Chủ nhật, 24/11/2024 06:26 (GMT+7)
Thứ tư, 29/04/2020 14:48 (GMT+7)

CPI tháng Tư giảm 1,54% chủ yếu do giá dầu quốc tế lao dốc

Theo dõi KTMT trên

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết việc giá xăng dầu giảm mạnh cùng với giá nhiều mặt hàng phi lương thực, thực phẩm giảm là những nguyên nhân chính tác động đến CPI.

CPI tháng Tư giảm 1,54% chủ yếu do giá dầu quốc tế lao dốc - Ảnh 1
Giá thịt lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc giao động từ 83.000-95.000 đồng/kg. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng Tư đã giảm 1,54% so với tháng Ba đồng thời giảm 1,21% so với tháng 12/2019 và tăng 2,93% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, bình quân bốn tháng CPI tăng 4,9% so với cùng kỳ. Theo đó, lạm phát cơ bản bốn tháng tăng 2,96% so với cùng kỳ năm 2019.

Chỉ số giá 6/11 nhóm hàng hóa giảm

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá chỉ ra những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến CPI trong tháng, giá dầu Brent giảm kỷ lục trong vòng 21 năm kể từ năm 1999, thêm vào đó giá dầu WTI lần đầu tiên lập kỷ lục rơi xuống ngưỡng âm. Ở trong nước, người tiêu dùng thời điểm thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 cũng chỉ ưu tiên mua các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến sức khỏe.

“Việc giá xăng dầu giảm mạnh cùng với giá nhiều mặt hàng phi lương thực, thực phẩm giảm là những nguyên nhân chính tác động đến CPI,” bà Ngọc cho biết.

Trong rổ hàng hóa tính CPI, chỉ số giá 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã giảm so với tháng Ba. Cụ thể, nhóm giao thông giảm 13,86%, nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 2,33%, văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,4%, hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,13%, may mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,17% và bưu chính viễn thông giảm 0,02%. Tuy nhiên có 4 nhóm tăng giá, bao gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,66%, đồ uống và thuốc lá tăng 0,13%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%. Riêng, nhóm giáo dục không thay đổi.

Báo cáo chỉ ra CPI khu vực nông thôn trong tháng giảm 1,63% và khu vực thành thị giảm 1,45% so với tháng trước.

Cụ thể, bà Ngọc cho biết tại khu vực nông thôn, chỉ số giá nhóm giao thông giảm 14,55% và thấp hơn mức giảm 13,2% của khu vực thành thị, do tỷ trọng sử dụng xăng dầu so với tổng chi tiêu chung của khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị. Bên cạnh đó, giá thực phẩm khu vực nông thôn có mức tăng 0,48% và thấp hơn mức tăng 0,78% của khu vực thành thị, bởi người dân nông có thể tự sản xuất thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày nên mức giá không tăng cao như khu vực thành thị.

CPI tháng Tư giảm 1,54% chủ yếu do giá dầu quốc tế lao dốc - Ảnh 2
(Nguồn: TCTTK)

Ảnh hưởng của dịchCovid-19

Trên thị trường lương thực, thực phẩm, chỉ số giá gạo cả nước tháng Tư bất ngờ tăng 2,51% so với tháng trước đó, trong đó chỉ số giá gạo khu vực thành thị tăng 2,18%, khu vực nông thôn tăng 2,73%.

Bà Ngọc cho hay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động đến tâm lý người dân với nhu cầu dự trữ gạo gia tăng. Thêm vào đó, giá gạoxuất khẩu của Việt Nam cũngtăng theo đà tăng của thị trường thế giới, khi Ấn Độ và Thái Lan giảm mạnh hoạt động xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước làm cho nguồn cung gạo trên thế giới giảm, đẩy giá gạo thế giới tăng.

Tại miền Bắc, giá gạo tẻ thường giao động ở mức 12.800-14.000 đồng/kg. Tại miền Nam, gạo tẻ thường IR504 giá phổ biến 11.500-12.800 đồng/kg, gạo tẻ thường IR74 giá 11.500-12.500 đồng/kg, gạo tẻ ngon Nàng thơm chợ Đào giá từ 14.000-16.000 đồng/kg và giá gạo nếp dao động từ 23.500-30.000 đồng/kg.

Về thực phẩm, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội, người dân hạn chế tối đa ra ngoài vì vậy nhu cầu dự trữ hàng hóa và ăn uống tại các gia đình nhiều hơn. Vì vậy, nhu cầu thực phẩm thiết yếu, rau, quả tươi, sữa, các thực phẩm chế biến từ sữa, thực phẩm chế biễn sẵn, thực phẩm đông lạnh tăng cao làm cho giá một số mặt hàng thực phẩm tăng cao hơn tháng Ba. Theo đó, chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,62%, cụ thể khu vực thành thị tăng 0,78%, khu vực nông thôn tăng 0,48%.

Trên thị trường, giá thịt lợn tăng 1,62% so với tháng Ba, trong đó khu vực thành thị tăng 2,25%; khu vực nông thôn tăng 1,28%.

“Nhu cầu tiêu dùng trong thời gian giãn cách xã hội của người dân tăng cao trong khi nguồn cung chưa đảm bảo. Hiện, giá thịt lợn bán lẻ vẫn ở mức cao. Thậm chí trong những ngày giữa tháng Tư, giá thịt lợn có xu hướng tăng trở lại tại nhiều địa phương từ 2.000-8.000 đồng/kg. Cụ thể, giá thịt lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc giao động từ 83.000-95.000 đồng/kg, giá tại miền Trung và Tây Nguyên giao động từ 75.000-85.000 đồng/kg và tại miền Nam, giá tăng chủ yếu tại các tỉnh miền Tây giao động từ 77.000-85.000 đồng/kg,” bà Ngọc chia sẻ.

Như vậy, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng Tư giảm 0,15% so với tháng Ba, tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2019 và 4 tháng của so với cùng kỳ chỉ tăng 2,96%.

Cũng theo bà Ngọc, bình quân bốn tháng lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do các yếu tố phi tiền tệ như giá lương thực, thực phẩm, giá một số dịch vụ tăng so với cùng kỳ năm trước.

Hạnh Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết CPI tháng Tư giảm 1,54% chủ yếu do giá dầu quốc tế lao dốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới