Chủ nhật, 24/11/2024 05:35 (GMT+7)
Thứ sáu, 01/04/2022 08:00 (GMT+7)

Cơ chế nào cho hàng nghìn tỷ đồng đầu tư các dự án điện gió đang 'đắp chiếu'?

Theo dõi KTMT trên

Đến nay vẫn chưa có hướng dẫn mới về cơ chế giá điện gió sau khi giá FIT hết hạn, hàng nghìn tỷ đồng ở các dự án "đắp chiếu" dù đã hòa lưới lên hệ thống điện quốc gia, nhiều nhà đầu tư dự án điện gió đứng trước nguy cơ phá sản cận kề.

Nhà đầu tư kêu cứu,Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra ngay

Mới đây, theo thông tin trên báo điện tử Tuổi trẻ TP.HCM, 4 chủ đầu tư dự án điện gió có văn bản "cầu cứu" gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tháo gỡ khó khăn khi phải dừng hoạt động, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Cụ thể, 4 chủ đầu tư bao gồm nhà máy điện gió Nhơn Hội, điện gió Nam Bình 1, điện gió Cầu Đất và điện gió Tân Tấn Nhật.

Theo đó, cả 4 dự án điện gió này đều đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt và có chứng nhận nghiệm thu hoàn thành công trình trước ngày 31/10/2021, có giấy phép hoạt động điện lực, đã hòa lưới trên hệ thống điện quốc gia và được ghi nhận trên dữ liệu điện tử của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). 

Tuy nhiên, theo đại diện của EVN, để vận hành thương mại doanh nghiệp buộc phải đáp ứng các tiêu chí, trong đó có khâu thử nghiệm kỹ thuật, đảm bảo độ tin cậy. Do đó, 4 nhà máy này chưa được công nhận ngày vận hành thương mại (COD). Nguyên nhân là do diễn biến Covid-19 và thời tiết bất thường, nên chưa hoàn thành thử nghiệm trước khi được công nhận vận hành thương mại (COD).

Vì thế, từ ngày 1/11/2021 đến nay, các nhà máy đang phải dừng hoạt động, công tác bảo dưỡng không được thực hiện theo quy định của nhà sản xuất, gây hư hỏng thiết bị.

"Mặc dù đã nỗ lực hết sức, nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng vừa qua, nhà máy vẫn không thể hoàn thành phát điện thương mại cho 6 tuabin của giai đoạn 2 trước ngày 1/11/2021", đại diện nhà máy điện gió Nhơn Hội cho biết.

Tại Nhà máy điện gió Nam Bình 1 (tỉnh Đắk Nông), nguyên nhân chưa hoàn thành thử nghiệm là do trong quá trình thử nghiệm, do yếu tố thời tiết đã rất bất lợi, tốc độ gió thấp và không ổn định nên không đủ năng lượng sơ cấp để kịp hoàn thành đủ các mức thử nghiệm cuối cùng.

Cơ chế nào cho hàng nghìn tỷ đồng đầu tư các dự án điện gió đang 'đắp chiếu'? - Ảnh 1
Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chủ đầu tư dự án điện gió "cầu cứu" Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn khi phải dừng hoạt động. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, từ tháng 11 đến nay vẫn chưa có hướng dẫn mới về cơ chế giá sau khi giá FIT hết hạn, khiến cho tất cả các nhà máy phải dừng hoạt động, hư hỏng thiết bị. Như vậy, hàng nghìn tỷ đồng ở các dự án "đắp chiếu", gây lãng phí và thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư.

Trước thực tế này, các doanh nghiệp điện gió kiến nghị Thủ Tướng Chính phủ cứu xét cho phép các nhà máy công nhận hoàn thành trước 31/10/2021. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương xem xét sửa đổi các quy định riêng trong ngành điện, đối với quy trình COD như hiện hành. Bao gồm: Thử nghiệm khả năng phát/nhận công suất phản kháng; thử nghiệm kết nối AGC (điều chỉnh công suất của tổ máy phát; Thử nghiệm tin cậy.

Theo chủ các dự án điện gió, các quy định trên phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện khách quan như thời tiết mưa bão, tốc độ gió và yếu tố con người, chuyên gia... làm cho các quy định của pháp luật giảm tính minh bạch, tăng tính rủi ro cho nhà đầu tư.

"Các thử nghiệm này trước hết thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và trách nhiệm của EVN với vai trò là bên mua điện, đồng thời là nhà vận hành hệ thống lưới điện, nó có thể hoàn thành trước hoặc sau khi công nhận hoàn thành nhà máy, hoàn thành quá trình đầu tư", các nhà đầu tư điện gió đồng loạt kiến nghị.

Trước tình trạng trên, ngày 30/3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thông tin báo chí phản ánh nhà đầu tư điện gió kêu cứu vì nguy cơ phá sản.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Công Thương kiểm tra ngay việc này và xử lý ngay nếu đúng.

Dự án “đắp chiếu”, doanh nghiệp mòn mỏi chờ giá FIT

Thống kê số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tính đến hết tháng 10/2021, nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện mặt trời, điện gió) đã đạt khoảng 20.644MW, chiếm khoảng 28% công suất và khoảng 8% sản lượng điện toàn quốc, góp phần quan trọng trong việc bù đắp nguồn điện thiếu hụt do các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhiều lợi ích khác.

Trong các tháng gần đây, đặc biệt trong cao điểm dịch diễn ra ở hầu khắp các địa phương từ tháng 4 - 10/2021, hàng loạt các nhà đầu tư điện gió đứng ngồi không yên do tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp đã làm ngưng trệ toàn bộ công tác vận chuyển thiết bị, thi công, thử nghiệm, vận hành. Công tác thi công tại hàng chục dự án điện gió bị ngưng trệ, không có công nhân đi làm, chuyên gia không sang được Việt Nam, thiết bị về đến cảng cũng không vào nhận, vận chuyển đến công trường. Điều này khiến hàng chục dự án điện gió không kịp hoàn thành công nhận vận hành thương mại (COD) trước thời hạn 1/11/2021 để được hưởng giá ưu đãi (giá FIT) theo Quyết định 39/2018 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện gió tại Việt Nam (Quyết định 39).

Trước đề xuất của các địa phương, doanh nghiệp, tháng 9/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có chỉ đạo và giao Bộ Công Thương xem xét cụ thể kiến nghị của các địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền. Tại cuộc họp báo cuối tháng 9.2021 của Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã nêu quan điểm, sẽ không đề xuất gia hạn cơ chế giá FIT theo Quyết định 39 mà sẽ đề xuất với cấp có thẩm quyền về cơ chế để chủ đầu tư thương thảo với bên mua điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), dựa trên nguyên tắc chi phí, vốn đầu tư, vận hành bảo dưỡng nhà máy để xác định giá mua điện đối với những dự án không thể cán đích. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức nào được đưa ra.

Nhìn câu chuyện về giá FIT cho dự án điện gió, ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo cho rằng, “Trong trường hợp bất khả kháng, ngoài tầm kiểm soát, cần phải có sự hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư, như Nhà nước gia hạn giá FIT, đề ra cơ chế cho nhà đầu tư an tâm. Bởi vì đầu tư cho năng lượng gió rất lớn, không được đấu nối phát điện thì lãng phí, gây thiệt hại với cả nhà đầu tư lẫn nền kinh tế, xã hội. Hiện nay nhiều đề xuất đưa ra nhưng làm thế nào vẫn chưa rõ. Nhà đầu tư bất an, lo lắng vì phát sinh những việc ngoài tầm kiểm soát…”.

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận nhận định, nếu không gia hạn giá FIT theo Quyết định 39, khoảng 50% các dự án điện có thể không đáp ứng được điều kiện để hòa lưới, kéo theo rất nhiều hệ lụy từ vỡ phương án tài chính, công ty phá sản vì không có nguồn thu, không có tiền trả ngân hàng và các nguy cơ khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Ông Hoàng Giang - Tổng Giám đốc Điện gió Sunpro Bến Tre cũng kiến nghị, doanh nghiệp đầu tư vào dự án cả nghìn tỷ đồng, giờ tiền nằm chết ở đó. Các nhà đầu tư điện gió thực tế đối mặt nguy cơ phá sản nếu không được Chính phủ ban hành chính sách cấp cứu kịp thời.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí về đề xuất sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời, nối lưới đối với các dự án điện mặt trời vận hành thương mại sau ngày 1/10/2021 cũng như chủ trương kéo dài thời gian về cơ chế hưởng giá điện gió theo Quyết định số 39 của Thủ tướng đến hết ngày 31/3/2022. Đây là những vấn đề lớn đã được nêu tại Nghị quyết số 31 của Quốc hội và Nghị quyết số 115 của Chính phủ, đồng thời xuất phát từ thực tiễn của địa phương, một số vấn đề do vướng mắc chung như chính sách về giá điện năng lượng tái tạo.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị Chính phủ nghiên cứu để gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành được do tác động của dịch bệnh Covid-19. Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, đây cũng có thể xem là một trong những giải pháp trong kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, đặt trong bối cảnh như thế để chúng ta tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Cơ chế nào cho hàng nghìn tỷ đồng đầu tư các dự án điện gió đang 'đắp chiếu'? - Ảnh 2
TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE), nguyên Chủ nhiệm khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE), nguyên Chủ nhiệm khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, hiện nay, việc chuyển hướng từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo là một xu thế tất yếu trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Việc chuyển đổi năng lượng này sẽ làm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và bảo vệ môi trường, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch.

Điểm nhấn trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII là giảm điện than; phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Trong đó, điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới.

Để các dự án điện gió đi vào vận hành, cần đáp ứng đủ 2 bước. Thứ nhất, Bộ Công Thương phải công nhận những vấn đề đầu tư phù hợp. Bởi đa số tất cả các dự án nhà máy điện gió đều đã xin cấp phép đầu tư từ địa phương và Bộ Công Thương nhưng lại bị chậm tiến độ để được hưởng giá FIT ưu đãi. Do đó, Bộ Công Thương cần sớm điều chỉnh, hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII, để lấy đc nguồn đầu tư xã hội cho các dự án điện gió này.

Thứ hai, đối với các dự án đã được công nhận vận hành thương mại COD, cần tiến hành đấu nối đường dây tải điện quốc gia, trạm biến thế. Tương tự, Bộ Công Thương phải là đơn vị chuyên trách giải quyết vấn đề này.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cơ chế nào cho hàng nghìn tỷ đồng đầu tư các dự án điện gió đang 'đắp chiếu'?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới