Chủ nhật, 24/11/2024 11:09 (GMT+7)
Thứ tư, 10/02/2021 12:13 (GMT+7)

Chợ hoa những ngày giáp Tết: Đắt làm của, ế làm củi

Theo dõi KTMT trên

Mới 3 giờ sáng, chị Hồ Thị Thu đã lật đật trở dậy xách dao ra vườn chặt đào. Chọn được những cành ưng mắt, chị buộc gọn sau xe rồi nổ máy lao vào màn đêm cho kịp phiên chợ trên phố. Trong lòng chị, thấp thỏm giá đào năm nay...

Được mùa mất giá

Đã thành lệ, cứ vào dịp cuối năm khu chợ hoa tự phát nằm dọc theo đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) lại nô nức các tiểu thương, họ tận dụng từng mét vuông vỉa hè để bày bán cây cảnh, đủ loại từ đào, quất, hồng, lan,…

Tết nào cũng vậy, các tiểu thương tại khu chợ này cũng loay hoay với vòng lặp “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Năm nay đặc biệt khó khăn hơn mọi năm, khi có thêm dịch bệnh.

Chợ hoa những ngày giáp Tết: Đắt làm của, ế làm củi - Ảnh 1

Từng mét vuông vỉa hè được các tiểu thương tận dụng để bày bán các loại cây cảnh chơi Tết.

Tính đến nay đã tròn 4 cái Tết chị Thu “cắm chốt” ở đoạn vỉa hè nằm dưới nhà ga Láng. Trước Tết khoảng 10 ngày, hai vợ chồng chị Thu lại đem đào lên đây bán, càng sát Tết bán càng chạy, nhưng giá cũng theo đó mà giảm đi.

“Năm ngoái thời tiết không ủng hộ, đào nở bung bét hết nên đành phải bỏ cả hai vườn. Năm nay thì nhiều nụ, nhưng mà lại gặp COVID. Buôn bán chậm hơn năm trước”, chị Thu nói bằng chất giọng Phú Yên lanh lảnh. “Cũng chán lắm, nhưng ở nhà ông bà già rồi nên mình phải đi thay”.

Chợ hoa những ngày giáp Tết: Đắt làm của, ế làm củi - Ảnh 2

Chị Thu niềm nở chào khách mua đào.

Chị Thu kể mình theo chồng ra Bắc đã được 5 năm, ngày trước ở Phú Yên chị kinh doanh hàng ăn nên cuộc sống cũng ổn định. Khi biết chồng muốn hồi hương, chị cũng ủng hộ và ôm con gái nhỏ cùng chồng về quê nội.

Quê chồng chị Thu ở xã An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội), vùng đất nổi tiếng với những vườn cây, hoa cảnh. Cứ đến sát Tết, các lái buôn lại đổ về các vườn ở đây để mua cây. Tình hình năm nay lại khác, chứng kiến tình hình dịch bệnh kéo dài dai dẳng, nhiều lái buôn chủ động “bỏ cọc” vì lo sợ sẽ ế hàng, buộc nhiều hộ nông dân phải tự đem cây đi bán hoặc nhờ người quen đưa lên thành phố bán hộ.

Theo anh Bính, một người trồng đào lâu năm, kể từ khi làng Phú Thượng (quận Tây Hồ) lên phố, các vườn đào ở An Khánh càng được mở rộng, cây cảnh ngày Tết trở thành “cần câu cơm” cuối năm cho người nông dân.

Chợ hoa những ngày giáp Tết: Đắt làm của, ế làm củi - Ảnh 3

Theo anh Bính, thị trường đào quất năm nay trầm lắng hơn do dịch bệnh.

“Năm nay thì buôn bán không bằng như năm ngoái, cũng gốc đào dáng huyền năm ngoái có người trả 2 triệu, năm nay rao 1 triệu người ta còn quay đi”, anh Khánh nói. “Vì dịch nên dân buôn họ không xuống vườn ôm như mọi năm, chúng tôi phải tự bán lấy, lãi có ít nhưng còn hơn là không bán được”.

Còn với chị Thu, công việc bán đào mọi năm không khiến chị quá mặn mà vì bố mẹ chồng đã lớn tuổi, chồng thì chạy Grab nên chị mới phải gánh vác cả vườn đào. Trong năm, chị Thu làm công nhân may cho một xưởng dệt, tối về nhà lại nhận thêm đơn hàng từ bên ngoài nên thu nhập rất ổn định.

Dịch bệnh kéo dài hơn một năm khiến xưởng may của chị ngày càng vơi đơn hàng, nên Tết năm nay cả nhà chị Thu lại phải trông cậy vào vườn đào. Nếu như năm ngoái, dù đào nở sớm nhưng vợ chồng chị Thu vẫn bán được 30-40 cành một ngày mà bán với giá cao, còn năm nay, chị Thu phấn đấu bán được chục cành đào, mỗi cành dao động từ 150.000-200.000 đồng.

“Khách thì năm nào cũng có lý do để mặc cả, năm ngoái thì họ bảo bán nhanh không hoa nở hết, năm nay thì nói dịch bệnh không bán nhanh mai không ai ra đường nữa”, chị Thu kể.

Công việc bán đào dù giúp chị Thu kiếm được một khoản thu nhập cuối năm, nhưng lại vất vả, giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn, từ sáng đến tối “mài mặt” ra ngoài đường bất kể mưa rét. Chị nói, cố làm thêm vài năm, khi nào ông bà nội già hẳn không còn sức trồng đào thì sẽ nhượng vườn cho người khác.

Với người phụ nữ 34 tuổi, năm nay đáng trông đợi hơn mọi năm là bởi chị Thu cùng chồng con sẽ về Phú Yên ăn Tết. “Tôi đã đặt sẵn vé bay về Phú Yên hôm 30 Tết, mấy năm rồi mới được về quê, cũng mong mỏi lắm. Cơ mà dịch còn đang thế này, chẳng biết nên giữ hay hoãn chuyến. Thôi thì ế cũng được, chỉ mong tình hình yên ả để được về quê”, chị Thu chép miệng.

“Đắt làm của, ế làm củi”

Rời vỉa hè đường Láng, chúng tôi tới chợ hoa Quảng An, nơi dân buôn đào chiếm đại đa số. Với những dòng xe máy tấp nập men theo “đường 5 mét” vào chợ hoa, dường như tiểu thương tại đây không dễ gì lâm vào cảnh ế ẩm vì dịch bệnh.

Chợ hoa những ngày giáp Tết: Đắt làm của, ế làm củi - Ảnh 4

Theo nhiều tiểu thương, chợ hoa Quảng An tầm này mọi năm khách đổ đến mua cây như trẩy hội, trái ngược hẳn với năm nay.

“Vào xem hoa đào đi các em ơi! Đào năm nay đẹp lắm, mấy em làm một cành về chơi Tết. Không thì nghỉ chân làm cốc nước cũng được,” một phụ nữ đứng tuổi đon đả mời chào. Gọi 2 cốc trà nóng, chúng tôi hỏi khéo chị về tình hình buôn bán đào Tết năm nay. Trái với dự đoán, chị than thở: “Có bán được gì đâu! Phải bán thêm trà đá mà đến giờ mới được 6 cốc, tính cả của các cậu đấy!”. Theo lời người phụ nữ tên Thủy, thì dòng người nườm nượp đi xuống “đường 5 mét” là để… tránh tắc đường, chứ không mấy ai có ý định mua đào.

Sinh ra tại dinh đào Nhật Tân, bắt đầu mang đào cành đi bán dọc đường đê từ Yên Phụ tới Hàng Đậu năm 7 tuổi, chị Thuỷ là “thổ địa” đích thực của vùng này. Nhưng với những đòn nặng nề mà dịch bệnh giáng vào thị trường cây cảnh, dân buôn có thâm niên gần 40 năm như chị cũng không thể đứng vững được nữa.

Chợ hoa những ngày giáp Tết: Đắt làm của, ế làm củi - Ảnh 5

Chị kể, những năm trước, khách có thể vô tư trả 200.000 đồng để “tậu” về một cành đào. Nhưng năm nay, mức giá đó lại khiến họ tròn mắt, lắc đầu và bỏ đi. Thậm chí, có người còn “mạnh dạn” trả 50.000 đồng, trừ đầu trừ đuôi gần như lỗ sạch.

“Bán bằng giá mua vào là giới hạn rồi, không thể giảm được nữa. Thà vứt đi chứ không chịu bán lỗ. Cùng lắm thì mang về làm củi đun bánh chưng. Đắt làm của, ế làm củi, nghề này nó vẫn thế từ xưa mà!”, chị Thuỷ cười khổ.

Chợ hoa những ngày giáp Tết: Đắt làm của, ế làm củi - Ảnh 6

Ở sạp hoa bên cạnh, một “thổ địa” khác đang lầm lũi vặt đi từng bông hoa trên những cành đào. Cứ bông nào đẹp nhất, nở to nhất là anh vặt. Chẳng mấy chốc, chiếc xô đặt bên dưới đã đầy ắp hoa. “Không làm thế thì thấy hoa nở bung bét rồi, ai mà thèm mua! Cứ đi dọc đường Lạc Long Quân là biết. Cậu thích thì cầm xô này về mà ngâm nước tắm, da có khi lại sáng lên mấy tông”, người đàn ông tếu táo đùa.

Nghe vậy, chị Thuỷ cũng không kém cạnh: “Lấy của ông Dũng chưa đủ thì về đây, từ sáng đến giờ chị được 2 xô cơ!”. Rồi họ phá ra cười, những tiếng cười đầy sảng khoái, nhưng cũng đầy cay đắng…

Hiện tại, chị Thuỷ, anh Dũng cùng nhiều “thổ địa” khác tại chợ hoa Quảng An chỉ mong thu hồi lại được số vốn đã bỏ ra. Đối với họ, có lãi thì tốt, còn không thì coi như mình bán hộ người trồng, bởi “các ông bà vất vả gần một năm mới ra được cành đào đẹp, chứ dễ dàng gì đâu.”

Thương người trồng, nhưng họ cũng hiểu cho cả người mua. Họ hiểu rằng hậu quả kinh tế mà dịch bệnh gây ra ảnh hưởng lên toàn xã hội, nên người dân năm nay cũng không quá dư dả để chơi cây cảnh như mọi năm. Nói thách không được, giảm giá cũng không xong, rốt cục đến cuối ngày vẫn chỉ có người với hoa ngồi nhìn nhau.

Hàng trăm cành đào hoa nở rực rỡ vẫn chưa có chủ. Hàng chục tiểu thương đang “đỏ mắt” chờ khách. Chốc chốc tại có tiếng ngáp, tiếng thở dài; khung cảnh tại chợ hoa Quảng An cũng không khác khu chợ hoa tự phát trên đường Láng là bao.

Nhưng đằng sau cảnh ế ẩm đó, là sự đồng cảm mà số ít tiểu thương buôn đào lâu năm dành cho cả người trồng lẫn người mua - điều có lẽ cần được lan toả nhiều hơn. Bởi tại khu chợ hoa đầu mối lớn nhất Hà Nội này, những “dân bãi” thứ thiệt như họ chỉ còn là thiểu số...

Việt Khôi - Bắc Hiệp

Bạn đang đọc bài viết Chợ hoa những ngày giáp Tết: Đắt làm của, ế làm củi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới