Chủ nhật, 24/11/2024 05:17 (GMT+7)
Thứ ba, 03/10/2023 07:00 (GMT+7)

Chuyên gia hiến kế phát triển công trình xanh tại Việt Nam (Bài 2)

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần có thêm các chính sách để có thể thúc đẩy đầu tư, xây dựng các dự án, công trình theo hướng xanh. Đây cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Chuyên gia hiến kế phát triển công trình xanh tại Việt Nam (Bài 2) - Ảnh 1

Việt Nam đang trên đà phát triển và hội nhập, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Các khu đô thị, các công trình xây dựng phúc lợi xã hội…ngày càng được phát triển. Trước những thách thức lớn của quá trình đô thị hóa thì phát triển công trình xanh là giải pháp giúp kiến trúc Việt Nam phát triển bền vững, có bản sắc và thân thiện với môi trường. Đây chính là một cơ hội mở cho công trình xanh Việt Nam phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tiếp thu các công nghệ tiên tiến của các nước phát triển về phát triển công trình xanh, Việt Nam cũng cần quan tâm đến khía cạnh nhân văn, khai thác lợi thế của đất.

Và để phân tích rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh đầu tư, xây dựng. Hy vọng rằng, những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học có thể giúp việc phát triển công trình xanh Việt Nam ngày càng phát triển.

Chuyên gia hiến kế phát triển công trình xanh tại Việt Nam (Bài 2) - Ảnh 2

Theo PGS.TS - KTS Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc Viện Đô thị xanh Việt Nam, kinh nghiệm một số nước trên thế giới đầu tư xây dựng các công trình xanh, trung bình sẽ đòi hỏi tăng vốn đầu tư khoảng từ 3-8 % so với đầu tư thông thường, nhưng các công trình xanh sẽ tiết kiệm được từ 15 đến 30% năng lượng sử dụng, sẽ giảm khoảng 30-35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30%-50% lượng nước sử dụng và từ 50%-70% chi phí xử lý chất thải.

Các công trình xanh sẽ góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, tuổi thọ công trình cao.

Tuy nhiên việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam cũng cần phải chú ý đến 3 vấn đề.

Thứ nhất là về khí hậu, Việt Nam rất khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng, bức xạ mặt trời lớn, đặc biệt ở phía Bắc có mùa đông lạnh với độ ẩm cao. Phát triển công trình xanh ở nước ta phải chú ý tới các yếu tố khí hậu theo từng vùng khác nhau của đất nước.

Khí hậu các địa phương Việt Nam hoàn toàn khác với khí hậu các nước Âu - Mỹ. Do vậy có thể thấy những công nghệ của các nước phát triển Âu - Mỹ là không hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm Viêt Nam. Nếu những giải pháp cho khí hậu Âu - Mỹ là sưởi ấm thì tại Việt Nam là làm mát, hút ẩm và chống giá buốt… Ở một góc nhìn khác, điều kiện khí hậu nhiệt đới của nước ta cũng rất thuận lợi cho việc thiết lập những sắc thái riêng với các thành tố xanh trong quy hoạch và xây dựng đô thị xanh.

Chuyên gia hiến kế phát triển công trình xanh tại Việt Nam (Bài 2) - Ảnh 3

Thứ hai là bản sắc văn hóa dân tộc, đất nước chúng ta có 54 dân tộc, chính vì vậy bản sắc văn hóa địa phương rất đa dạng. Mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán, phương thức sản xuất canh tác, lối sống riêng… Vì vậy, phát triển công trình xanh ở Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề bản sắc văn hóa địa phương tại mỗi vùng miền, mỗi nơi có một lối sống và kiến trúc đặc trưng riêng vì vậy phát triển công trình xanh cần đề ra các chiến lược, chính sách, các giải pháp quy hoạch, thiết kế xây dựng phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Yếu tố văn hóa cũng là cơ sở để đạt được sự chấp nhận của cư dân địa phương hướng tới các nhu cầu thiết thực của cộng đồng. Từ đó có thể áp dụng rộng rãi, tránh được những nguy cơ phá vỡ các tập quán sinh hoạt truyền thống.

Thứ ba là điều kiện kinh tế, công trình xanh Việt Nam phải được xây dựng phù hợp với điều kiện của nền kinh tế đất nước. Việt Nam là quốc gia đang phát triển còn nghèo so với nhiều nước trong khu vực. Công trình xanh tại Việt Nam nên phát huy sử dụng được các nguồn lực tại chỗ, hướng đến những giải pháp xây dựng đơn giản phù hợp với trình độ xây dựng của khu vực, dễ bảo dưỡng, đạt được mục tiêu giá thành hợp lý phù hợp với khả năng thu nhập của người dân địa phương.

Những ràng buộc về địa lý đã hình thành các hoàn cảnh của từng địa phương, cần quan tâm đến điều kiện đặc thù này để áp dụng những giải pháp xanh, những công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt cần quan tâm đến khu vực nông thôn, nơi sinh sống của phần lớn dân cư và chứa đựng nhiều giá trị bản địa

Chuyên gia hiến kế phát triển công trình xanh tại Việt Nam (Bài 2) - Ảnh 4

GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Uỷ viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường, để thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh, hướng tới mục tiêu loại bỏ phát thải ròng trong tương lai, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ công trình đạt tiêu chí xanh; hỗ trợ chủ đầu tư công trình xanh.

Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống nào được cơ quan quản lý Nhà nước chính thức ban hành như một công cụ có tính pháp lý để đánh giá, quản lý “Công trình xanh". Nhận thức về “Công trình xanh" vẫn chưa chính xác. Hầu hết công trình xanh được mọi người hiểu rằng “công trình xanh nghĩa là nhiều cây xanh".

Song ngoài kiến trúc xanh, công trình xanh còn phải đạt hiệu quả cao khi sử dụng năng lượng, nước, vật liệu… nhằm đảm bảo không tác động xấu tới sức khỏe người dân, giảm thiểu chất thải độc hại cho môi trường.

Thực tế, trong nhiều năm qua, việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, thúc đẩy nghiên cứu sản xuất, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, vật liệu có tính năng tiết kiệm năng lượng đã và đang là một trong những ưu tiên của nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

Chuyên gia hiến kế phát triển công trình xanh tại Việt Nam (Bài 2) - Ảnh 5

Tuy nhiên con số này vẫn chưa nhiều. Bởi việc đầu tư cho phát triển các vật liệu xanh, sản phẩm xanh đang chiếm chi phí khá cao và mẫu mã sản phẩm chưa thể nào bắt mắt bằng các sản phẩm công nghiệp trong khi các chính sách khuyến khích phát triển nó lại chưa thực sự được chú trọng. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ưu đãi về tài chính cho các dự án sản xuất sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, cần có các quy định bắt buộc hoặc khuyến khích để đánh giá, chứng nhận, dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm vật liệu xây dựng; nâng cao nhận thức của các đối tượng liên quan như chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị quản lý vận hành, người sử dụng công trình…

Nhiều chuyên gia cũng đánh giá các thành phố và các tòa nhà là một nguồn phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí. Song nếu các thành phố, tòa nhà được xanh hóa với giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, thì chúng có thể đóng góp đáng kể vào ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Mà phát triển công trình xanh thông qua tích hợp các yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng trong thiết kế, xây dựng, nghiệm thu và vận hành tòa nhà… chỉ có thể thực hiện được với sự nâng cao nhận thức, năng lực của chủ đầu tư công trình, nhà phát triển xây dựng, những người vận hành công trình, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, cán bộ nghiệm thu công trình.

Chuyên gia hiến kế phát triển công trình xanh tại Việt Nam (Bài 2) - Ảnh 6

Nội dung:Hà Lan

Thiết kế:Hải An

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia hiến kế phát triển công trình xanh tại Việt Nam (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới