Chủ nhật, 24/11/2024 08:22 (GMT+7)
Thứ ba, 01/10/2019 12:39 (GMT+7)

“Chưa giàu đã già”: Ai chăm lo sức khỏe cho người cao tuổi Việt Nam?

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam cần phát triển mô hình chăm sóc dựa vào cộng đồng, người cao tuổi hỗ trợ chăm sóc người già hơn mình, người khỏe hơn giúp đỡ người yếu hơn.

Việt Nam là nước có thu nhập trung bình thấp nhưng lại nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ già hóa dân số cao nhất thế giới. Cứ 9 người Việt Nam thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên, nhưng có tới 70% số người già ở nước ta không có lương hưu và nhiều người không có tài sản tích lũy.

“Chưa giàu đã già”: Ai chăm lo sức khỏe cho người cao tuổi Việt Nam? - Ảnh 1
Việt Nam cần phát triển mô hình chăm sóc dựa vào cộng đồng, người cao tuổi hỗ trợ chăm sóc người già hơn mình, người khỏe hơn giúp đỡ người yếu hơn. Ảnh Hồng Minh.

Vậy việc chăm lo sức khỏe cho người cao tuổi ở Việt Nam sẽ ra sao? Chính sách an sinh xã hội và chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện nay đã đáp ứng yêu cầu hay chưa...là những câu hỏi cần có lời giải đáp.

Tỉ lệ người cao tuổi ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 12% dân số và dự báo 20 năm nữa tỉ lệ này sẽ tăng gấp đôi, do tuổi thọ ngày càng tăng và tỉ suất sinh đang giảm mạnh. Già hóa dân số là một xu hướng tất yếu của sự phát triển. Tuy nhiên, tốc độ già hóa nhanh trong khi Việt Nam vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Vậy người cao tuổi ở nước ta lo ngại nhất điều gì khi “chưa giàu đã già”?

“Người già như chúng tôi sợ nhất là bệnh tật và sự cô đơn. Nhiều người gặp khó khăn lắm. Nhiều nhất là bệnh tai biến. Bạn bè tôi nhiều người gia đình phải gửi vào viện dưỡng lão và nhiều người nằm liệt một chỗ, nằm thực vật…”, cụ Nguyễn Thới, 85 tuổi ở quận, Ba Đình, Hà Nội cho biết.

Hiện người cao tuổi ở nông thôn rất khó khăn vì phần lớn không có lương hưu. Nhiều người phải chăm sóc các cháu nhỏ để các con đi làm ăn xa. Bà Nguyễn Thị Điểm, Chủ tịch Hội người cao tuổi thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội cho biết, người từ 80 tuổi trở lên mới được trợ cấp của Nhà nước nhưng cũng chỉ được 270.000 đồng/1 tháng và rất ít người được hưởng vì tuổi thọ trung bình của người dân hiện nay là 73,5 tuổi.

Trong số 1.400 hội viên người cao tuổi ở thị trấn Phùng hiện nay thì có tới 28 người cao tuổi cô đơn, 29 người tàn tật, 70 trường hợp vợ chồng già chăm nhau và hơn 2/3 số hội viên mắc bệnh mãn tính phải điều trị ngoại trú thường xuyên.

“Chưa giàu đã già”: Ai chăm lo sức khỏe cho người cao tuổi Việt Nam? - Ảnh 2
Cụ Phùng Kim Đính (94 tuổi) đã có 3 năm sống tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng.

“Khó khăn nhất là lương hưu không có. Sản xuất nông nghiệp thì thu nhập rất thấp. Những người chưa đến 80 thì không có lương hưu. Rất mong chương trình của hội cần tổ chức khám định kỳ miễn phí cho người cao tuổi, tư vấn phòng bệnh và đặc biệt là phải có khoa lão ở bệnh viện huyện ”, bà Nguyễn Thị Điểm chia sẻ.

Còn theo bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, chuyên gia về an sinh xã hội của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam thì khoảng 6 triệu người cao tuổi ở nước ta hiện không có khoản thu nhập thường xuyên nào.

Trong khi người già thường gắn liền với tình trạng ốm đau, sức khỏe giảm sút, nhưng bảo hiểm y tế lại không chi trả cho việc khám sức khỏe định kỳ và tầm soát phát hiện sớm bệnh tật. Điều này khiến cho tỉ lệ người già mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính ngày càng nhiều.

“Chưa giàu đã già”: Ai chăm lo sức khỏe cho người cao tuổi Việt Nam? - Ảnh 3
Những cụ già neo đơn không nơi nương tựa cảm thấy yên lòng khi được về sống trong Trung tâm dưỡng lão ở huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.

“Đối với người cao tuổi thì rất khổ khi phải chăm sóc y tế vì bảo hiểm y tế cũng chỉ trang trải được một phần mà người cao tuổi thì mắc bệnh mãn tính, chi phí cực kỳ cao, cơ sở vật chất của bệnh viện không đáp ứng đủ nên rất vất vả. Người cao tuổi khi ốm đau thì cần có người chăm sóc nhưng hiện nay lĩnh vực này thì hoàn toàn bị bỏ trống. Ở nông thôn, xã nghèo, người cao tuổi còn thiệt thòi hơn khi con cháu di cư hết nên sức khỏe thể lực đã không tốt, sức khỏe tinh thần cũng kém dẫn đến tăng tỉ lệ người mất trí nhớ và suy giảm về tâm trí”, bà Quỳnh nói.

Để trả lời được câu hỏi “Chưa giàu đã già: ai chăm lo sức khỏe cho người cao tuổi nước ta?”, các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ 4 giải pháp của chính sách an sinh xã hội, đó là giải quyết việc làm để có thu nhập, đổi mới chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Trong đó, không nên đầu tư quá nhiều vào mô hình nhà dưỡng lão vì đa số người già ở nước ta không có khả năng chi trả hơn 10 triệu đồng/1 tháng cho dịch vụ này. Thay vào đó, cần phát triển mô hình chăm sóc dựa vào cộng đồng, người cao tuổi hỗ trợ chăm sóc người già hơn mình, người khỏe hơn giúp đỡ người yếu hơn.

Mô hình này được Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Tổ chức người cao tuổi quốc tế đã triển khai thí điểm tại một số địa phương ở nước ta mang lại hiệu quả thiết thực, được cơ quan chức năng của Nhật Bản và Hàn Quốc đến học tập kinh nghiệm.

Theo Văn Hải/VOV

Bạn đang đọc bài viết “Chưa giàu đã già”: Ai chăm lo sức khỏe cho người cao tuổi Việt Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới