Chủ nhật, 24/11/2024 09:54 (GMT+7)
Thứ sáu, 07/06/2019 19:18 (GMT+7)

Có 152 triệu trẻ em đang phải lao động trên thế giới

Theo dõi KTMT trên

Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và phòng chống lao động trẻ em.

Sáng 7/6, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức Diễn đàn hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em 12/6 với chủ đề "Đừng để trẻ em làm việc trên đồng ruộng; Hãy để trẻ nuôi dưỡng ước mơ". Đây cũng là hoạt động kỷ niệm 100 năm thành lập Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Tham dự diễn đàn có 200 thiếu nhi đến từ 11 huyện, xã thuộc địa bàn dự án ENHANCE (Dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam) và các em thiếu nhi đang sinh hoạt tại liên đội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Có 152 triệu trẻ em đang phải lao động trên thế giới - Ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: CPV.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh, công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em thời gian qua được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đồng thời tham gia, phê chuẩn các điều ước quốc tế nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Nước ta cũng đã phê chuẩn Công ước số 182 của ILO về việc cấm và hành động khẩn cấp để loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Công ước số 138 của ILO về độ tuổi làm việc tối thiểu. Trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV tháng 6 này, Quốc hội cũng sẽ biểu quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, lao động trẻ em đang là vấn đề toàn cầu. ILO đã ước tính, có khoảng 152 triệu lao động trẻ em. Tại Việt Nam, theo Báo cáo khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 có 1,75 triệu trẻ em đang lao động, chiếm 9,6% tổng số trẻ em từ 5 đến dưới 17 tuổi. Đa số trẻ làm việc trong ngành nông nghiệp. Trong 18 công việc tập trung trên 80% lao động trẻ em tham gia lao động, có 11 công việc thuộc khu vực nông nghiệp. Địa điểm làm việc phổ biến là cánh đồng, nông trại hoặc vườn cây. Trong số lao động trẻ em chỉ có 45,2% còn đi học, 52% đã thôi học và 2,8% chưa bao giờ đi học. Trên toàn cầu có 32% lao động trẻ em không được học tập.

"Hiện nay, Bộ LĐTB&XH và ILO đang tiếp tục triển khai Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em lần 2, để có dữ liệu chính xác, đầy đủ về tình hình lao động trẻ em trong cả nước" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết thêm.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ, để nỗ lực giải quyết vấn đề lao động trẻ em trên toàn cầu, Liên minh toàn cầu 8.7 đã được hình thành nhằm cam kết thúc đẩy hành động dựa trên sáng kiến, tạo kiến thức và sử dụng nguồn lực hiệu quả, tập hợp đối tác ở tất cả các cấp nhằm đạt được mục tiêu 8.7. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á tiên phong hình thành liên minh 8.7 để xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu 8.7; trong đó tập trung giải quyết vấn đề lao động trẻ em trong lĩnh vực nông nghiệp và giáo dục đối với lao động trẻ em.

Có 152 triệu trẻ em đang phải lao động trên thế giới - Ảnh 2
Các em tham gia vẽ tranh tại diễn đàn. Ảnh: CPV.

Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, bà Nguyễn Thị Hà khẳng định cần có sự chung tay của toàn xã hội, từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội đến các gia đình.

Tại diễn đàn, các em đã cùng tham gia vào các hoạt động giao lưu, vẽ tranh nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về vấn đề lao động trẻ em; đồng thời cùng thực hiện “Cây ước mơ” để thể hiện nguyện vọng, mong ước của mình.

Đại biểu đến từ các cơ quan chức năng tham dự diễn đàn đã lắng nghe, trao đổi về những tâm tư, nguyện vọng của các em và cùng chia sẻ các giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em.

Diệu Anh (TH)

Bạn đang đọc bài viết Có 152 triệu trẻ em đang phải lao động trên thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới