhưng khả thi" vì Chính phủ Anh vẫn chưa đề ra một khuôn khổ cho trái phiếu xanh (một bộ hướng dẫn quản lý cách sử dụng quỹ và cách báo cáo tác động môi trường).

Bộ Ngân khố Anh cũng cho biết họ sẽ tung ra trái phiếu tiết kiệm xanh có chủ quyền đầu tiên, mang đến cho các nhà đầu tư bán lẻ cơ hội mua nợ xanh thông qua National Savings & Investments, chương trình tiết kiệm do chính phủ hậu thuẫn.

Kỳ tiếp theo: Chính sách 'Tài chính xanh' vì sự phát triển bền vững: Đức muốn trở thành đầu tàu trên thế giới

Thanh Trần

Bạn đang đọc bài viết Chính sách 'Tài chính xanh' vì sự phát triển bền vững: Tham vọng của Vương quốc Anh (Kỳ 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới