Chủ nhật, 24/11/2024 04:40 (GMT+7)
Thứ năm, 13/01/2022 08:04 (GMT+7)

Chuyên gia chia sẻ về 'ngôi sao hi vọng' của nền kinh tế Việt Nam 2022

Theo dõi KTMT trên

Bước qua năm 2021 đầy khó khăn, biến động, hướng đến năm 2022, nhiều tổ chức, thể chế kinh tế - tài chính và giới chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng những ngành tăng trưởng mũi nhọn của kinh tế Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương TS. Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – cho rằng: Nói về động lực tăng trưởng cho năm 2022, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, xuất khẩu, thu hút FDI và sức chống chịu bền bỉ của doanh nghiệp vẫn là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Trong đó, về thu hút FDI, sau gần 2 năm các nhà đầu tư bị hạn chế di chuyển, hạn chế các hoạt động đầu tư do dịch Covid-19 thì những tháng cuối năm 2021, dòng vốn FDI bắt đầu quay trở lại Việt Nam với rất nhiều các dự án đầu tư lớn được cấp phép. Dự báo, năm 2022, FDI vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam.

Về tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, theo TS. Nguyễn Đình Cung, năm 2022, đà phục hồi kinh tế của thế giới có thể bị chậm lại, tuy nhiên cùng với sự hỗ trợ tích cực từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới Việt Nam đã tham gia, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 dự báo sẽ khởi sắc.

Tuy vậy, động lực tiềm năng nhất cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 là đầu tư công, nhờ tập trung vào những công trình trọng điểm, công trình lớn, có sự lan tỏa, công trình cơ sở hạ tầng ở những vùng kinh tế trọng điểm, điều đó sẽ tạo đà cho răng trưởng kinh tế năm 2022.

Chuyên gia chia sẻ về 'ngôi sao hi vọng' của nền kinh tế Việt Nam 2022 - Ảnh 1
GDP Việt Nam 15 năm qua. (Ảnh: Tổng cục Thống kê)

Song, để giải ngân đầu tư công đạt hiệu quả tích cực, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào những dự án có sẵn, dự án có tính lan tỏa, tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế-xã hội.

Năm 2022 đã tới, đây được đánh giá là một năm vô cùng quan trọng, năm “bản lề” cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025, theo đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có những giải pháp quan trọng để tạo động lực tăng trưởng.

Giải pháp đó nên tập trung vào khu vực doanh nghiệp, giúp họ vực dậy sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn khủng hoảng về Covid-19 kéo dài, muốn làm được như vậy cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, hiệu quả, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp thông qua bãi bỏ bớt những danh mục, ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang gây khó cho doanh nghiệp, từ đó tạo đột biến mới cho môi trường kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp tự do kinh doanh, tự do sáng tạo và vươn tầm châu lục.

Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries đánh giá Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên ảnh hưởng của dịch COVID-19 rất nặng nề và rõ rệt, nhưng đến nay, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng và từ đó thúc đẩy giao thương mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, nhờ vào tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 tăng cao tạo điều kiện sớm mở cửa nền kinh tế, góp phần tăng trưởng trở lại.

Từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho đến các chuyên gia, nhà đầu tư đều tỏ ra lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhờ vào những động lực thúc đẩy GDP phục hồi mạnh mẽ như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, thu hút FDI, các chính sách kịp thời, hiệu quả từ chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Về vấn đề này, Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam lưu ý năm 2022, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn, tiềm năng hơn.

Chuyên gia chia sẻ về 'ngôi sao hi vọng' của nền kinh tế Việt Nam 2022 - Ảnh 2
Xuất nhập khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế. (Ảnh: Báo Công thương)

Trong bối cảnh xuất khẩu là động lực lớn của nền kinh tế, chuyên gia ADB cho rằng Việt Nam cần tận dụng thật tốt và hội nhập sâu rộng thông qua hệ thống 15 FTA đã được ký kết. Trong đó, nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) vẫn là đòn bẩy, cú hích đáng kể cho thương mại hàng hóa Việt Nam với các thị trường hàng đầu thế giới.

Liên quan đến tốc độ tăng trưởng mục tiêu 6 - 6,5% năm 2022, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Jacques Morisset bày tỏ tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu trên nếu đáp ứng 2 điều kiện: kiểm soát tốt đại dịch và cải thiện cán cân cung - cầu. Theo ông Morisset, chính phủ cần triển khai các biện pháp kích cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa, với tỷ lệ nợ công trên GDP mới chỉ ở mức 44% trong khi trần nợ công đã được Quốc hội thông qua ở mức hơn 60%, do vậy, Việt Nam vẫn còn dư địa để vay vốn.

Đồng quan điểm, TS. Lê Duy Bình Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, năm 2022, xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp quan trọng vào đà tăng trưởng kinh tế của đất nước, nhất là trong bối cảnh nhu cầu nội địa và ngành bán lẻ ghi nhận sự sụt giảm trong năm qua.

“Tôi không nghĩ nhu cầu nội địa và ngành bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Thay vào đó, xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Ngoài ra, chi tiêu công, chi tiêu Chính phủ và chi tiêu cá nhân đều tăng trong năm tới”, ông Bình nói.

Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, trong số những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm qua, có tới 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD, bao gồm điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng; hàng dệt và may mặc; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ; sắt thép các loại.

Giám đốc Economica Việt Nam chia sẻ thêm, trong 11 lĩnh vực thu hút FDI của Việt Nam hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều nhất đến lĩnh vực chế biến, chế tạo, thu hút tới 53% tổng vốn đăng ký. Như vậy, trong bối cảnh cam kết FDI tiếp tục tăng, những doanh nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục được hưởng lợi.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia chia sẻ về 'ngôi sao hi vọng' của nền kinh tế Việt Nam 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới