Chủ nhật, 24/11/2024 08:06 (GMT+7)
Thứ ba, 10/05/2022 07:55 (GMT+7)

Chuyên gia góp ý khơi dòng vốn cho thị trường bất động sản

Theo dõi KTMT trên

Hội thảo "Khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS Việt Nam do Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), Tạp chí điện tử BĐS Việt Nam và Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam tổ chức ngày 9/5 tại Hà Nội có 40 chuyên gia kinh tế, pháp lý, góp ý thực hiện các giải pháp cần thiết

Chuyên gia góp ý khơi dòng vốn cho thị trường bất động sản - Ảnh 1
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Reatimes )

Thị trường BĐS có khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành quan trọng khác

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP giai đoạn 2019-2021 khoảng 14%.

Thị trường bất động sản có khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành quan trọng khác của nền kinh tế và trở thành nhịp cầu nối cho các thị trường khác, góp phần phát triển đồng bộ các loại thị trường và đó là điều quan trọng để cơ chế thị trường phát huy tác dụng.

Chuyên gia góp ý khơi dòng vốn cho thị trường bất động sản - Ảnh 2
Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Phạm Nguyễn Toan cho biết, những năm gần đây, nguồn vốn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển dần trở nên phong phú hơn. Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế trong cơ chế, chính sách và phương thức quản lý, điều tiết dòng vốn cho thị trường này. Doanh nghiệp vẫn phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào vốn tín dụng ngân hàng.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng phân tích: Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt tín dụng bất động sản là giải pháp nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ, giúp thị trường trở nên minh bạch, tránh xảy ra bong bóng bất động sản.

Chuyên gia góp ý khơi dòng vốn cho thị trường bất động sản - Ảnh 3
Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng.

Đây là việc cần thiết để lành mạnh hóa thị trường bất động sản, giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường địa ốc tăng “nóng” thời gian qua khi đa số các nhà đầu tư đều sử dụng đòn bẩy tài chính.

Tuy nhiên, chủ trương siết tín dụng khiến người dân, nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Trong bối cảnh này, việc tiếp tục đa dạng hóa và hoàn thiện các kênh huy động vốn đầu tư bất động sản cần là một trong những ưu tiên chính sách trong giai đoạn tới.

Chuyên gia góp ý khơi dòng vốn cho thị trường bất động sản - Ảnh 4
Ông Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Ông Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, phương châm cho phát triển các kênh đầu tư bất động sản là củng cố, lành mạnh hóa các kênh hiện hữu như tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và thúc đẩy mạnh hơn, gắn liền với lành mạnh hóa và giảm rủi ro các kênh mới hình thành và còn yếu như đầu tư qua các quỹ tín thác bất động sản (REIT).

Theo đại diện Viện Kinh tế Việt Nam, đối với các kênh như tín dụng và phát hành trái phiếu có thể siết chặt song không “dàn hàng ngang” mà tùy từng chủ thể phát hành cho vay, phân khúc thị trường để có sự điều tiết hữu hiệu, không bóp nghẹt hay gây sự lo sợ của nhà đầu tư trên diện rộng. Các nhóm giải pháp cần có giải pháp ngắn hạn/trước mắt và trong trung, dài hạn.

Thời điểm này, cần phân lập và làm rõ các tổ chức phát hành trái phiếu, ngân hàng cho vay bất động sản và dư nợ, tính chất các khoản vay ngân hàng, độ khả tín của tổ chức phát hành để tránh sự lo lắng mang tính hệ thống, nhất là khi thông tin chưa đủ minh bạch, cập nhật, với nhiều tin đồn và nhiều nhà đầu tư cá nhân có bản lĩnh đầu tư, kỹ năng đầu tư chứng khoán còn hạn chế.

Nói về thị trường trái phiếu, thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và trái phiếu doanh nghiệp bất động sản nói riêng phát sinh một số vấn đề và thông tin tiêu cực. Tuy chỉ là những hiện tượng cá biệt song các chuyên gia cho rằng, việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường cũng như việc phát hành trái phiếu của các nhà phát triển bất động sản chân chính.

Cùng lúc đó, ở các nước phát triển trên thế giới, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là một công cụ huy động vốn phổ biến, đặc biệt là của những doanh nghiệp lớn, có uy tín.

Nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp khắc phục được nhược điểm của nguồn vốn tín dụng ngân hàng là phù hợp hơn với tính chất trung và dài hạn của kinh doanh bất động sản. Nếu thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển thì lãi suất huy động còn có thể thấp hơn nữa do tận dụng được ưu thế của tài chính trực tiếp so với tài chính gián tiếp.

Chuyên gia góp ý khơi dòng vốn cho thị trường bất động sản - Ảnh 5
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ tại hội thảo, để khai thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, cần điều chỉnh ngay những quy định pháp luật về thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ để tạo niềm tin cho giới đầu tư. Nghị định 153/2020/NĐ-CP Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế cần quy định rõ ràng xếp hạng tín nhiệm là điều kiện bắt buộc cho việc phát hành trái phiếu để các nhà đầu tư có cơ sở thẩm định rủi ro trái phiếu họ đầu tư.

Chuyên gia góp ý khơi dòng vốn cho thị trường bất động sản - Ảnh 6
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia đồng quan điểm cho hay, Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tín dụng nhà ở, các phân khúc còn thiếu cung, lĩnh vực xây dựng, thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp… Do vậy, cần phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính, kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro, nắn dòng vốn chứ không làm nghẽn.

Đối với doanh nghiệp bất động sản, ngoài vốn tín dụng, doanh nghiệp bất động sản cần lưu tâm, linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác như phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, chương trình phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP), cổ phiếu quỹ, quỹ đầu tư, trái phiếu công trình, thuê tài chính…

Tiếp tục "siết" tín dụng bất động sản từ tháng 10/2022

Tỷ lệ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục bị "siết" theo lộ trình từ tháng 10/2022.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ tại hội thảo cho biết, từ năm 2020 các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nhà nước tiếp tục lộ trình kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.

Theo đó, đến tháng 9/2020 tỷ lệ tối đa nguồn vốn cho vay trung, dài hạn là 40%, đến tháng 9/2021 là 37%, đến tháng 9/2022 là 34%, từ tháng 10/2022 giảm xuống còn 30%.

Theo đó, đến tháng 9/2020 tỷ lệ tối đa nguồn vốn cho vay trung, dài hạn là 40%, đến tháng 9/2021 là 37%, đến tháng 9/2022 là 34%, từ tháng 10/2022 giảm xuống còn 30%.

Ông Hùng đánh giá, việc "siết" tín dụng vào bất động sản đã có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ông Hùng cũng không ngần ngại khi chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động này. Cụ thể: Chủ trương siết tín dụng khiến người dân, nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Thực tiễn hoạt động ngân hàng thời gian qua cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 90% số lượng doanh nghiệp của Việt Nam nhưng khả năng tiếp cận vốn hạn chế do năng lực tài chính, quản trị, phương án kinh doanh khả thi, quản trị dòng tiền còn hạn chế, có những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn...

Cùng với đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp kéo dài khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, lãi suất gửi tiết kiệm lại giảm mạnh nên kinh doanh bất động sản trở thành một trong những kênh đầu tư thu hút vốn, dư nợ cho vay bất động sản tăng dẫn đến nợ xấu cũng có xu hướng tăng theo trong thời gian tới...

Với đặc thù thị trường bất động sản liên quan tới nhiều thị trường khác, do đó, để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần vào ổn định an ninh kinh tế - xã hội, cần có sự phối hợp chỉ đạo thống nhất của các bộ, ngành liên quan từ quản lý thị trường nhà ở, đầu tư, xây dựng, nguyên vật liệu… và từ phía các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; xây dựng hệ sinh thái bất động sản hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn.

Tập trung mạnh vào phát triển nhà ở xã hội, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà ở xã hội; đẩy mạnh mô hình Quỹ đầu tư tín thác bất động sản để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường bất động sản...

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia góp ý khơi dòng vốn cho thị trường bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới