Chủ nhật, 24/11/2024 02:27 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/05/2024 06:39 (GMT+7)

Chuyển đổi kinh tế xanh, phát triển tuần hoàn và bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero

Theo dõi KTMT trên

Nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero trong tương lai, nhiều tập đoàn kinh tế lớn và các doanh nghiệp đã nhanh chóng đẩy mạnh chuyển đổi xanh nhằm ứng phó với biển đổi khí hậu.

Net Zero mở ra nhiều cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững

Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26 (2021), Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng "0" (gọi tắt là Net Zero) vào năm 2050. Tại COP28, Việt Nam một lần nữa tái khẳng định điều này thông qua việc xây dựng và thực hiện các chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo; nghiêm túc theo đuổi cam kết quốc gia tự quyết định, chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nhiều hoạt động khác nhằm giảm thiểu phát thải carbon.

Giảm phát thải khí carbon là một trong những vấn đề được cả thế giới quan tâm, trong đó có Việt Nam.

Phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2016 khoảng 317 triệu tấn CO2 tương đương, ước tính 513 triệu tấn vào năm 2020. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã đề ra lộ trình đạt Net Zero, theo đó sẽ đạt phát thải đỉnh với khoảng 539 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2035; sau đó sẽ tiếp tục giảm, đến năm 2050 tổng lượng phát thải khí nhà kính ước đạt 185 triệu tấn CO2 tương đương và sẽ được hấp thụ hoàn toàn bởi các hệ sinh thái tự nhiên. 

Trong cơ cấu phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2016, năng lượng là lĩnh vực có tỷ trọng phát thải lớn nhất, chiếm khoảng 65% tổng lượng phát thải; sau đó là các lĩnh vực, các quá trình công nghiệp (14,6%), nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (13,9%) và chất thải (6%).

Chuyển đổi kinh tế xanh, phát triển tuần hoàn và bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero - Ảnh 1
Net Zero mở ra nhiều cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. (Nguồn: Internet)

Ngay sau COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị, đồng thời, đưa ra lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết.

Chính phủ đã ban hành khung hành lang pháp lý nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp, cụ thể là: Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Quyết định số 01/QĐ-TTG về các danh mục, lĩnh vực, các cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; quyết định số 896 về phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050… Đây chính là những cơ sở cơ bản nhất để các bộ, ban, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện và hành động để đạt mục tiêu Netzero.

Hiện nay, cuộc đua Net Zero không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững. Đây cũng là mục tiêu chung mà Việt Nam đang hướng đến.

Tại Hội thảo “Lộ trình và giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu Net Zero của Việt Nam”, Ông Vũ Quốc Anh, Quản lý dự án của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Điều phối Liên minh Hành động vì khí hậu cũng tái khẳng định, cam kết Net-zero đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác và hỗ trợ quốc tế dành cho Việt Nam, cũng như đặt ra nhiệm vụ xem xét và cập nhật các chính sách, chiến lược quốc gia trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Chuyển đổi kinh tế xanh, tuần hoàn hướng tới Net Zero

TS Vũ Tiến Lộc - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khẳng định, tăng trưởng xanh là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam. Việc Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050 là một quyết tâm chính trị vì lợi ích quốc gia và vừa sức vươn lên của nền kinh tế Việt Nam.

Theo các chuyên gia, phát triển xanh ở Việt Nam đang có 2 thách thức lớn. Thứ nhất là về nguồn vốn, theo Ngân hàng Thế giới (WB) , đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD để đạt Net Zero, nhưng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam đến 30/6/2023 chỉ đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng. Mặt khác, nguồn vốn tài chính quốc tế cho phát triển xanh cũng không còn rẻ nữa. Hiện, lãi suất của FED, các nước châu Âu ở mức rất cao.

Thứ hai là năng lực đổi mới với phát triển xanh. Trong đó, bao gồm hạ tầng và các điều kiện sản xuất; đào tạo đội ngũ nhân lực và người lao động; các chuẩn mực quản trị điều hành, chuẩn mực công bố thông tin. Điều này dẫn đến quá trình chuyển đổi không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và hoạt động vận hành.

Chuyển đổi kinh tế xanh, phát triển tuần hoàn và bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero - Ảnh 2
Những thách thức cũng là cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. (Nguồn: Internet)

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, những thách thức trong quá trình tiến tới mục tiêu Net Zero cũng là cơ hội giúp các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.

Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định, bằng cách hướng tới một nền kinh tế xanh, chúng ta không chỉ đảm bảo sự bền vững của môi trường mà còn tạo ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. 

Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp VCCI cũng nhấn mạnh việc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững trở thành điều kiện cần và đủ để chính mỗi doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu và có thể đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày một quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường, xã hội, quản trị bền vững.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tăng trưởng xanh là xu hướng chi phối toàn cầu, là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của cả thế giới. Để cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch hành động ngày càng cụ thể hơn, có 17 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ và 143 nhiệm vụ cụ thể, đồng thời xây dựng tích hợp chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp. Việt Nam đặt mục tiêu cụ thể: Trở thành quốc gia phát triển, thu nhập bình quân cao (lớn hơn 12.000 USD) vào năm 2045.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xanh, trong thời gian qua, nhiều chính sách tài chính đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương này, góp phần tạo điều kiện huy động và thu hút nguồn lực đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh. 

Nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero trong tương lai, nhiều tập đoàn kinh tế lớn và các doanh nghiệp đã nhanh chóng đẩy mạnh chuyển đổi xanh nhằm ứng phó với biển đổi khí hậu.

Chuyển đổi kinh tế xanh, phát triển tuần hoàn và bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero - Ảnh 3
Chuyển đổi kinh tế xanh, tuần hoàn hướng tới Net Zero là mục tiêu hiện nay. (Nguồn: Internet)

Trong đó, giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành trách nhiệm bắt buộc của mỗi doanh nghiệp. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra các quy định doanh nghiệp có lượng phát thải khí nhà kính lớn sẽ bị áp hạn ngạch phát thải và phải thực hiện các biện pháp giảm phát thải theo lộ trình cụ thể. Nếu không thực hiện họ sẽ tự đào thải khỏi thị trường, do chi phí tuân thủ sẽ ngày càng cao và sẽ làm giảm sức cạnh tranh ngay chính trên sân nhà.

Những năm qua, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu về tăng trưởng xanh. Theo thống kê, các hoạt động kinh tế xanh tại Việt Nam đã giúp tạo ra 6,7 tỷ USD vào năm 2020 (chiếm khoảng 2% tổng GDP). Ước tính, giai đoạn 2017-2021, có khoảng 9 tỷ USD nguồn vốn FDI được huy động vào các lĩnh vực xanh tại Việt Nam, tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo, sản xuất thiết bị, máy móc cho các dự án thuộc các lĩnh vực tăng trưởng xanh.

Ngày 5/6/2024 tới đây, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Thủ đô Hà Nội, Tạp chí Kinh môi trường phối hợp cùng Tạp chí Việt – Đức; Công ty cổ phần Nature World; Công ty CP Công nghệ và truyền thông Push Media; Công ty CP Life Media Global sẽ tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế xanh và bền vững - Giảm phát thải nhà kính hướng đến mục tiêu Net Zero"  tại Khách sạn JM Marriot (số 8 Đỗ Đức Dục, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Hội thảo sẽ có sự góp mặt của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước; Đại diện các tổ chức quốc tế; Đại diện một số Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nước (Hiệp hội BĐS, Hiệp hội Công Nghiệp và các Hội ngành nghề liên quan, Ban quản lý các KCN, Các doanh nghiệp sản xuất Công nghiệp, Doanh nghiệp công nghiệp FDI, các Công ty Năng lượng)...

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi kinh tế xanh, phát triển tuần hoàn và bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới