Chủ nhật, 24/11/2024 04:48 (GMT+7)
    Chủ nhật, 04/06/2023 07:00 (GMT+7)

    Đắk Lắk: Phấn đấu xây dựng hoàn thiện 7 mô hình truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp

    Theo dõi KTMT trên

    Theo thông tin từ Sở Khoa học Đắk Lắk, Công nghệ tỉnh phấn đấu xây dựng hoàn thiện 7 mô hình truy xuất nguồn gốc (TXNG) cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực đến năm 2025.

    Theo đó, Sở KH&CN đang đẩy mạnh việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc đặc biệt là vào các sản phẩm chủ lực của địa phương như : Rau quả, mật ong, cà phê bột, hạt tiêu, hạt điều, lâm sản…

    Đắk Lắk: Phấn đấu xây dựng hoàn thiện 7 mô hình truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp - Ảnh 1

    Các doanh nghiệp quan tâm ứng dụng  truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

    Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện Công nghệ thông tin và truyền thông CDIT hỗ trợ 10 DN, HTX trên địa bàn ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc có dán tem QR code và cấp gần 100.0 tem xác thực truy xuất nguồn gốc.

    Với phần mềm truy xuất nguồn gốc và tem QR code được cấp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng kho dữ liệu, cập nhật thông tin về nguồn gốc hàng hóa lên hệ thống và dán mã QR lên sản phẩm trước khi cung ứng ra thị trường. Người tiêu dùng được cung cấp thông tin về sản phẩm, tra cứu, đánh giá, bình chọn... thông qua ứng dụng quét mã QR trên điện thoại thông minh.

    Để đưa hoạt động truy xuất nguồn gốc ngày càng phát triển, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, an toàn cho sản phẩm, hàng hóa của địa phương, tỉnh Đắk Lắk đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng 7 mô hình áp dụng hệ thống TXNG đối với các sản phẩm như: rau quả, mật ong, cà phê bột, hạt tiêu, hạt điều, lâm sản…; trên cơ sở đó, nhân rộng mô hình áp dụng hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa nhằm đảm bảo nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm nông lâm sản chủ lực và các sản phẩm, hàng hóa OCOP của tỉnh;

    Bảo đảm tối thiểu 25% DN của tỉnh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch có hệ thống TXNG áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống TXNG của DN trong nước và quốc tế; xây dựng hệ thống quản lý thông tin TXNG của tỉnh và phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho việc kết nối với Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia...

    Tuy nhiên, theo Sở Khoa học và Công nghệ, công tác quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa hiện vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Đơn cử, dữ liệu truy xuất nguồn gốc phân tán do chưa kết nối, chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị cung cấp giải pháp; thông tin truy xuất nguồn gốc không đáp ứng “các nguyên tắc truy xuất nguồn gốc”, không đủ các bên tham gia chuỗi cung ứng, không đủ phần tử dữ liệu chính, thông tin không chính xác. Cùng với đó, hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai chưa được ban hành đầy đủ nên việc thực hiện không thống nhất và đồng bộ...

    Ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho hay, trong thời gian tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện truy xuất nguồn gốc trên thực tế nhu cầu của doanh nghiệp, hỗ trợ quản trị nội bộ nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nâng cao vị thế thương hiệu, tạo dụng niềm tin với người tiêu dùng.

    Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu doanh nghiệp, Sở KH&CN tập huấn phát triển giải pháp và dịch vụ đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp đồng thời phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế khắc phục lỗi: Dữ liệu TXNG phân tán do chưa kết nối, chia sẻ giữa các bộ ngành, địa phương và các đơn vị cung cấp giải pháp; thông tin TXNG không đáp ứng “các nguyên tắc TXNG”; không đủ các bên tham gia chuỗi cung ứng; không đủ phần tử dữ liệu chính; thông tin không chính xác; người dùng có thể phải cài đặt cùng lúc nhiều phần mềm do đơn vị cung cấp giải pháp chỉ cho phép dùng phần mềm nội bộ truy cập được thông tin.

    Kiến nghị, đề xuất đối với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật để doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu được vai trò, hiệu quả của truy xuất nguồn gốc, các quy định về truy xuất nguồn gốc. Chủ trì, phối hợp nghiên cứu phát triển các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi, kết nối dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của địa phương với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

    Lê Đạt

    Bạn đang đọc bài viết Đắk Lắk: Phấn đấu xây dựng hoàn thiện 7 mô hình truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới