Chủ nhật, 24/11/2024 06:31 (GMT+7)
Thứ ba, 17/11/2020 14:15 (GMT+7)

Cổ phiếu ngành điện: Cơ hội có nhưng không dễ nắm bắt

Theo dõi KTMT trên

Nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh được cho là sẽ giúp tất cả các nhà máy điện hưởng lợi, nhưng việc nắm bắt cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngành điện là không dễ dàng.

Cổ phiếu ngành điện: Cơ hội có nhưng không dễ nắm bắt - Ảnh 1
Các tua bin điện gió của Nhà máy điện gió Bạc Liêu. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN )

Nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh được cho là sẽ giúp tất cả các nhà máy điện hưởng lợi. Dù vậy, việc phát triển nguồn cung điện đang gặp nhiều khó khăn, sản lượng điện của doanh nghiệp thủy điện, điện gió, điện mặt trời phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết, trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp điện than, điện khí chịu tác động của giá nhiên liệu. Vì vậy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp rất khác nhau và cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngành điện là có nhưng không dễ nắm bắt.

Cung không theo kịp cầu

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam - VietinBank Securities (mã chứng khoán: CTS), Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện ngày càng gia tăng do nhu cầu điện tăng cao trong các năm tới (đỉnh điểm là năm 2023) vượt quá khả năng sản xuất. Chung quan điểm, Công ty cổ phần Chứng khoán FPT – FPTS nhận định, nhu cầu tiêu thụ điện được dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong dài hạn.

Theo số liệu của Viện Năng lượng ngày 8/7/2020 tại Hội thảo lần 1 “Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045” (Quy hoạch điện VIII), nhu cầu tiêu thụ điện dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình 8%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

Động lực tăng trưởng chính trong thời gian tới vẫn sẽ đến từ sự tăng trưởng của các ngành sản xuất công nghiệp và tốc độ đô thị hóa nhanh trên toàn cả nước. FPTS cho biết, tại Việt Nam có ba loại hình phát điện quan trọng là thủy điện, nhiệt điện than và nhiệt điện khí; trong đó, thủy điện đang là loại hình phát điện có công suất lớn nhất, chiếm 37% tổng công suất toàn hệ thống, nhiệt điện than và nhiệt điện khí chiếm lần lượt 36% và 13% tổng công suất. Thủy điện được cho là không còn nhiều tiềm năng phát triển. Trong giai đoạn 2010 - 2019, Việt Nam ưu tiên phát triển nguồn thủy điện.

Tổng công suất thủy điện đã tăng từ hơn 8.000 MW năm 2010 lên hơn 20.000 MW năm 2019. Tuy nhiên, tiềm năng thủy điện tại Việt Nam gần như đã bị khai thác cạn kiệt và không còn nhiều dự án thủy điện lớn có thể được xây dựng nữa. Giai đoạn 2020 - 2030, Việt Nam sẽ chủ yếu tập trung phát triển nguồn nhiệt điện than. Cụ thể, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Chính phủ phê duyệt năm 2016, công suất nhiệt điện than sẽ đạt 47.575 MW năm 2025, gấp 2,4 lần so với năm 2019 và chiếm 49% tổng công suất điện toàn hệ thống.

Dù vậy, việc phát triển nhiệt điện than đang gặp khó khăn do nhiều địa phương không đồng thuận việc xây dựng nhà máy nhiệt điện than vì những lo ngại về ô nhiễm môi trường. Nhiệt điện khí đang phải chờ xây dựng cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG). Do sản lượng khí khai thác trong nước đang suy giảm, các nhà máy nhiệt điện khí mới sẽ phải sử dụng nguồn nhiên liệu là khí hóa lỏng nhập khẩu.

Việt Nam chưa từng nhập khẩu LNG trong quá khứ và việc nhập khẩu LNG yêu cầu phải xây dựng một chuỗi hạ tầng bao gồm cảng tiếp nhận, bồn chứa, cơ sở tái hóa khí và hệ thống đường ống dẫn khí. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kể trên đòi hỏi thời gian dài và chi phí tương đối cao. Nguồn cung điện có nguy cơ bị thiếu hụt do các dự án nguồn điện lớn chậm tiến độ.

Cũng theo Quy hoạch điện VII Điều chỉnh, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện đang tiếp tục tăng cao, tổng công suất hệ thống điện phải đạt 60.000 MW năm 2020 và đạt 96.500 MW vào năm 2025. Tuy nhiên, theo kết quả rà soát của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng công suất điện có thể đưa vào vận hành chỉ đạt 15.500/21.650 MW (72%). Hầu hết các dự án điện lớn trong quy hoạch đều đang chậm tiến độ từ 1 - 3 năm. Năng lượng tái tạo được thúc đẩy phát triển, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Do việc quy hoạch nguồn điện gặp nhiều vấn đề, đồng thời nhiều dự án lớn đang chậm tiến độ, các nguồn điện năng lượng tái tạo đã được thúc đẩy phát triển để bù đắp thiếu hụt và đảm bảo an ninh năng lượng. Công suất điện năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) đến hết năm 2019 đạt 5.235 MW; trong đó, điện mặt trời đạt 4.858 MW, vượt xa mục tiêu 850 MW trước năm 2020 theo Quy hoạch điện VII Điều chỉnh. Việc phát triển quá nhanh các dự án năng lượng tái tạo trong khi hạ tầng truyền tải không thể phát triển theo kịp đã gây ra tình trạng tắc nghẽn đường dây truyền tải và không thể giải tỏa hết được công suất điện của các dự án. Hơn nữa, do công suất biến động mạnh và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên các nguồn năng lượng tái tạo khó có thể thay thế hoàn toàn được các loại hình nguồn điện nền (thủy điện, nhiệt điện) mà chỉ là giải pháp bù đắp thiếu hụt tạm thời. Nhu cầu sử dụng điện tăng cao, trong khi việc phát triển nguồn cung điện gặp nhiều khó khăn đang khiến Việt Nam có thể phải đối diện với nguy cơ thiếu điện ngày càng gia tăng. Theo dự báo của VietinBank Securities công suất điện trong Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình hàng năm 10,5% từ năm 2020 đến năm 2030. Sản lượng điện thiếu hụt sẽ lên đỉnh vào năm 2023 và giảm dần sau đó khi các nguồn phát lớn đi vào hoạt động.

Khó nắm bắt cơ hội

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu tiêu thụ điện quý III tăng do các hoạt động kinh tế - xã hội phục hồi, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 66 tỉ kWh, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, tổng sản lượng điện đạt 185,37 tỉ kWh, tăng 2,68%. Thủy điện có giá bán rẻ nhất trong cơ cấu huy động của EVN nên có lợi thế trong thị trường phát điện cạnh tranh. Với điều kiện thủy văn thuận lợi, số ngày mưa nhiều hơn, sản lượng huy động từ thủy điện trong quý III đạt 26,83 tỉ kWh, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng năm 2020 chỉ còn giảm 7% ghi nhận 48,38 tỉ kWh.

Thực tế, tình hình thời tiết thuận lợi, nhiều doanh nghiệp thủy điện công bố kết quả kinh doanh với doanh thu và lợi nhuận quý III đột biến so với cùng kỳ năm trước. Có thể kể đến trường hợp Công ty Thủy điện A Vương (mã chứng khoán: AVC) nhờ lưu lượng nước về nhiều nên sản lượng điện cao dẫn đến doanh thu thuần đạt 150,7 tỉ đồng, tăng 77,5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 70,35 tỉ đồng, gấp 4,6 lần quý III/2019. Trong 3 quý năm 2020, công ty lãi 53 tỉ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Dù có kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc, nhưng cổ phiếu AVC có giá gần như không thay đổi kể từ đầu năm đến nay. Tương tự, Công ty cổ phần Sông Ba (mã chứng khoán: SBA) có doanh thu thuần đạt 73,4 tỉ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế hơn 32 tỉ đồng, gấp 6,2 lần cùng kỳ. Dù vậy, do kết quả thấp của 2 quý đầu năm nên trong 3 quý năm 2020, công ty chỉ đạt 138,3 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 17% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế giảm 39% xuống 41 tỉ đồng.

Cổ phiếu ngành điện: Cơ hội có nhưng không dễ nắm bắt - Ảnh 2
Thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) xả nước. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Theo dõi diễn biến cổ phiếu SBA trên sàn có thể nhận thấy, cổ phiếu này dường như không có phản ứng nhiều với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. SBA vẫn “loanh quanh” trong vùng giá từ 15.000 – 16.000 đồng/cổ phiếu kể từ đầu năm. Đối với các doanh nghiệp nhiệt điện trên sàn thì Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND) là quán quân về lợi nhuận. Theo đó, quý III/2020 doanh nghiệp lãi gần 175 tỉ đồng, nâng tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng lên trên 920 tỉ đồng.

So với quý III năm ngoái, Nhiệt điện Hải Phòng đã đạt mức tăng trưởng 88% về lợi nhuận. Trên thị trường chứng khoán, Cổ phiếu HND kết thúc phiên giao dịch ngày 12/11 có giá 17.900 đồng/cổ phiếu, tăng gần 42% kể từ đầu năm. Khác với hầu hết các nhà máy nhiệt điện, lợi nhuận của HND vẫn tăng trưởng trong những tháng mưa nhiều, thị trường điện không có lợi cho nhóm nhiệt điện.

Tuy nhiên, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt - VCSC, tình hình thủy văn năm 2021 được dự báo không mấy thuận lợi cho các nhà máy nhiệt điện nói chung và một số lợi thế về giá bán điện của HND cũng không còn được duy trì. Ở chiều ngược lại, Công ty cổ phần Nhiệt điện Cẩm Phả (mã chứng khoán: NCP) có doanh thu quý III/2020 tăng 34% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn tiếp tục lỗ gần 53 tỉ đồng. Số lỗ này được ghi nhận đã giảm so với con số hơn 115 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 9 tháng năm 2020, doanh thu công ty nhiệt điện này đạt 3.097 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế âm 116,2 tỉ đồng, con số này tăng mạnh so với số lỗ hơn 79,7 tỉ đồng cùng kỳ năm trước.

Tính đến thời điểm hết tháng 9/2020, số lỗ lũy kế của NCP đã lên tới 1.189 tỉ đồng.  Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NCP lại tăng tới hơn 17,6% kể từ đầu năm. Như vậy có thể nhận thấy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp điện là rất khác biệt và giá cổ phiếu điện cũng khó đoán định.

Với sự thiếu hụt trầm trọng sản lượng điện, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện có nhiều cơ hội để tham gia thị trường, nhưng cơ hội là không chia đều và việc nắm bắt được cơ hội đề đầu tư vào cổ phiếu ngành điện là không dễ dàng.

Phạm Văn Giáp

Bạn đang đọc bài viết Cổ phiếu ngành điện: Cơ hội có nhưng không dễ nắm bắt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới