Chủ nhật, 24/11/2024 02:52 (GMT+7)
Thứ sáu, 26/04/2024 14:45 (GMT+7)

Chuyển đổi số quốc gia – Động lực tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội

Theo dõi KTMT trên

Ngày 19/4/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định 58/QĐ-UBQGCĐS về việc ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo hướng hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ.

Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành về chuyển đổi số của của các Uỷ viên Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương. Tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc triển khai chuyển đổi số.

Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số.

Chuyển đổi số quốc gia – Động lực tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 1
Thực hiện livestream bán hàng sản phẩm tại phiên chợ. Ảnh: SGGP.

Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột

Các chỉ tiêu cụ thể ưu tiên để thực hiện chủ đề chuyển đổi số năm 2024 “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hoá các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” bao gồm:

- Thúc đẩy phát triển 48.000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương.

- 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp , khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị , sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải.

- 40% người dân trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Hoàn thành triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu, cụ thể: 25 dịch vụ công theo Đề án 06/CP (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022) và 28 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- 100% hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ (Hệ thống EMC) .

- 100% hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành, địa phương kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- 100% các thôn, bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động.

- 100% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ.

Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số

Để đạt được mục tiêu trên, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã đặt ra các nhiệm vụ triển khai cụ thể. Theo đó, bám sát thực tiễn, kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, tạo bứt phá trong chuyển đổi số gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong triển khai các nghiệm vụ chuyển đổi số; các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực, kịp thời, trong công tác phối hợp triển khai.

Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; tăng cường công tác kiểm tra, đo lường, giám sát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ.

Nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số quốc gia

“Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đồng thời, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân.

Thời gian qua, với sự quyết tâm cao của Chính phủ cũng như các ban, ngành, thời gian qua, chuyển đổi số đã được triển khai mạnh mẽ ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, mang lại nhiều chuyển biến về kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đầu năm 2024 đến nay, công tác chuyển đổi số quốc gia đã đạt được một số kết quả tích cực, trong đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quyết định và 2 chỉ thị; các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thúc đẩy chuyển đổi số và triển khai Đề án 06. Tiếp tục kiện toàn bộ máy của Ủy ban và các ban chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương.

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khuôn khổ, điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ đã ban hành 1 nghị định về khu công nghệ cao; đang khẩn trương, tích cực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở... Đã có 56/63 tỉnh, thành phố ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Chuyển đổi số quốc gia – Động lực tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 2

Người tham gia BHXH có thể tra cứu quá trình tham gia bảo hiểm và tiếp cận thông tin dễ dàng, thuận tiện thông qua ứng dụng VssID trên thiết bị di động.

Thứ ba, hạ tầng số, các nền tảng số tiếp tục được phát triển. 100% xã, phường, thị trấn có kết nối internet băng thông rộng, kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Nhà nước. Trên 80% hộ gia đình sử dụng cáp quang internet băng rộng.

Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã kết nối với 388 hệ thống và cơ sở dữ liệu (CSDL) của 95 cơ quan, đơn vị (bình quân mỗi ngày có khoảng 2,8 triệu giao dịch được thực hiện).

Nhiều trung tâm dữ liệu lớn, hiện đại được khánh thành, đi vào hoạt động trong năm 2023-2024 (như của VNPT, Viettel, CMC…); Trung tâm Dữ liệu quốc gia đang được tích cực triển khai. Hoàn thành đấu giá băng tần 5G, cấp phép cho doanh nghiệp (VNPT và Viettel) kinh doanh dịch vụ 5G.

Thứ tư, các CSDL quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ.

CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 doanh nghiệp Nhà nước. Cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; kích hoạt gần 54 triệu tài khoản; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin.

Đã đưa thêm 311 cơ sở dữ liệu chuyên ngành đi vào hoạt động (lũy kế đến nay có 2.398 tổng số cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoạt động).

Thứ năm, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh. Đến nay, đã có gần 14,6 triệu tài khoản và hơn 46,2 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 12.900 tỷ đồng. Triển khai 41/53 dịch vụ công thiết yếu ở mức độ 3, 4 (tăng 5 dịch vụ công thiết yếu so với cuối năm 2023).

Tính riêng 25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 hằng năm, đã tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng.

Thứ sáu, kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển tích cực. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong quý I/2024, doanh thu công nghiệp CNTT đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ; xuất khẩu sản phẩm CNTT đạt 31 tỷ USD, tăng 17%.

Hiện có 8,2 triệu khách hàng sử dụng Mobile money, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; trong đó hơn 5,8 triệu khách hàng tại vùng nông thôn, miền núi.

Hiện có 100% các cơ sở khám, chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và trên 1 triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản.

Chuyển đổi số quốc gia – Động lực tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 3
Thanh toán không dùng tiền mặt khi đi chợ. Ảnh: VGP.

Quan điểm chủ đạo trong chuyển đổi số

Phát biểu tại Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, đã trở thành phong trào, là xu thế đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên thế giới. Nhiều văn kiện và nghị quyết của Đảng đã đề cập sâu sắc về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược; xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, Thủ tướng cho rằng thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

Chuyển đổi số quốc gia – Động lực tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 4
Thủ tướng phát biểu tại Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) năm 2023. Ảnh: VGP.

Thủ tướng nêu rõ 4 quan điểm chủ đạo trong chuyển đổi số nói chung và trong tạo lập, khai thác dữ liệu số.

Thứ nhất, có tầm nhìn chiến lược và đổi mới từ tư duy, nhận thức, hành động cho phù hợp điều kiện thực tiễn; kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được thời gian qua; vượt qua rào cản, khó khăn, thách thức, tạo đột phá hơn nữa với quan điểm toàn dân, toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên trong xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, phấn đấu "đi sau về trước" trong chuyển đổi số.

Thứ hai, chuyển đổi số quốc gia phải triển khai một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn chạy theo số lượng; tập trung vào 4 ưu tiên chính: (1) Ưu tiên phát triển dữ liệu số (dữ liệu số là tài nguyên quốc gia); (2) Ưu tiên phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với người dân, doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn; (3) Ưu tiên phát triển các nền tảng số (nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia); (4) Ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, an ninh con người.

Thứ ba, cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Thứ tư, phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tận dụng mọi nguồn lực nhằm phát triển mạnh hạ tầng số, nền tảng số nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận được nhiều dịch vụ số, tiện ích số. Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; để người dân và doanh nghiệp hiểu, ủng hộ và tham gia tích cực.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi số quốc gia – Động lực tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới