Đặc sản của Sóc Trăng lần thứ hai được vinh danh gạo ngon nhất thế giới
Vừa qua tại Hội thi gạo ngon nhất thế giới lần thứ 15 tổ chức ở Philippines, gạo ST25 - thương hiệu Gạo Ông Cua của Việt Nam đã giành giải nhất. Đây là lần thứ hai gạo ST25 đạt được vị trí này.
Trong khuôn khổ Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu được tổ chức tại Cebu, Philippines do The Rice Trader tổ chức. Năm nay cuộc thi có sự tham gia của 30 mẫu gạo đến tờ hơn 10 quốc gia. Kết quả chung cuộc, Việt Nam giành giải Nhất, hạng Nhì gạo Campuchia và gạo của Ấn Độ đạt giải ba. Lần đầu tiên, gạo ST25 của Việt Nam nhận giải là vào năm 2019.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Hồ Quang Cua cho biết sau khi đạt giải gạo ngon nhất năm 2019, với dòng 68-10, ông và các cộng sự tiếp tục thanh lọc bằng cách trồng thuần từng cá thể lúa và đến 2021 dòng 72-6 lộ ra.
Dòng ST25 mới không có dạng hình nổi trội bởi cây lúa thấp, hơi xiên nhưng ít đổ ngã, trổ sớm hơn 5 ngày nhưng chín cùng lúc với dòng 68-10 nên có cùng chu kỳ sinh trưởng. Hạt gạo ST25 dòng mới cũng ngắn hơn dòng cũ khoảng 0.2mm.
Mẫu gạo được mang đi dự thi lần này được trồng tại ấp Tiên Cường, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng với quy mô 2.6ha. Diện tích nằm trong số hàng trăm mẫu ruộng thực nghiệm các chế phẩm sinh học để phòng ngừa bệnh tật và côn trùng trên cây lúa, đồng thời cũng là chất kích thích tăng trưởng tự nhiên, không sử dụng hóa chất tổng hợp.
Lúa được thu hoạch vào đúng lúc mưa lớn và một phần diện tích bị thất thoát nhưng mùi gạo vẫn thơm bền. Ngay khi công bố giải, ai nấy đều trầm trồ vì mùi thơm của gạo và 50 túi gạo 200g đã được tặng cho các đại biểu.
Gạo ST25 từ giống lúa thuộc dòng lúa thơm đặc sản Sóc Trăng do nhóm tác giả gồm ông Hồ Quang Cua, tiến sĩ Trần Tấn Phương và kỹ sư Nguyễn Thu Hương hợp tác lai tạo và cải tiến. Đây là giống lúa đặc biệt phù hợp với thổ nhưỡng vùng đồng bằng sông Cửu Long vì kháng mặn tốt, khả năng phòng sâu bệnh cao. Lúa ST25 có thân cứng cáp, chống bệnh dịch tốt nên cũng rất phù hợp để trồng tại các vùng luân canh lúa tôm.
Giống lúa thơm này được nghiên cứu từ cách đây 10 năm. Năm 2014, giống lúa được đưa vào khảo nghiệm và đến 2016 bắt đầu trồng thử.
Mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt một triệu héc-ta. Giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/héc-ta, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống.
Về tổ chức sản xuất 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; trên 1.000.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững.
Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.
Nhật Hạ