Chủ nhật, 24/11/2024 10:25 (GMT+7)
Thứ năm, 03/10/2019 10:53 (GMT+7)

Chống 'giặc lửa', chống những đám cháy bắt nguồn từ... ý thức!

Theo dõi KTMT trên

Phương tiện PCCC dù hiện đại, pháp luật PCCC hoàn thiện nhưng ý thức con người kém thì vẫn không ngăn được những đám cháy kinh hoàng.

Những vụ cháy nổ xảy ra luôn để lại hậu quả nặng nề. Vụ cháy Nhà máy Rạng Đông xảy ra vào cuối tháng 8 vừa qua không chỉ thiệt hại giá trị tài sản lên tới 150 tỉ đồng mà còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của hàng vạn hộ dân sống gần nhà máy do sự cố môi trường. Hơn 1 tháng sau khi xảy ra vụ cháy, nhiều gia đình vẫn chưa dám quay trở lại ngôi nhà của mình mà phải thuê nhà, sống tạm bợ. Những người không có điều kiện thì đành ở lại, phó mặc sức khoẻ của cả gia đình vào sự may rủi.

Nhiều người chắc cũng chưa quên vụ cháy rừng phòng hộ xảy ra trên núi Hồng Lĩnh (giáp ranh giữa xã Xuân Hồng và Thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vào những ngày cuối tháng 6. Hàng ngàn người sau nhiều ngày đêm vật lộn với “giặc lửa” để cứu lấy cánh rừng, thậm chí có người đã tử nạn, nhưng cuối cùng vụ cháy đã thiêu rụi hơn 50 ha rừng thông hàng chục năm tuổi.

Chống 'giặc lửa', chống những đám cháy bắt nguồn từ... ý thức! - Ảnh 1
Vào khoảng 6h ngày 28/9, tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt Xô (số 91, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã bất ngờ xảy ra cháy lớn. (Ảnh: Vietnamnet)

Mới đây là vụ cháy tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt Xô (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Vụ cháy đã phá hủy dàn âm thanh, nhạc cụ trong chương trình Liveshow "Không thể thay thế" của ca sĩ Quang Hà. Thiệt hại ban đầu ước tính hơn 8 tỉ đồng. Sự việc xảy ra là do hệ thống chống thấm từ trên trần rơi xuống, các công nhân của đơn vị thi công do Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô thuê làm việc không cẩn thận nên đã làm sập dàn thiết bị ánh sáng, tia lửa phát ra từ quá trình hàn gây cháy.

Trong thời gian qua, không chỉ riêng ở Hà Nội mà nhiều địa phương trong cả nước đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy lớn, làm thiệt hại nhiều tài sản của người dân, thậm chí đã cướp đi tính mạng của nhiều người.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố, trong tháng 9/2019, cả nước xảy ra 239 vụ cháy, nổ, làm 10 người thương vong, thiệt hại về tài sản ước tính gần 200 tỉ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 2.959 vụ cháy, nổ, làm 76 người chết và 124 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 1.000 tỉ đồng.

Với vụ cháy Công ty Rạng Đông, nguyên nhân được xác định do sự cố điện ở bảng mạch điện tử của bóng đèn chiếu sáng đèn Led; còn vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh, nguyên nhân là từ việc đốt rác ở khu vườn nhà người dân và cháy lan sang rừng phòng hộ…

Phần lớn các vụ cháy, theo kết luận của cơ quan chức năng, bên cạnh nhiều nguyên nhân khác nhau, đều do sự bất cẩn của con người.

Hẳn nhiều người vẫn còn ám ảnh về vụ cháy ở quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Hà Nội) cách đây 1-2 năm làm 13 người chết. Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ việc nhóm thợ gây hoả hoạn bất cẩn, thiếu kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy. Trong quá trình sửa quán, nhóm thợ này đã dùng máy hàn để cắt bản lề cánh cửa làm vảy hàn bắn vào các phần ốp cách âm, gây cháy. Khi phát hiện sự cố, những người này dùng tay dập lửa. Một nguyên nhân nữa là quán karaoke chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy và chưa được cấp giấy phép kinh doanh karaoke nhưng vẫn cho nhiều khách vào để thuê hát.

Hàng loạt vụ cháy mà nguyên nhân rất đơn giản, có khi chỉ bắt nguồn từ việc vô ý vứt viên than tưởng đã cháy hết vào hố rác chung cư, hoặc vứt mẩu tàn thuốc lá từ tầng cao xuống, hay để quên nồi cá kho trên bếp, quên tắt đèn, tắt quạt khi ra khỏi nhà… Những hành động tưởng chừng rất nhỏ ấy, nhưng hậu quả thì vô cũng nghiêm trọng. Có những vụ làm cháy rụi cả chung cư và chết nhiều người, trong đó có vụ cả gia đình thiệt mạng.

Phần lớn nguyên nhân cháy nổ là do ý thức của con người thì đã rõ. Nhưng thật đáng tiếc, có nhiều vụ cháy dù phát hiện ra từ rất sớm nhưng hậu quả lại nặng nề vì việc ứng phó chưa kịp thời, kỹ năng thoát hiểm của rất nhiều người còn kém. Trở lại vụ cháy quán karaoke làm 13 người chết, nếu nhóm thợ hàn có kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy thì đã không để đám cháy xảy ra lớn đến như thế. Hoặc trong nhiều vụ cháy nổ, nếu người dân có kỹ năng thoát hiểm thì hậu quả đã không trở nên tàn khốc như vậy.

Mặt khác, khi xảy ra cháy nổ, việc ứng phó của lực lượng phòng cháy chữa cháy trong nhiều trường hợp còn hạn chế do nhiều nguyên nhân. Trước hết do phương tiện dù đã được trang bị, cải tiến nhưng vẫn còn lạc hậu chưa đáp ứng được thực tế. Ở nhiều khu chung cư, khi xảy ra cháy nổ từ tầng 15 trở lên thì việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn khi thang cứu hộ chưa lên được đến nơi, hoặc mất rất nhiều thời gian mới tiếp cận được đám cháy. Nhiều đám cháy khi các phương tiện tiếp cận được thì đã trở nên quá muộn, hậu quả đã xảy ra quá nặng nề.

Phương tiện lạc hậu, cùng với sự kiểm tra, giám sát phương tiện phòng cháy chữa cháy chưa thực sự sâu sát nên cũng đã xảy ra trường hợp xe chữa cháy đến nơi thì không có nước, hoặc các trụ cứu hoả ở nhiều nơi dựng lên lấy lệ, bị hỏng không còn tác dụng khi cần đến.

Đánh giá không đúng tình trạng vụ cháy cũng làm cho việc chữa cháy trở nên khó khăn và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn. Nhiều vụ cháy đáng ra phải huy động nhiều hơn lực lượng phòng cháy chữa cháy và xe cứu hoả nhưng vì chủ quan không đánh giá đúng tình hình, đến khi điều được đủ phương tiện cần thiết thì hậu quả đã quá nặng nề.

Một khó khăn rất lớn cho công tác phòng cháy chữa cháy là việc quy hoạch đô thị tràn lan, nhà cửa, chung cư mọc lên san sát, khiến đường sá trở nên chật hẹp ùn tắc, nên khi xảy ra cháy nổ, việc tiếp cận với đám cháy của lực lượng phòng cháy chữa cháy hết sức gian nan, nhiều khi xe cứu hoả không thể tiếp cận được đám cháy.

Các khu chung cư mọc lên ngày càng nhiều, nhưng ý thức về công tác phòng cháy chữa cháy của chủ đầu tư và người dân còn bị xem nhẹ. Nhiều khu chung cư mang tiếng là cao cấp nhưng khi xảy ra cháy nổ, người dân hoàn toàn bị động vì hệ thống báo cháy không hoạt động. Một số chung cư, chủ đầu tư đầu tư hệ thống phòng cháy “lấy lệ” để qua mắt cơ quan chức năng khi nghiệm thu; hoặc có đầu tư nhưng không trang bị, thông báo cho cư dân kỹ năng phòng cháy chữa cháy khi sống trên nhà cao tầng.

Còn đối với các hộ dân sống ở các chung cư, ý thức của nhiều người thực sự kém, dẫn đến việc coi thường công tác phòng chống cháy nổ. Nhiều gia đình nấu cả bếp than tổ ong ở chung cư, vứt viên than chưa cháy hết vào thùng rác, nhiều người vô tư vứt mẩu thuốc lá từ trên cao xuống, xem nhẹ việc kiểm tra hệ thống điện, quạt, các vật dụng có thể gây cháy nổ… Khi xảy ra cháy nổ thì mạnh ai nấy chạy, không có sự hỗ trợ đối với cộng đồng và những người sống xung quanh. Cùng với đó là kỹ năng thoát hiểm, kiến thức cơ bản về phòng chống cháy nổ chưa được quan tâm đúng mức, bởi vẫn còn tâm lý coi đó là “việc của người khác” và cháy nổ không xảy ra với nhà mình.

Một khó khăn nữa trong công tác phòng chống cháy nổ là hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề này còn lạc hậu, chưa theo kịp với tình hình thực tế nên nhiều khi có những tình huống phát sinh thì không biết xử lý như thế nào. Cùng với đó là việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, chưa thường xuyên, việc giám sát, kiểm tra, xử lý nhiều khi còn qua loa, chiếu lệ. Đơn cử như vụ cháy ở quán karaoke làm 13 người chết ở Hà Nội, nếu cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có hình thức xử phạt kịp thời khi công trình quán karaoke chưa được nghiệm thu về phòng chữa cháy và chưa được cấp giấy phép kinh doanh karaoke mà vẫn hoạt động, thì chắc chắn sẽ ngăn ngừa được vụ cháy kinh hoàng xảy ra.

Mỗi vụ cháy xảy ra, để lại hậu quả vô cùng to lớn về vật chất và con người. Vì thế, để công tác phòng chống “giặc lửa” thực sự hiệu quả, cùng với việc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy ngày càng hiện đại, hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về phòng cháy, chữa cháy bảo đảm đầy đủ, đồng bộ và có tính khả thi cao, thì việc nâng cao ý thức của con người đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Bởi, phương tiện PCCC có hiện đại đến mấy, hệ thống pháp luật PCCC có hoàn thiện đến đâu, nhưng ý thức của từng người dân, từng cơ quan, đơn vi, tổ chức, đặc biệt là ý thức của người đứng đầu về công tác PCCC không được “nâng cấp” ngang tầm thì chúng ta vẫn khó mà ngăn được những đám cháy xảy ra.

Bạn đang đọc bài viết Chống 'giặc lửa', chống những đám cháy bắt nguồn từ... ý thức!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới