Chủ nhật, 24/11/2024 07:04 (GMT+7)
Thứ sáu, 07/04/2023 17:36 (GMT+7)

Đại học Quốc tế Sài Gòn: Đổi mới Dạy – Học với ChatGPT và Trí tuệ nhân tạo

Theo dõi KTMT trên

Sáng 7/4, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đổi mới Dạy – Học với ChatGPT và Trí tuệ nhân tạo”.

Đại học Quốc tế Sài Gòn: Đổi mới Dạy – Học với ChatGPT và Trí tuệ nhân tạo - Ảnh 1
Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn tổ chức Hội thảo với chủ đề Đổi mới Dạy và Học với ChatGPT và Trí tuệ nhân tạo nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên.

Sáng 7/4, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đổi mới Dạy – Học với ChatGPT và Trí tuệ nhân tạo”.

Hội thảo có sự tham dự của GS. TSKH. Hoàng Văn Kiếm, Cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo SIU; TS. Phạm Quý Tỵ- Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn; PGS. TS. Nguyễn Văn Y- Phó Giám đốc-Phó Bí thư Đảng ủy Học viện Cán bộ TP.HCM; PGS. TS. Đinh Điền- Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM và hàng trăm giảng viên, sinh viên trường Đại học Quốc tế Sài Gòn.

Đại học Quốc tế Sài Gòn: Đổi mới Dạy – Học với ChatGPT và Trí tuệ nhân tạo - Ảnh 2
Hội thảo nhận được sự quan tâm của hàng trăm nhà khoa học, giảng viên và sinh viên trường Đại học Quốc tế Sài Gòn.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Quý Tỵ- Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc, các mối quan hệ trong nền kinh tế - xã hội toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của cuộc cách mạng này. Đó là thay lao động bằng tự động hóa, thay vốn bằng kiến thức và dữ liệu, thay đổi toàn diện mối quan hệ của chính quyền với người dân và các chủ thể trong nền kinh tế.

Đại học Quốc tế Sài Gòn: Đổi mới Dạy – Học với ChatGPT và Trí tuệ nhân tạo - Ảnh 3
TS. Phạm Quý Tỵ-Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn phát biểu khai mạc Hội thảo.

"Thông qua việc xóa bỏ cơ chế trung gian, xâu chuỗi giá trị bằng công nghệ kết nối trực tiếp, chúng ta đang đứng trước một cơ hội rất lớn để thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia thịnh vượng, hùng cường trên cơ sở ứng dụng hiệu quả công nghệ lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như AI, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi, điện toán đám mây…”, TS. Phạm Quý Tỵ chia sẻ.

Theo ban tổ chức, buổi Hội thảo nhằm mục đích giúp cho người học, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, các nhà tuyển dụng nhận thức về vai trò và thách thức của trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ChatGPT trong đào tạo và việc làm.

Đồng thời, tinh thần của Hội thảo là các đại biểu với tâm huyết của mình cùng chia sẻ, trao đổi, đề xuất nhiều kiến nghị khả thi, hiệu quả, góp phần thiết thực vào công tác đổi mới dạy – học phù hợp với yêu cầu xã hội.

Đại học Quốc tế Sài Gòn: Đổi mới Dạy – Học với ChatGPT và Trí tuệ nhân tạo - Ảnh 4
Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn tiên phong trong việc áp dụng AI vào công tác dạy và học.

Trước đó, để thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên và học viên cao học của nhà trường, SIU đã phát động cuộc thi viết tham luận về ChatGPT, những tham luận xuất sắc của sinh viên, học viên ngoài việc trao giải thưởng còn được ban tổ chức cho đăng tải trong kỷ yếu của Hội thảo.

Đồng thời, tạo điều kiện cho sinh viên, học viên tham gia trình bày tham luận trước những chuyên gia đầu ngành. Đây là cơ hội để thế hệ trẻ giao lưu học thuật cùng các nhà khoa học hàng đầu và thể hiện năng lực nghiên cứu khoa học đã được tôi luyện trong suốt quá trình học tập tại SIU.

Trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là xu hướng mà đang ảnh hưởng sâu rộng đến các khía cạnh xã hội. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, học tập, đáp ứng sự phát triển xã hội, phục vụ cuộc sống con người tốt hơn.

Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo định hình tương lai giáo dục của tất cả các quốc gia trên thế giới và gần đây là sự ra đời của ChatGPT đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu và đang là chủ đề thảo luận, nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm và nhận được nhiều bài tham luận từ các tác giả là các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, học viên sau đại học và sinh viên như: Chủ đề “Nghĩ lại về tương lai: Việc làm, dạy và học trong kỷ nguyên mới” của GS. TSKH. Hoàng Văn Kiếm, Cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo SIU; Chủ đề: “Khát vọng đến tư duy đột phá và tư duy cải cách” của PGS. TS. Nguyễn Văn Y, Phó Giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy Học viện Cán bộ TP.HCM; Chủ đề: “ChatGPT và AI: Thách thức và cơ hội trong giáo dục đại học” của PGS. TS. Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM;…

Đại học Quốc tế Sài Gòn: Đổi mới Dạy – Học với ChatGPT và Trí tuệ nhân tạo - Ảnh 5
GS. TSKH. Hoàng Văn Kiếm, Cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo SIU chia sẻ tại Hội thảo

Trao đổi với PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường về Chủ đề của buổi Hội thảo, GS. TSKH. Hoàng Văn Kiếm chia sẻ: “Phần mềm ChatGPT và một số phần mềm tương tự đã được SIU nghiên cứu, đưa vào ứng dụng giảng dạy. Thời gian gần đây, khi có những phát hiện về năng lực mới của ChatGPT, chúng tôi đã khuyến khích các thầy, các em tìm hiểu, khai thác, đồng thời cảnh báo những hạn chế khi sử dụng ChatGPT.

Vừa rồi, chúng tôi có tổ chức cuộc thi tìm hiểu về ChatGPT và được các em hưởng ứng nồng nhiệt. Đa số các em cảm thấy được vai trò, ứng dụng của ChatGPT để phục vụ cho vấn đề học tập của mình. Trong đó, các em được tham khảo, tham vấn những thông tin rất chuyên sâu, giúp các em lập chương trình, các ý tưởng thiết kế,… Đối với thầy cô, ứng dụng ChatGPT để hoàn thành giáo án của mình.

Như chính bản thân tôi khi soạn chương trình, tôi đã có hỏi ChatGPT về những thông tin mới và ChatGPT đã gợi ý cho tôi bằng một bảng tổng quát thông tin đầy đủ nhất. Tôi đã dùng gợi ý đó để hoàn thiện chương trình, bài giảng của mình.

Tuy nhiên, thông tin của ChatGPT đưa ra chưa hoàn toàn chính xác. Vì vậy, chúng tôi đang nghiên cứu những khuyến cáo để cho việc dạy và học ứng dụng ChatGPT ngày càng hiệu quả hơn”.

Đại học Quốc tế Sài Gòn: Đổi mới Dạy – Học với ChatGPT và Trí tuệ nhân tạo - Ảnh 6
Sinh viên SIU ứng dụng ChatGPT trong học tập

Về phía sinh viên, em Lê Bùi Phương An, sinh viên năm 3 Ngành Kỹ thuật phần mềm SIU cho biết: “ChatGPT đang là một nền tảng khá hot, được sinh viên ứng dụng khá nhiều. Hội thảo lần này không những giúp chúng em tích lũy thêm được những kiến thức mà còn giúp chúng em định hướng được làm thế nào để ứng dụng ChatGPT hiệu quả trong việc học tập. ChatGPT có thể trao đổi như một người bạn và có thể làm nhiều tác vụ như viết code, giải toán, dịch thuật,...

Tuy nhiên, ChatGPT còn tồn tại một số khuyết điểm như: thông tin chưa được xác thực rõ ràng, một số câu hỏi từ 2022 trở về sau ChatGPT không trả lời được. Chính vì vậy, để sử dụng ChatGPT đạt hiệu quả cao trong việc học, cần xác định đúng mục đích và không quá lạm dụng vào nó”.

SIU là trường đại học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, thuộc số ít trường khu vực Châu Á đạt kiểm định quốc tế khối ngành Kinh doanh của IACBE – Hoa Kỳ; đạt kiểm định quốc gia 2 khối ngành Ngôn ngữ Anh và Khoa học máy tính; đạt kiểm định quốc gia cấp trường theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thành viên Hiệp hội phát triển giảng dạy doanh thương bậc đại học (AACSB) – Hoa Kỳ.

Thanh Vũ - Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Đại học Quốc tế Sài Gòn: Đổi mới Dạy – Học với ChatGPT và Trí tuệ nhân tạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới