Chủ nhật, 24/11/2024 08:55 (GMT+7)
Thứ bảy, 25/12/2021 09:00 (GMT+7)

Đà Nẵng: Đầu tư gần 1.500 tỷ đồng cải thiện môi trường các hồ nội thành

Theo dõi KTMT trên

Việc xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường các hồ trên địa bàn giúp đảm bảo chất lượng nước hồ phù hợp với mục đích sử dụng nước mặt, khai thác kết tạo ra các mô hình sinh thái, điểm nhấn để trở thành nơi vui chơi, giải trí cho người dân.

UBND TP.Đà Nẵng vừa có quyết định phê duyệt Đề án xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường các hồ nội thành nhằm thực hiện đồng thời các giải pháp với lộ trình cụ thể để khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường xung quanh hồ, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường.

Theo đánh giá của bà Đinh Thu Hằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang phải đối mặt với những thách thức về nước như: Thiếu nước vào mùa cạn; Tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây xâm nhập mặn, đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất; Hiệu quả sử dụng nước thấp; Vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt.

Đà Nẵng: Đầu tư gần 1.500 tỷ đồng cải thiện môi trường các hồ nội thành - Ảnh 1
Việc xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường các hồ trên địa bàn là đảm bảo chất lượng nước hồ, tạo cảnh quan môi trường và điều hòa vi khí hậu. (Ảnh: Báo TN&MT)

Còn theo UBND TP.Đà Nẵng, hiện trên địa bàn có tổng số 47 hồ, trong đó riêng huyện Hòa Vang có 19 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích chứa 33 triệu m3, nằm biệt lập và hiện ít chịu tác động bởi các nguồn thải. Do đó, Đề án này chỉ tập trung xử lý ô nhiễm, đảm bảo ô nhiễm tại tại 28 hồ nội thành. Đây là những hồ có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nhưng đang chịu tác động bởi quá trình đô thị hóa. Theo kết quả chất lượng nước trong 5 năm qua thì có đến 20/28 hồ đang ô nhiễm và 8 hồ có nguy cơ ô nhiễm.

Trước những thách thức lớn đó cần những cách tiếp cận quản lý đổi mới như: Sự chung tay và tham gia hành động của các bên; Nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi của mỗi người dân, doanh nghiệp; Giải quyết vấn đề cho địa phương xác định với các sáng kiến địa phương; Thúc đẩy sáng kiến, công nghệ, sáng tạo; Huy động sự tham gia của địa phương và doanh nghiệp, đảm bảo tính bền vững.

Hiện, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đang là một trong những điểm nóng ô nhiễm môi trường với 3 vấn đề chính là nước thải, rác thải và mùi hôi. Khu vực này chịu nhiều hoạt động trong ngày như: Nơi tránh trú, neo đậu tàu thuyền; Chợ đầu mối; Tàu cá, xe cộ ra, vào bốc dỡ hàng hóa; Có nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu và xưởng sửa chữa, đóng tàu. Ngoài ra, đây còn là nơi tiếp giáp gần khu dân cư và là nơi tiếp cận nước thải đô thị, nước thải sau xử lý…

Vì vậy, việc xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường các hồ trên địa bàn là đảm bảo chất lượng nước hồ phù hợp với mục đích sử dụng nước mặt, điều tiết nước mưa, tạo cảnh quan môi trường và điều hòa vi khí hậu; Khai thác kết hợp để tạo ra các mô hình sinh thái, điểm nhấn để trở thành nơi vui chơi, giải trí cho nhân dân địa phương.

Theo đó, từ năm 2021- 2025, đối với các hồ ô nhiễm, thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm, thành phố xây dựng quy trình xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước hồ sau xử lý làm cơ sở đề xuất phương án xử lý ô nhiễm nước tối ưu để triển khai nhân rộng (hồ Thạc Gián, Vĩnh Trung, Phần Lăng, Đò Xu...). Đồng thời, nạo vét 8 hồ đã được kè có chứa nhiều bùn đáy (hồ Công viên 29 Tháng 3, Đò Xu, Phần Lăng, Trung Nghĩa 1, Trung Nghĩa 2, E1, Phước Lý, Nguyễn Phước Tần); Nghiên cứu xây dựng tuyến cống bao xung quanh và lắp đặt cửa phai tại các cống xả của 6 hồ trên địa bàn các quận Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu (hồ Nguyễn Phước Tần, Khu E1, Bàu Sấu, Phước Lý, Trung Nghĩa 2 và Xuân Hòa A)...

Đối với nhóm hồ có nguy cơ ô nhiễm, thành phố nghiên cứu đề xuất dự án đầu tư hệ thống quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục đối với hồ Xanh; Nghiên cứu lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cống bao thu nước thải riêng, kè xung quanh hoặc cải tạo kè hoàn thiện; Xây dựng cảnh quan và xung quanh đối với 5 hồ Bàu Tràm, E2, Bàu Gia Thượng, Bá Tùng và hồ Xanh; Nghiên cứu giải pháp triển khai trao đổi nước vào mùa khô đối với hồ Đình làng Hải Châu...

Được biết, tổng kinh phí thực hiện đề án 1.367 tỷ đồng, trong đó, nguồn sự nghiệp môi trường 109 tỷ đồng, nguồn vốn xây dựng cơ bản 1.258 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố sẽ huy động thêm nguồn vốn ODA, chương trình hợp tác quốc tế, nguồn thu phí môi trường và đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước thuộc mọi thành phần kinh tế, vốn của chủ đầu tư khai thác sử dụng mặt nước hồ để thực hiện Đề án.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng: Đầu tư gần 1.500 tỷ đồng cải thiện môi trường các hồ nội thành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới