Chủ nhật, 24/11/2024 07:28 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/12/2021 07:00 (GMT+7)

Chuyên gia hiến kế gỡ khó cho doanh nghiệp FDI

Theo dõi KTMT trên

“Nói đến phục hồi kinh tế xã hội, nói đến tăng trưởng kinh tế nhưng nếu chúng ta không có người lao động để phục vụ sản xuất, đáp ứng các đơn hàng thì nói câu chuyện phục hồi không có ý nghĩa gì ở đây cả".

Tại hội nghị “Hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài thích ứng trong điều kiện kinh doanh mới” ngày 17/12, ông Tharabodee Serng Adichaiwit – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham) phát biểu, quý III/2021 là thời điểm khó khăn với các doanh nghiệp Thái Lan hoạt động tại Việt Nam, trong đó thách thức nổi bật là vấn đề lao động.

Chuyên gia hiến kế gỡ khó cho doanh nghiệp FDI - Ảnh 1
Giới doanh nghiệp FDI cũng đề xuất Chính phủ quyết liệt thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, nhằm hỗ trợ xoa dịu những thiệt hại to lớn từ đại dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Phải gỡ từ vấn đề lao động khi gỡ vướng cho doanh nghiệp FDI

Thiếu hụt lao động là tình trạng đã làm cho hàng hóa xuất nhập khẩu bị mắc kẹt và cần nhiều thời gian để giải quyết. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng lo ngại do tâm lý không chắc chắn về hoạt động sản xuất kinh doanh do biện pháp phòng chống dịch của chính quyền địa phương thời gian đó, Phó Chủ tịch ThaiCham cho biết.

Chuyên gia hiến kế gỡ khó cho doanh nghiệp FDI - Ảnh 2
Phó Chủ tịch ThaiCham Tharabodee Serng Adichaiwit.

“Khoảng 80-90% các doanh nghiệp Thái Lan hoạt động tại Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn, chỉ có một số doanh nghiệp bán lẻ còn hoạt động tốt do cung cấp mặt hàng thiết yếu cho người dân. Trong đó số doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, khoảng 70% phải tạm dừng sản xuất, 30% còn lại có khả năng duy trì sản xuất nhưng với quy mô nhỏ. Đáng chú ý, hầu hết các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đều là doanh nghiệp có lượng nhân công lớn như may mặc…".

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp của Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tình rằng, vấn đề cấp thiết hàng đầu cần tháo gỡ hiện nay là phục hồi chuỗi cung ứng trong bối cảnh cung lao động thiếu hụt.

Việc tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp - lực lượng đã đồng hành cùng Việt Nam trong giai đoạn khó khăn vừa qua, không chỉ góp phần thúc đẩy đà phục hồi kinh tế - xã hội mà còn tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và động lực bền vững thu hút dòng vốn FDI trong dài hạn.

Ông Dương chia sẻ: “Thời gian qua tôi có trao đổi với một số doanh nghiệp tại TP.HCM, doanh nghiệp cho biết đã cố gắng liên hệ với người lao động, kêu gọi họ quay trở lại làm việc nhưng một số lao động phản hồi rằng phải qua Tết hoặc thậm chí cuối quý I/2022 họ mới quay lại. Như vậy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong nước cần có chính sách, động thái tạo điều kiện cho người lao động, để họ yên tâm quay lại sản xuất càng sớm càng tốt”.

Chuyên gia hiến kế gỡ khó cho doanh nghiệp FDI - Ảnh 3
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM).

“Chúng ta nói đến phục hồi kinh tế xã hội, nói đến tăng trưởng kinh tế nhưng nếu chúng ta không có người lao động để phục vụ sản xuất, đáp ứng các đơn hàng thì nói câu chuyện phục hồi không có ý nghĩa gì ở đây cả. Vậy nên quan trọng nhất là xử lý hiệu quả diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung lao động sớm khôi phục hoàn toàn".

Đối thoại và phản ứng kịp thời từ Chính phủ thường xuyên

Đáng chú ý, trong suốt thời gian diễn ra dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam và các hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài đã duy trì đối thoại tích cực nhằm đưa ra các phương pháp thích ứng hợp lý với dịch bệnh.

Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, bản thân nhà đầu tư nước ngoài cũng có ý tưởng hoặc động thái hỗ trợ tích cực cho công tác kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam. Theo ông Dương, “Điều này cho thấy ý thức của nhà đầu tư nước ngoài rằng họ không chỉ có quyền lợi mà còn có trách nhiệm ở đây”.

Song song đó, giới doanh nghiệp FDI cũng đề xuất Chính phủ quyết liệt thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, nhằm hỗ trợ xoa dịu những thiệt hại to lớn từ đại dịch Covid-19.

Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Leonglee bà Catherine Tran cho biết, bản thân doanh nghiệp trong thời gian qua đối diện với áp lực dòng tiền lớn do tác động của đại dịch: “Chúng tôi phải đối mặt với chi phí logistics tăng đột biến do chi phí đội lên từ quy trình, thủ tục phòng chống dịch Covid-19. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến vấn đề dòng tiền, khiến tình hình tài chính doanh nghiệp không tốt suốt thời gian vừa qua”.

Chương trình phục hồi không chỉ mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp trong nước mà doanh nghiệp nước ngoài cũng được hưởng lợi. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến vấn đề này, ông Dương cho hay.

Việc thực hiện chương trình phục hồi phải song song với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua hành lang cơ chế, pháp lý thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và nhà đầu tư nước ngoài nói riêng.

Ông Nguyễn Anh Dương thông tin: “Tôi lấy ví dụ như chúng ta có hàng chục hiệp định thương mại tự do nhưng nếu không có quy trình thủ tục xuất nhập khẩu thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp thì khó tận dụng được. Chẳng hạn câu chuyện Trung Quốc vừa qua hạn chế nhập khẩu mặt hàng hải sản từ Ấn Độ sau khi phát hiện có virus SARS-CoV-2 trên bao bì sản phẩm thì từ phía các cơ quan chức năng Việt Nam có hướng dẫn ra sao, trao đổi làm việc với phía Trung Quốc như thế nào để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng như doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có hoạt động xuất khẩu”.

Đại diện đến từ CIEM cũng đề cập đến một điểm nghẽn mà ông cho là "không kém phần quan trọng và cần phải gỡ vướng" là niềm tin trong quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Một xu hướng đã lập luận rằng, nói đến tăng trưởng xuất khẩu thì phần lớn cơ hội hưởng lợi thuộc về doanh nghiệp FDI, hàm ý rằng doanh nghiệp trong nước không hưởng lợi nhiều từ xuất khẩu và không tận dụng được cơ hội từ FTA. Tuy nhiên, theo ông Dương, thực tế là trong quá trình phát triển của doanh nghiệp FDI thì doanh nghiệp trong nước cũng được hưởng lợi.

Ông Dương nhận định: "Dù không trực tiếp xuất khẩu nhưng việc doanh nghiệp trong nước cung ứng hàng hóa dịch vụ cho doanh nghiệp FDI cũng là đóng góp gián tiếp vào xuất khẩu rồi”.

Dự báo trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt mức kỷ lục 330 tỷ USD. Đà tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng sẽ mang lại hình ảnh mới cho Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu của thế giới, từ đó mang lại lợi ích cho cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam.

Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam là cơ hội lớn cho nhà đầu tư nước ngoài

Thời điểm hiện tại, đa số các tổ chức quốc tế đã đưa ra các dự báo tương đối tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022, với mức tăng trưởng dự phóng lên tới 7%.

Kịch bản dự báo cao nhất được đưa ra bởi Ngân hàng Thế giới World Bank hồi tháng 9/2021, rằng Việt Nam có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng 6,5-7% trong năm 2022.

Kịch bản an toàn nhất do ICAEW và Oxford Economics công bố hồi đầu tháng 12 cho thấy GDP Việt Nam năm 2022 có khả năng ở mức 6,1%.

Đa số các dự báo còn lại dao động quanh mức 6,6% (như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra hồi tháng 10/2021) hay 6,7% (như The Economist công bố hôm 9/12 vừa qua).

Chuyên gia hiến kế gỡ khó cho doanh nghiệp FDI - Ảnh 4
MAS tổng hợp một số dự báo của các tổ chức cho thấy tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt tới 7%. (Nguồn: MAS)

Mặc dù triển vọng tăng trưởng trong năm tới còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến đại dịch, nhưng theo quan điểm sống chung với dịch Covid-19 và tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ gần đây về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch, tiềm năng phục hồi kinh tế trong năm 2022 của Việt Nam được đánh giá là rất đáng lạc quan.

Chia sẻ tại Hội thảo, bản thân cộng đồng doanh nghiệp FDI cũng tỏ ra lạc quan ở triển vọng tăng trưởng và cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Phó Chủ tịch ThaiCham, ông Tharabodee Serng Adichaiwit bày tỏ kỳ vọng Việt Nam sẽ quay trở lại tiềm năng tăng trưởng vốn có vào năm 2022 khi có tỷ lệ tiêm vaccine lên tới 80-90%.

Chuyên gia hiến kế gỡ khó cho doanh nghiệp FDI - Ảnh 5
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM).

“Việt Nam nằm trong khu vực có đà phục hồi rất tích cực trong năm 2022. Đà phục hồi không phải của riêng Việt Nam, cũng không phải chỉ là câu chuyện phục hồi nhờ nền tăng trưởng thấp trong năm 2020-2021, mà đà phục hồi gắn với xu hướng chung của mạng sản xuất toàn châu Á bao gồm Trung Quốc, các nền kinh tế ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc”.

Có thể nói, cơ hội tăng trưởng được cho là còn đến từ các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới giúp kết nối Việt Nam với các thị trường rộng lớn trên toàn cầu. Việc tận dụng các ưu đãi như thuế quan biên mậu... sẽ mở ra tiềm năng cho nhà đầu tư nước ngoài - vốn có tiềm lực và trình độ khoa học công nghệ - trong việc tận dụng cơ hội, mở rộng thị trường.

Nhận định của ông Nguyễn Anh Dương: “Câu chuyện về hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sắp có hiệu lực vào tháng 12 tới là một ví dụ điển hình. Nếu RCEP có hiệu lực trong giai đoạn 2013-2014 thì tác động kinh tế của nó có thể tương đối nhỏ nếu so sánh với EVFTA hay CPTPP. Nhưng khi RCEP có hiệu lực vào tháng 1/2022, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi khó khăn như hiện nay thì tác động và cơ hội từ nó là tương đối lớn. Bởi ở thời điểm này, bất cứ điều gì đóng góp được dù chỉ 1 đồng vào tăng trưởng cũng là rất tích cực rồi”.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia hiến kế gỡ khó cho doanh nghiệp FDI. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới