Chủ nhật, 24/11/2024 06:49 (GMT+7)
Thứ ba, 09/07/2019 06:59 (GMT+7)

Cuộc sống địa ngục trần gian ở “Thành phố nhựa” châu Á

Theo dõi KTMT trên

Valenzuela (Philippine) được mệnh danh là "Thành phố nhựa". Ngày ngày, người dân nơi đây phải sống chung với thứ khói hôi hám, độc hại do những nhà máy tái chế nhựa trong khu vực thải ra.

Valenzuela là thành phố cấu thành nên vùng thủ đô Manila (Metro Manila, Philippine). Nơi đây được mệnh danh là “Thành phố nhựa”, quanh năm suốt tháng bị bao phủ bởi làn khói dày đặc, hôi hám và độc hại được thải ra từ những nhà máy tái chế nhựa trong khu vực.

Cuộc sống địa ngục trần gian ở “Thành phố nhựa” châu Á - Ảnh 1
Người dân sống trong những căn nhà lụp xụp, chen giữa các nhà máy tái chế nhựa. Ảnh: The Guardian.

Trong những căn nhà “ổ chuột” lụp xụp, chen chúc giữa các nhà máy khổng lồ phát thải liên tục, người dân sống trong cảnh khổ sở: “ăn cùng khói, ngủ cùng khói”. Càng về đêm, khói càng dày đặc. Họ đóng chặt cửa, chùm kín chăn vẫn không thoát khỏi sự “săn đuổi” của thứ khói quái gở ấy. Nhiều người mắc chứng ho, viêm đường hô hấp kéo dài… Cô bé Chaial Marcaida 5 tuổi sống cách nhà máy tái chế nhựa chưa đầy 100 mét, đã được chẩn đoán viêm phổi 3 lần chỉ trong vòng vài tháng qua.

Cuộc sống địa ngục trần gian ở “Thành phố nhựa” châu Á - Ảnh 2
Cô bé Chaial Marcaida 5 tuổi được chẩn đoán viêm phổi 3 lần chỉ trong vòng vài tháng. Ảnh: The Guardian.

Ông Benjamin Lopez, một người dân 50 tuổi của “Thành phố nhựa” cho biết: “Mùi nhựa cháy thật kinh khủng. Nó đánh thức chúng tôi dậy lúc 2 giờ sáng. Việc xịt nước hoa trong phòng chỉ làm cho không khí thêm ngột ngạt hơn. Thuốc chống kích ứng họng giờ đây cần thiết như nước uống, luôn được các gia đình chuẩn bị sẵn.”

Trước tình trạng trên, người dân Valenzuela nhiều lần lên tiếng tố cáo những doanh nghiệp tái chế rác thải, yêu cầu họ cần có trách nhiệm với những chứng bệnh hô hấp đang ngày càng lan rộng trong thành phố. Tuy nhiên, các chủ sở hữu đều ra sức “chối bay chối biến”.

Vào ngày 1/7, ông Mario San Andres – một trong những lãnh đạo của Valenzuela, đã thay mặt người dân đưa ra “tối hậu thư”. Theo đó, nếu các công ty tái chế không chịu trách nhiệm về tình trạng ô nhiễm không khí và bệnh tật tại địa phương, người dân sẽ khiếu nại lên các cấp chính quyền cao hơn cho đến khi họ bị tước giấy phép kinh doanh.

Cuộc sống địa ngục trần gian ở “Thành phố nhựa” châu Á - Ảnh 3
Rác thải nhựa vây lấy cuộc sống của người dân Valenzuela. Ảnh: The Guardian.

Trước cáo buộc, các công ty tái chế đã lên tiếng thanh minh. Họ cho rằng công việc mà họ đang làm là hoàn toàn hợp pháp và “tốt cho môi trường”, nhất là khi chính phủ chấp nhận nhập khẩu rác từ các nước phát triển.

Ông Sherwin Koa – Lãnh đảo của Công ty tái chế rác Citipoly Industries giãi bày: “Tôi biết rằng công việc của chúng tôi đang gây ra một số vấn đề nhất định. Nhưng những mặt tích cực của việc tái chế cũng cần được ghi nhận. Chúng tôi cũng đang đóng góp cho xã hội như bất cứ doanh nghiệp nào khác.”

Ông Wilson Uy – Giám đốc nhà máy tái chế STC cũng cho biết, STC chỉ tái chế nhựa từ địa phương. “Chúng tôi cũng là người dân ở đây và cũng coi trọng cuộc sống của mình. Tôi tin rằng STC không gây ra bất cứ vấn đề gì.”, ông Uy khẳng định.

Cuộc sống địa ngục trần gian ở “Thành phố nhựa” châu Á - Ảnh 4
Trẻ em nơi đây lấy rác thải nhựa làm đồ chơi. Ảnh: The Guardian.

Nhận thấy tình hình ngày càng phức tạp, cán bộ địa phương đã triển khai kiểm tra các công ty tái chế về việc tuân thủ các điều luật về môi trường và đảm bảo hệ thống kiểm soát ô nhiễm đúng tiêu chuẩn.

Ông Rex Gatchalian – thị trưởng thành phố Valenzuela cho biết: “Phần lớn chất thải nhựa đang tái chế trong các nhà máy được nhập khẩu từ quốc gia khác. Tôi nghĩ rằng nước chúng tôi đã có quá đủ chất thải để xử lý rồi, không cần nước ngoài gửi thêm nữa".

Theo nhiều nhà hoạt động vì môi trường, thành phố Valenzuela chính là mô hình thu nhỏ của toàn cộng đồng Đông Nam Á – nơi đã và đang trở thành bãi rác lớn nhất thế giới. Hồi tháng 5, Philippine đã trả lại 1.500 tấn rác cho Canada sau khi phát hiện nước này gửi tới cả những loại rác thải không thể tái chế, bao gồm băng vệ sinh, tã lót,… Những kiện hàng bốc mùi như vậy cũng thường xuyên được chuyển đến từ Hàn Quốc, Úc, Hồng Kông, Mỹ… Chính phủ Philippine đang cân nhắc đưa ra lệnh cấm nhập khẩu rác thải để bảo vệ cuộc sống của người dân trước sự vô ý thức của các nước phát triển. Dữ liệu hải quan cho thấy, đã có hơn ba triệu tấn chất thải nhựa được nhập khẩu vào Philippine từ Mỹ kể từ năm 2018.

Nếu chính phủ Philippine đưa ra lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa, nhiều công ty sẽ phải đóng cửa, rác thải trong nước đồng thời đối mặt với nguy cơ không được tái chế. Sự yếu kém trong quản lý này đã khiến hai chữ “tái chế” trở nên xấu xa trong mắt người dân.

Theo ông Gatchalian, giải pháp lâu dài là di chuyển các nhà máy tái chế ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên các cấp chính quyền cần vào cuộc ngay lập tức, vì không khí tại “Thành phố nhựa” đang ngày càng trở nên độc hại, đe doạ nghiêm trọng cuộc sống của người dân.

Diệu Anh

Bạn đang đọc bài viết Cuộc sống địa ngục trần gian ở “Thành phố nhựa” châu Á. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới