Chủ nhật, 24/11/2024 13:53 (GMT+7)
Thứ tư, 09/12/2020 16:47 (GMT+7)

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X tiến hành phiên trù bị

Theo dõi KTMT trên

Sáng 9/12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X đã tiến hành phiên trù bị thông qua quy định của đại hội, báo cáo tình hình đại biểu và chương trình đại hội...

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X tiến hành phiên trù bị - Ảnh 1
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh chung cùng các đại biểu. (Ảnh: VOV)

Dự phiên trù bị Đại hội có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh;... 

Với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sẽ chính thức diễn ra vào sáng mai, ngày 10/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.

Đại hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2015 - 2020; đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2020-2025; tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua; tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc; tạo động lực mới nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Đồng thời, phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và tiếp tục đẩy mạnh 4 phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới theo Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị và Luật Thi đua - Khen thưởng.

Dự  Đại hội có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các điển hình tiên tiến đại diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ...; các thành phần tôn giáo, dân tộc, nhân sĩ, trí thức, thầy thuốc, nhà giáo, nghệ nhân, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học...

Tổng số đại biểu về dự Đại hội Thi đua toàn quốc lần này là 2.300 đại biểu, gồm: 280 đại biểu khách mời, 2.020 đại biểu chính thức.

Trong số 2.020 đại biểu chính thức có 133 đại biểu là Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đại biểu là cá nhân và đại diện tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động qua các thời kỳ là 118 đại biểu, chiếm 5,8%. Đại biểu là Chiến sĩ thi đua toàn quốc được lựa chọn dự Đại hội từ năm 2016 đến nay là 88 đại biểu, chiếm 4,4%. 73 đại biểu đại diện cá nhân tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chiếm 3,6%. 191 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 9,5%. 165 đại biểu tiêu biểu đại diện các ngành nghề, các lĩnh vực…

Đại biểu cao tuổi nhất là Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt (Thành phố Hồ Chí Minh), năm nay 95 tuổi. Đại biểu nhỏ tuổi nhất là em Phan Nguyễn Thái Bảo, 10 tuổi, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Bình Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Trong 5 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, phong trào thi đua và công tác khen thưởng thực sự có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp và người đứng đầu cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng.

Do vậy, mặc dù trong hoàn cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các phong trào thi đua trong 5 năm qua thực sự đã có tác động vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ngành, địa phương và cơ sở, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước.

Công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng tiếp tục được các ngành, các cấp nghiên cứu, tham mưu, xây dựng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Hội đồng và Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tập trung triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm theo phương hướng, kế hoạch đề ra. Cơ quan thường trực và các thành viên Hội đồng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác.

Phong trào thi đua ngày càng thiết thực, hiệu quả, có nhiều đổi mới, sáng tạo, từng bước khắc phục tính hình thức. Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động tiếp tục được triển khai hiệu quả và đi vào chiều sâu, trở thành nòng cốt, định hướng cho các phong trào thi đua trong cả nước. Các phong trào thi đua được triển khai bài bản, hình thức đa dạng, phong phú, có tiêu chí và nội dung rõ ràng, cụ thể, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị, gắn với quyền và lợi ích của người dân nên được nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến đã có những chuyển biến rõ nét; có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng với các cơ quan truyền thông trong việc giới thiệu, tuyên truyền các điển hình tiên tiến.

Các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc được tổ chức hiệu quả, thiết thực, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã chủ động khen thưởng kịp thời các trường hợp có thành tích đột xuất, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác... Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể để phát hiện, đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho người lao động, cá nhân, tập thể ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... Việc phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và khen thưởng kháng chiến được tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tốt.

Nguyễn Hoàng

Bạn đang đọc bài viết Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X tiến hành phiên trù bị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới