Chủ nhật, 24/11/2024 08:55 (GMT+7)
Thứ ba, 21/01/2020 07:30 (GMT+7)

Chợ hoa phố cổ

Theo dõi KTMT trên

Tết Nguyên đán mà không có rét thì thật kém khí thế, mất mùa hoa nữa thì càng mất xuân sắc. Năm nay, Tết dự báo có rét, hoa lại được mùa. Tôi đi dạo trên phố Hàng Lược những ngày cuối năm, thấy cả rét và hoa, lòng rạo rực vì không khí Tết đã đến rất gần.

Hàng Lược có lẽ là chợ hoa có lịch sử lâu đời nhất của Hà Nội, lại ở trung tâm khu phố cổ nên có những điểm rất riêng. Hoa được mùa hay mất mùa có thể dạo qua Hàng Lược mà biết được tình hình. Chợ hoa Hàng Lược không quá lớn, gần đây cộng hưởng thêm chợ đồ cổ nữa nhưng dù thế, chợ vẫn có đặc sắc riêng, là một thứ nhiệt kế đo độ nồng nàn của Tết, của hoa Hà Nội.

Chợ hoa phố cổ - Ảnh 1
Gánh hàng hoa trên phố.

Một câu hỏi thú vị là tại sao người ta lại chọn Hàng Lược là chợ hoa Tết chứ không phải nơi khác? Hàng Lược có lẽ là con phố rất hiếm trong phố cổ có nhiều khoảng không gian rộng khi giao cắt với các phố khác. Điểm đầu tiên, Hàng Lược giao cắt với với Hàng Khoai tạo một khoảng trống, điểm thứ hai giao với Hàng Rươi làm một khoảng rộng nữa, điểm thứ ba giao với Hàng Cót thêm một không gian mở. Có lẽ đây là điểm khá thú vị để nghiên cứu không gian phố cổ. Hầu hết các phố cổ Hà Nội giao cắt nhau rất gấp, hai đường phố vuông góc cắt nhau, chật hẹp, có ít không gian mở nhưng ở Hàng Lược, cả ba điểm giao cắt đều là đường chéo giao đường thẳng, tạo thành những khoảng không gian hình tam giác khá rộng và đó là điểm lí tưởng cho những gánh hàng hoa trên phố.

Sở hữu một không gian rộng rãi hơn các phố khác ở các điểm giao cắt, lại ở khu trung tâm, rất gần chợ Đồng Xuân, có nơi nào thích hợp hơn mở một cái chợ hoa ở đây? Vào những ngày giáp Tết, nhất là độ từ ngày 23 tháng Chạp trở đi, hoa bắt đầu được bày bán trên phố Hàng Lược. Nhiều và đặc sắc nhất vẫn là hoa đào: đào bích, đào phai, các loại đào lạ như thất thốn, bạch đào… và gần đây có cả hoa mai, hoa nhập ngoại... Người bán bày hoa trên phố hoặc cầm luôn cành đào trên tay mời chào khách hàng. Người đi mua hoa, vừa ngắm hoa, ngắm phố, vừa khoan thai chọn mua những cành hoa đẹp nhất với giá cả chấp nhận được. Phong phú thêm cho chợ hoa là những hàng bán đồ trang trí đỏ vàng rực rỡ. Đi trong phố ngắm những sắc đào khoe thắm thấy Tết đến rất gần và rạo rực. Và dường như càng ngày người Hà Nội càng chơi hoa sớm, từ độ Rằm tháng Chạp đã thấy có hoa bày bán trên phố. Cái không khí chuẩn bị cho Tết cứ bồi hồi, háo hức ở đâu đó. Rét càng làm cho hương xuân tràn trề khắp các ngõ phố.

Chợ hoa phố cổ - Ảnh 2
Người dân mua đào Tết.

Phố nằm trên lòng sông nên tín ngưỡng dân gian liên quan tới sông nước, thuỷ thần tồn tại rất rõ nét. Hàng Lược có hai ngôi đình cổ. Một là đình Phủ Từ ở số nhà 19 và đình Vĩnh Trù ở số nhà 59. Điều đặc biệt là cả hai ngôi đình này đều thờ “Tứ vị hồng nương”. Tứ vị hồng nương là ai? Tương truyền đó là hai mẹ con hoàng hậu nhà Tống và hai nữ tì khi bị quân Nguyên truy đuổi đã nhảy xuống biển tự vẫn để giữ trọn khí tiết. Xác những người đàn bà dạt vào biển Quỳnh Lưu, Nghệ An, được ngư dân vớt lên, an táng, lập đền thờ và coi đó là những vị thần làm cho sóng yên bể lặng, phù trợ cho nghề sông nước. Điểm đáng chú ý là Tô Lịch tuy là một con sông nhỏ nhưng chỉ ở một đoạn rất ngắn đã có đến hai ngôi đình thờ vị thần chủ liên quan tới nghề sông nước.Nhưng Hàng Lược không chỉ có chợ hoa. Nếu ai biết rằng mình đang đi trên lòng sông Tô Lịch xưa kia thì chắc phải ngỡ ngàng. Phố Hàng Lược nguyên một phần là lòng sông Tô Lịch. Thời Pháp người ta gọi phố này là phố sông Tô Lịch.

Sông Tô Lịch vì sự biến chuyển của dòng chính là sông Hồng cộng thêm sức ép của dân số đông đã cạn dần và bị vùi lấp hoàn toàn trong khu vực phố cổ, vì thế, ít người biết rằng Hàng Lược từng là một khúc sông.

Đình Phủ Từ của thôn Phủ Từ xưa chắc đẹp và to lắm nhưng bây giờ thì chỉ còn một cái cổng quay ra mặt phố. Cổng đình vẫn to đẹp mà đình thì không còn, gợi một nỗi buồn man mác cho người hoài cổ. Dù thế chiếc cổng của ngôi đình vẫn trơ trơ với tuế nguyệt để nhắc nhở về một thời quá vãng của mình, nơi có dòng sông chảy qua và vị thần chủ là những người đàn bà lẫm liệt…

Đình Vĩnh Trù may mắn còn, nhưng theo thời gian nay đã thành chùa Vĩnh Trù và còn giữ được ít nhiều không gian riêng biệt. Đi trên phố bán đầy hoa và rực rỡ màu của Tết, tìm hiểu lịch sử của hai ngôi đình cổ mà lòng không khỏi bồi hồi xa vắng…

Phố Hàng Lược còn một điểm nhấn nữa mà ít người để ý. Trên phố có thánh đường Hồi giáo duy nhất ở miền Bắc, ngày trước dân gian quen gọi là “chùa Tây đen.” Tại sao lại có thánh đường Hồi giáo ở đây? Nguyên do hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX có nhiều kiều dân Ấn Độ sinh sống ở Hà Nội. Họ chủ yếu làm nghề buôn bán và có những thành đạt nhất định, cạnh tranh với Hoa kiều, người Pháp, người bản địa. Xa quê hương, họ đã xây một ngôi thánh đường nhỏ để làm nơi thực hành đức tin của mình. Thánh đường màu trắng vươn lên trong một không gian phố cổ là một điểm nhấn khá đặc biệt ở nơi này. Tôi đã vào thăm thánh đường và thấy những người Hồi giáo từ sứ quán các nước theo đạo Hồi thực hành tín ngưỡng của mình rất nghiêm trang và thành kính…

Không khí đón Tết đã tràn về mọi nẻo, nếu có thời gian và muốn thưởng thức phong vị riêng của chợ hoa Hà Nội trong phố cổ có lẽ phố Hàng Lược là một nơi không thể bỏ qua…

Uông Triều

Bạn đang đọc bài viết Chợ hoa phố cổ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới