Chủ nhật, 24/11/2024 08:23 (GMT+7)
Thứ tư, 05/06/2019 14:39 (GMT+7)

Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ GTVT xử lý nghiêm các dự án đội vốn, chậm tiến độ

Theo dõi KTMT trên

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cần truy trách nhiệm tới cùng cá nhân để xảy ra thất thoát và lãng phí tại các dự án đội vốn, chậm tiến độ, từ đó xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa cho các dự án sau.

Sáng nay (5/6), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực GTVT.

Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ GTVT xử lý nghiêm các dự án đội vốn, chậm tiến độ - Ảnh 1
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn sáng 5/6 - Ảnh: Quang Vinh.

Dự án chậm tiến độ, đội vốn chủ yếu là đường sắt đô thị

Báo cáo trước Quốc hội về vấn đề tăng tổng mức đầu tư, chậm tiến độ và chất lượng các dự án, công trình giao thông trọng điểm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, công tác triển khai các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn tồn tại những hạn chế, đặc biệt là vấn đề chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư. Số liệu thống kê trong 3 năm, từ 2017 đến 2019 có tổng cộng 5/47 dự án chậm tiến độ (chủ yếu các dự án đường bộ) và 5/47 dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư (chủ yếu các dự án đường sắt đô thị).

Trong số 5 dự án đường bộ chậm tiến độ, đến thời điểm này có 3 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng và 2 dự án đang tiếp tục triển khai thực hiện. Cụ thể, 3 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, gồm: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2 (kế hoạch ban đầu hoàn thành cuối năm 2017; thực tế hoàn thành thông xe tháng 12/2018); Cao tốc Hạ Long - cầu Bạch Đằng (kế hoạch ban đầu hoàn thành trong năm 2017; thực tế hoàn thành thông xe tháng 9/2018); Tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình (kế hoạch ban đầu hoàn thành trong năm 2016; thực tế hoàn thành thông xe tháng 10/2018)

Hai dự án đang triển khai thực hiện, gồm: Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (kế hoạch ban đầu hoàn thành trong năm 2018; kế hoạch điều chỉnh Quý II/2020); Cao tốc Bến Lức - Long Thành (khởi công năm 2014, dự kiến hoàn thành trong năm 2019, tuy nhiên với tiến độ hiện tại thì khó có thể hoàn thành dự án trong năm nay)

Về các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư có 3 dự án do thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư; 2 dự án do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư.

Cụ thể, dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên (UBND TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư): Kế hoạch hoàn thành trong năm 2020. Dự án đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.325 tỉ đồng, dự kiến tăng 29.937 tỉ đồng.

Dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương (UBND TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư): Kế hoạch hoàn thành ban đầu trong năm 2020. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.891 tỉ đồng, dự kiến tăng 21.775 tỉ đồng.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội (UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư): Kế hoạch hoàn thành ban đầu vào cuối năm 2018. Dự án đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 32.910 tỉ đồng, dự kiến tăng 14.502 tỉ đồng.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông (Bộ GTVT làm chủ đầu tư): Kế hoạch hoàn thành ban đầu trong năm 2016. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 18.001 tỉ đồng, tăng 9.232 tỉ đồng.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (Bộ GTVT làm chủ đầu tư): Giai đoạn I của dự án đã được điều chỉnh tiến độ, thực hiện từ 2017 - 2024; Giai đoạn IIA từ 2012 - 2020 đang thực hiện các thủ tục để điều chỉnh tiến độ thực hiện. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên khoảng 30.427 tỉ đồng, tăng 5.602 tỉ đồng.

Một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai trong thời gian qua phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, tăng vốn so với phê duyệt ban đầu, kéo dài thời gian thực hiện dẫn tới giảm hiệu quả đầu tư, chủ yếu tập trung ở các dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, thực hiện qua nhiều năm và đã được phê duyệt, triển khai từ giai đoạn trước.

Sẽ xử lý nghiêm các dự án đội vốn, sai phạm

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết, nhiều dự án của ngành GTVT đang chậm tiến độ, đội vốn. Trách nhiệm cá nhân trong các vấn đề này có được truy đến cùng không hay là chỉ tập thể thôi?

Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ GTVT xử lý nghiêm các dự án đội vốn, chậm tiến độ - Ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: Quân Minh.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng: "Rất nhiều dự án chứ không chỉ riêng dự án đường sắt đô thị mới đội vốn và các dự án này được nêu rất rõ trong báo cáo Kiểm toán Nhà nước. Bộ trưởng nên kiểm tra lại. Do đó, cần phải truy trách nhiệm tới cùng cá nhân để xảy ra thất thoát và lãng phí, từ đó xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa cho các dự án sau".

Trả lời câu hỏi của đại biểu Cầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dưới Bộ GTVT có chủ đầu tư, đã thanh tra các dự án mà báo chí phản ánh. Cơ quan điều tra đang tiến hành xử lý với những dự án khách quan, kiểm điểm rút kinh nghiệm; còn do chủ quan sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

"Các dự án đội vốn là do được phê duyệt trước 2008, khủng hoảng nghiêm trọng, trượt giá lớn, lại thay đổi quy mô. Bộ GTVT cùng cơ quan điều tra đã vào cuộc điều tra tất cả các dự án đội vốn, dự án nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định" - Bộ trưởng GTVT nói.

Xuân Đoàn

Bạn đang đọc bài viết Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ GTVT xử lý nghiêm các dự án đội vốn, chậm tiến độ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới