Chủ nhật, 24/11/2024 06:33 (GMT+7)
Thứ bảy, 31/10/2020 12:08 (GMT+7)

Cơn khát thủy điện: Được và mất

Theo dõi KTMT trên

Với lợi thế về địa hình, nhiều sông suối, độ dốc cao… những năm qua, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã coi thủy điện là “con gà đẻ trứng vàng”. Nhưng, những hệ lụy mà thủy điện mang lại không ai có thể lường trước được.

Thủy điện hết thời “con gà đẻ trứng vàng”

Những năm qua, thủy điện đã góp phần không nhỏ vào sản lượng năng lượng quốc gia. Nhưng sau gần chục năm trải thảm đỏ thu hút đầu tư, giờ đây, một số tỉnh đi đầu trong “phong trào phát triển năng lượng” ở miền Bắc như Hà Giang, Cao Bằng hay các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên là Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Gia Lai,… đã và đang phải hứng chịu hàng loạt hệ lụy: Mất rừng, dự án xây dựng dở dang, sông suối cạn trơ đáy, suy giảm lượng phù sa, mưa lũ, sạt lở đất,…

Tại Hội thảo "Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường các dự án thủy điện một số tỉnh miền núi phía Bắc" diễn ra hồi giữa tháng 10 vừa qua, Ths. Nguyễn Tuấn Cường, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết: Ở các tỉnh miền núi phía Bắc có 491 dự án thủy điện trong quy hoạch với tổng công suất 13.720 MW, chiếm 49% tổng công suất cả nước.

Cùng với các dự án thuỷ điện lớn như Thác Bà, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Tuyên Quang, Nậm Chiến, có 194 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã hoàn thành và đi vào vận hành với tổng công suất 9.585 MW, chiếm 70% tổng công suất đã quy hoạch, góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế của các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh nghèo, có tỉ trọng công nghiệp thấp.

Trong đó, Lào Cai được nhắc đến là một địa phương có tốc độ phát triển nóng về thủy điện. Theo ngành Công Thương tỉnh Lào Cai, hiện toàn tỉnh có 99 công trình thủy điện vừa và nhỏ đã được phê duyệt với tổng công suất gần 1.300MW. UBND tỉnh Lào Cai đã chấp thuận chủ trương cho 46 nhà đầu tư khảo sát, lập dự án đầu tư. Trong đó, có 51 dự án đã hoàn thành, các dự án khác đang khảo sát, thi công. Mỗi năm nhà máy thủy điện nộp ngân sách gần 800 tỉ đồng.

Tỉnh Lai Châu có 103 dự án thủy điện đã được quy hoạch, trong đó có 7 dự án có ảnh hưởng đến rừng tự nhiên.

Cơn khát thủy điện: Được và mất - Ảnh 1
Thủy điện góp phần không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều tỉnh vùng núi phía Bắc. (Ảnh: Internet)

Tỉnh Sơn La có 65 thủy điện nhỏ đã được phê duyệt quy hoạch, trong đó 47 dự án đã phát điện. Tỉnh Sơn La cũng đã lập quy hoạch trình Bộ Công thương phê duyệt 22 dự án.

Thế nhưng, do quá trình xây dựng tàn phá rừng, ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên nước, góp phần vào biến đổi khí hậu, không ít nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tại các tỉnh vùng núi phía Bắc đang gặp khó khăn.

Nhiều nhà máy mùa khô đầu năm 2020 chỉ phát điện được 30% công suất.  Công suất điện sụt giảm, nợ đọng thuế, ngân hàng… là những  gì các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ phải đối mặt.

Những con sông oằn mình “gánh” thủy điện

Theo kết quả khảo sát, điều tra về hồ chứa, đập và đập thủy điện tại 10 dòng sông lớn của Việt Nam những năm gần đây của tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho thấy, các hệ thống sông như sông Hồng – sông Thái Bình, sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Ba, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Sêrêpôk, sông Sê San… đang có rất nhiều đập và đập thủy điện lớn nhỏ.

Cùng với công trình thuỷ nông, hồ chứa; hệ thống sông ngòi lớn của Việt Nam đang phải oằn mình gánh trên 500 công trình thủy điện lớn nhỏ.

Tại Thừa Thiên Huế hiện có hơn chục dự án thủy điện nhỏ được cấp phép đầu tư xây dựng theo thiết kế bậc thang.

Riêng sông Rào Trăng có chiều dài khoảng 26 km nhưng đã có tới 4 dự án thủy điện với 4 bậc, tổng công suất lắp máy là 89MW đang xây dựng, sắp hoàn thành và đã đi vào hoạt động gồm: Thủy điện A Lin B1 (42MW); A lin B2 (20MW); Rào Trăng 3 (13MW) và Rào Trăng 4 (14MW). Như vậy, trung bình cứ 6,5km sông Rào Trăng lại bị chia cắt bởi một công trình thủy điện.

Ở Nghệ An, dọc tuyến sông Lam, đoạn thượng nguồn bắt đầu từ các con suối bị chặn bởi chi chít thủy điện lớn nhỏ.

Cụ thể, đoạn qua địa phận huyện Tương Dương có 4 nhà máy thủy điện, bao gồm: Nhà máy thủy điện Bản Vẽ, công suất 320MW; Nhà máy thủy điện Khe Bố, công suất 100MW; Nhà máy thủy điện Nậm Nơn ở xã Lượng Minh công suất 20MW; Nhà máy thủy điện Bản Ang, ở xã Xá Lượng với công suất 17MW.

Cơn khát thủy điện: Được và mất - Ảnh 2
Nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Nghệ An. (Ảnh: Internet)

Tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều thủy điện. Tính đến năm 2020, tỉnh có 10 thủy điện lớn trên thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn đang hoạt động và đang xây dựng sắp đưa vào hoạt động với năng lực phát điện gần 1.200 kW. Bên cạnh đó, Quảng Nam còn có 36 thủy điện vừa và nhỏ. Các thủy điện này đã đi vào vận hành, đang trong quá trình triển khai và cũng sẽ đưa vào vận hành trong thời gian sắp tới với công suất phát điện 565 kW.

“36 thủy điện nhỏ này đã được HĐND tỉnh rà soát so với quy hoạch trước đây là 42 thủy điện dựa trên đánh giá tác động, hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội, môi trường để điều chỉnh. Quảng Nam không phát triển thêm thủy điện nào ngoài các thủy điện này” - ông Thanh khẳng định.

Còn tại Bình Định, Sở Công Thương tỉnh cho biết theo quy hoạch, trên sông Kôn đoạn qua tỉnh Bình Định có đến 14 nhà máy thủy điện với tổng công suất hơn 312 MW.

Những bất an đã có từ lâu

Nhìn lại những gì đang xảy ra ở miền Trung, nhiều chuyên gia lý giải nguyên nhân chính là do thiên tai, thời tiết ngày càng cực đoan nhưng cũng có ý kiến cho rằng, có phần trách nhiệm của các công trình thủy điện nhỏ.

Có thể thấy, chúng ta đang phải đánh đổi nhiều để có thể sở hữu một dự án thủy điện. Song, đó chỉ là một khía cạnh, thiệt hại lớn hơn cả chính là sự mất an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng con người từ các dự án thủy điện.

Những bất an về thủy điện đã được đặt ra từ lâu, và đều gây tranh cãi. Khi Quốc hội thảo luận về phương án xây dựng thủy điện Sơn La tháng 12/2002, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội Nguyễn Văn Khá từng đưa ra một nghi vấn chấn động: “Nếu đập Sơn La vỡ, chiếc xe tăng 4 tấn ở Sơn Tây sẽ bị thổi bay như lá vàng. Sau 30 phút, toàn đồng bằng Bắc Bộ chìm sâu 4-60 m, cướp đi sinh mạng 15 triệu người”.

Cơn khát thủy điện: Được và mất - Ảnh 3
Nhà máy thủy điện Sơn La.

Cảnh báo đó đã gây nên tranh luận, thậm chí bất an suốt nhiều năm sau đó.

Gần đây, trong cuộc phỏng vấn với Tuần Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Năng lượng Thái Phụng Nê nói: “Điều đó là rất vô lý”. Ông giải thích: Tất cả các đập thủy điện lớn nhỏ đều phải được thiết kế theo tiêu chuẩn, quy định rất nghiêm ngặt của Nhà nước.

Hàng năm trước mùa lũ các công trình thủy điện như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu phải kiểm tra các thiết bị đóng mở, mở ra đóng lại từng cái một để xem có gì nghi ngờ không, có gì phải khắc phục ngay. Tất cả thông tin thu được phải trình ngay cho Hội đồng Khoa học Nhà nước về an toàn đập.

Thủy điện có gây ra lũ?

Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của thủy điện trong hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, trước và trong mỗi mùa mưa bão, lũ lụt, câu hỏi “thủy điện có gây lũ chồng lũ khiến người dân trở tay không kịp” lại được đặt ra.

“Tôi không đồng tình khi ai đó nói thủy điện gây ra lũ chồng lũ”, TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc công ty năng lượng Sông Hồng chia sẻ với tờ VietnamNet. “Từ thời Tần Thủy Hoàng, Trung Quốc đã trị thủy bằng việc đào các hồ. Còn thời nay, ngoài hồ thủy lợi thì còn có hồ thủy điện”, ông nói.

“Cho nên các hồ thủy điện là có lợi. Chẳng hạn với hồ thủy điện Hòa Bình, công trình ấy mục tiêu đặt ra là công trình đầu mối thủy lợi, tức ưu tiên cho thủy lợi, nhằm mục đích thủy lợi trước chứ không phải điện”, ông Nguyễn Thành Sơn kể.

Dù khẳng định lũ lụt không phải do thủy điện, ông Nguyễn Thành Sơn cũng phải nhắc đến một khía cạnh khác. Đó là vấn đề điều tiết của con người.

Cơn khát thủy điện: Được và mất - Ảnh 4
Nhiều người cho rằng, thủy điện là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt ở miền Trung trong những ngày qua. (Ảnh: VNE)

Tại buổi tọa đàm “Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt” diễn ra sáng 30/10, PGS. TS. Vũ Thanh Ca, giảng viên Đại học Tài nguyên và Môi trường đưa ra quan điểm: “Nhiều người nói thuỷ điện là nguyên nhân khiến tình trạng lũ thêm trầm trọng, song, đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện, lũ cao hơn rất nhiều”.

Theo ông Ca, báo cáo của Nhóm công tác châu Âu về đập và lũ lụt đưa ra khẳng định, các đập thủy điện, thủy lợi giúp giảm nhẹ lũ lụt. Thậm chí, các hồ lớn, dự báo tốt có thể xả nước trước khi lũ lụt sẽ giúp giảm rất nhiều nguy cơ lũ lụt ở hạ du. Thủy điện ở Việt Nam mới chiếm tỉ lệ còn ít, như Na Uy, thủy điện tới hơn 90%, New zealand tới 75%...

Nói rõ hơn về quy trình vận hành của các đập thủy điện cũng như đặt vấn đề: Liệu thủy điện có phải là nguyên nhân gây thêm lũ? Ông Ca phân tích, khi mưa về, hồ xả nước tới mức đón lũ. Nước trong hồ dâng lên vượt một mức nào đó thì hồ bắt đầu xả nước để giảm tốc độ nước trong hồ. Khi mực nước trong hồ đạt tới ngưỡng thứ 2, hồ xả nước với lưu lượng bằng lưu lượng nước về hồ. Lúc đó có hay không có thủy điện, lượng nước về hạ lưu vẫn thế. Thủy điện không xả quá lượng nước về vì nó vẫn cần tích nước phục vụ phát điện.

Vẫn theo ông Ca, nước trong hồ là tài sản của các công trình thuỷ điện. Mưa lớn thì bắt buộc phải xả nước ra, nhưng xả nhiều nhất cũng chỉ bằng mức lũ về. 

“Thủy điện không thể xả quá lượng nước đổ về vì nó vẫn cần tích nước phục vụ phát điện. Nước trong hồ là tài sản, là tiền nên không có chuyện các nhà quản lý nhà máy xả bừa bãi để gây ngập lụt ở hạ du. Do vậy, nói các hồ xả lũ gây ngập lụt trong thời gian vừa qua là cũng không đúng”, ông Ca nói đồng thời nhấn mạnh: “Theo đánh giá của các tổ chức ở các nước phát triển, không báo cáo nào chỉ ra tác hại của thuỷ điện là gây lũ lụt”.

Cơn khát thủy điện: Được và mất - Ảnh 5
Nhiều diện tích rừng bị tàn phá để làm thủy điện. (Đại công trường dự án thủy điện Bản Hồ không phép ở Lào Cai). (Ảnh: Báo Nông nghiệp VN)

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, vị chuyên gia này không phủ nhận những hoạt động gây ra tác động xấu đến môi trường, làm ảnh hưởng cấu trúc địa chất khi thực thi một dự án thủy điện, đó là thực trạng lợi dụng phá rừng lấy gỗ, việc đào đất làm hồ…

Và đó là lý do ông không ủng hộ việc phát triển nhiều thủy điện, thay vào đó cần  phát triển các dạng năng lượng khác. “Khi phát triển bất kỳ một dự án thuỷ điện nào, cũng cần hết sức thận trọng trong thiết kế thi công, đánh giá tác động môi trường” – vị chuyên gia nêu quan điểm.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, từ khi có Luật Bảo vệ rừng 2006, doanh nghiệp khi xây dựng công trình, dự án thủy điện làm mất 1 m2 rừng thì phải trồng bù lại 1 m2. Từ 2016 đến nay, các dự án có liên quan đến rừng tự nhiên, Bộ sẽ không cho vào thực hiện quy hoạch.

Ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, sắp tới, Bộ sẽ yêu cầu các tỉnh rà soát, đánh giá lại các dự án thủy điện trên địa bàn xem có vấn đề gì không sau đợt lũ lụt cực đoan vừa rồi để kế hoạch phát triển về sau.

Bảo My

Bạn đang đọc bài viết Cơn khát thủy điện: Được và mất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới