Chủ nhật, 24/11/2024 07:31 (GMT+7)
Thứ bảy, 24/02/2024 07:05 (GMT+7)

Chủ động ứng phó với xâm nhập mặn tại ĐBSCL

Theo dõi KTMT trên

Mùa khô 2023-2024 xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL sẽ sâu hơn trung bình nhiều năm và có khả năng đạt đỉnh trong tháng 3 năm nay.

Chủ động ứng phó với xâm nhập mặn tại ĐBSCL - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

ĐBSCL có vị trí nằm cuối nguồn lưu vực sông Mekong, tiếp giáp biển nên xâm nhập mặn vào mùa khô là đặc điểm mang tính tự nhiên của vùng, yếu tố tác động lớn nhất đến mức độ và thời gian hạn mặn hàng năm từ dòng chảy thượng lưu về ĐBSCL và thủy triều từ biển.

Mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) là do ngay từ đầu mùa mưa, nguồn nước sông Mekong về ĐBSCL thiếu hụt từ 10-15% so với TBNN, xâm nhập mặn xuất hiện ngay từ cuối tháng 12/2023, sớm hơn khoảng 1 tháng so với TBNN.

Áp dụng các biện pháp phi công trình

Xâm nhập mặn năm 2023-2024 ở ĐBSCL đã được các cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn và các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức theo dõi, giám sát, dự báo sớm. Thông tin dự báo đã được cung cấp từ tháng 10/2023 và thường xuyên cập nhật phù hợp với diễn biến thực tế và đến nay có thể khẳng định mức độ xâm nhập mặn sát với thông tin đã được dự báo.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận hành và tưới tiêu, Cục Thủy lợi, cho biết, theo kết quả giám sát, xâm nhập mặn từ đầu mùa khô đến nay ở mức cao hơn TBNN và cao hơn cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện trên các cửa sông Cửu Long từ ngày 24-27/12/2023, so với năm 2015, 2019 muộn hơn khoảng 20 ngày và sớm hơn TBNN khoảng 1 tháng. Ranh mặn 4g/l lớn nhất từ đầu mùa khô cho đến nay như sau:

Xâm nhập mặn tăng cao nhất từ đầu mùa khô đến nay xuất hiện trong kỳ triều cường dịp Tết Nguyên đán từ ngày 08/2 – 14/2/2024 (ngày 28/12 đến 5/1 Âm lịch). Ranh mặn 4g/l vùng cửa sông Cửu Long từ 40-50 km, so với TBNN cao hơn 7-12 km; so với năm 2023 cao hơn từ 9-15 km; so với năm 2016 thấp hơn từ 5-10 km; so với năm 2020 thấp hơn từ 8-12 km. Ranh mặn 4g/l vùng 2 sông Vàm Cỏ từ 60-64 km, so với TBNN cao hơn từ 2-5 km, so với năm 2023 cao hơn từ 2-8 km, so với năm 2016 thấp hơn từ 15-18 km, so với năm 2020 thấp hơn từ 12-15 km.

"Hiện tại đang vào giai đoạn giữa mùa khô 2023-2024, cao điểm của nắng nóng và xâm nhập mặn. Nhận định nguồn nước về ĐBSCL trong tháng 3/2024 vẫn ở mức thấp, dẫn đến xâm nhập mặn từ nay đến giữa tháng 3/2024 vẫn ở mức cao, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt", ông Hùng nhấn mạnh.

Để ứng phó với nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị 661/CT-BNN-TL ngày 23/01/2024 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024. Trong các văn bản trên, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng vùng, khu vực và thực tế đã mang lại hiệu quả tích cực.

Hiện nay, Cục Thủy lợi đã phối hợp với Cục Trồng trọng và các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp, cụ thể như phối hợp với các đơn vị liên quan để dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước để cung cấp bản tin dự báo mùa trước vụ Đông Xuân 2023-2024 và cập nhật các bản tin tuần/tháng thường xuyên đến lãnh đạo Bộ, các cơ quan liên quan thuộc Bộ và các địa phương trong khu vực để làm cơ sở chỉ đạo điều hành tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Tối ưu hóa các biện pháp công trình

Cục Thủy lợi đã đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; tổ chức xuống giống vụ Đông Xuân 2023-2024 từ tháng 10/2023 và cơ bản kết thúc trong tháng 12, các diện tích này sẽ thu hoạch trước xâm nhập mặn cao điểm. 

Bên cạnh đó, Cục Thủy lợi phát hành "Sổ tay hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trữ nước phân tán, tưới hiệu quả cho cây ăn trái vùng ĐBSCL, áp dụng trong điều kiện xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024" để hướng dẫn các giải pháp trữ nước cho cây ăn trái, các địa phương cũng đã chủ động triển khai xây dựng và tích trữ nước trong các ao hồ phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình để đảm bảo nguồn nước cho cây ăn trái trong thời gian xâm nhập mặn tăng cao.

Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây giá trị kinh tế cao.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư sửa chữa, phục hồi các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi.

Từ hiệu quả của các giải pháp đã được chủ động triển khai sớm, đến nay sản xuất nông nghiệp đang được bảo vệ an toàn trước các tác động của xâm nhập mặn và dự kiến đợt xâm nhập mặn này sẽ ảnh hưởng không lớn đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận hành và tưới tiêu, Cục Thủy lợi cho biết, hiện nay các hệ thống công trình thủy lợi vùng ĐBSCL đã chủ động kiểm soát xâm nhập mặn các khu vực cách biển từ 40-65km, với tổng diện tích khoảng 1,25 triệu ha đất canh tác; cụ thể theo các hệ thống sông như sau:

Ở các cửa sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), khả năng kiểm kiểm soát mặn của công trình thủy lợi cách biển từ 75-80km, đến vị trí Kênh Thủ Thừa thuộc hệ thống thủy lợi Nhật Tảo – Tân Trụ. 

Ở cửa các sông Cửu Long: Trên hệ thống sông Tiền, các hệ thống thủy lợi đã kiểm soát mặn cách biển từ 40- 65km; trên sông Hậu: Các hệ thống thủy lợi đã kiểm soát mặn từ 35-55km.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có nhiệm vụ kiểm soát xâm nhập mặn trên sông Cái Lớn – Cái Bé cho khoảng 384.000 ha sản xuất nông nghiệp khu vực ven biển Tây, đã được xây dựng và đưa vào vận hành từ cuối năm 2021, đến nay bước đầu khẳng định hệ thống đã đáp ứng được nhiệm vụ thiết kế.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định, mùa khô 2023-2024 xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL sẽ sâu hơn trung bình nhiều năm và có khả năng đạt đỉnh trong tháng 3 năm nay. Tuy nhiên mức độ xâm nhập vẫn thấp và ít gay gắt hơn mùa khô 2015-2016 – vốn là năm khô hạn và xâm nhập mặn lịch sử ở ĐBSCL.

Cơ sở để đưa ra nhận định nêu trên, đó là tổng lượng dòng chảy về hạ lưu và ĐBSCL thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 5-15%. Hiện mực nước trên dòng chính sông Mekong xuống dần ở mức thấp, trong khi khó có khả năng xảy ra mưa trái mùa tại vùng ĐBSCL.

Bạn đang đọc bài viết Chủ động ứng phó với xâm nhập mặn tại ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới