Chủ nhật, 24/11/2024 04:07 (GMT+7)
Thứ sáu, 14/06/2024 07:00 (GMT+7)

Đắk Lắk: Tiềm năng và thách thức bán tín chỉ carbon

Theo dõi KTMT trên

Đắk Lắk là địa phương có tiềm năng bán tín chỉ carbon từ rừng, lúa. Tuy nhiên, Đắk Lắk cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.

Cần xây dựng chính sách cụ thể cho tín chỉ carbon rừng ở Đắk Lắk

Tín chỉ carbon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh phát thải khí CO₂. Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn CO₂ hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO₂. Tín chỉ carbon rừng được xác định từ lượng CO₂ được tạo ra từ hoạt động giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động chống mất rừng, suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO₂, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này.

Theo thống kê tính đến hết năm 2022, tỉnh Đắk Lắk có 497.018 ha đất có rừng (rừng tự nhiên 413.845 ha, rừng trồng 83.173 ha), diện tích đất chưa có rừng 239.689 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,03% (giảm 0,32% so với cùng kỳ năm ngoái). Công tác trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đến nay đã thực hiện trồng được trên 1.098 ha, đạt 58,6 % so với kế hoạch; trồng cây phân tán 65.755 cây, đạt 32,9% so với kế hoạch.

Đắk Lắk: Tiềm năng và thách thức bán tín chỉ carbon - Ảnh 1
 Đắk Lắk có diện tích rừng lớn, rất có tiềm năng khai thác tín chỉ carbon. (Nguồn Internet).

Đắk Lắk là địa phương có diện tích rừng lớn. Do đó, nguồn thu từ bán tín chỉ carbon rừng sẽ tăng thêm nguồn lợi từ rừng, góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững. 

Theo góc nhìn của các nhà chuyên môn, Đắk Lắk hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu, điều kiện để bán tín chỉ carbon rừng. Vần đề còn lại là Chính phủ cũng như các bộ, ngành Trung ương cần có chính sách cụ thể, rõ ràng và hướng dẫn chi tiết để các cơ quan chức năng của tỉnh có cơ sở thực hiện. 

Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có thị trường bắt buộc với tín chỉ carbon. Việc chuyển giao kết quả giảm phát thải được thực hiện thông qua những thỏa thuận đàm phán song phương giữa các bên liên quan theo thị trường tự nguyện. Trước mắt, Chính phủ đang cho phép chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon (CO₂) thí điểm theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP tại 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường kiểm tra, thanh tra về công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đối với UBND cấp huyện, cấp xã và các đối tượng quản lý rừng; huy động lực lượng truy quét các điểm nóng xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh; tuần tra kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng trong đợt cao điểm của mùa khô; hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác, hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng có thể xảy ra.

Tiềm năng bán tín chỉ carbon nhờ trồng lúa ở Đắk Lắk

Ngoài diện tích rừng lớn, Đắk Lắk còn có một thế mạnh khác về tín chỉ carbon trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo thống kê, Đắk Lắk hiện có khoảng hơn 100 nghìn ha lúa nước, chiếm khoảng 34,98% diện tích gieo trồng cây hàng năm của tỉnh. Sản xuất lúa của Đắk Lắk đứng đầu khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; năng suất bình quân của tỉnh đạt gần 70 tạ/ha, năm 2023 sản lượng ước đạt khoảng 800.000 tấn/năm.

Đắk Lắk: Tiềm năng và thách thức bán tín chỉ carbon - Ảnh 2
Nông dân ở Đắk Lắk hào hứng với việc trồng lúa bán tín chỉ carbon. (Nguồn Internet).

Đơn vị thu mua tín chỉ Carbon cho Đắk Lắk là thành viên của Công ty Netzero Carbon Thái Lan. Sau khi làm việc trực tiếp với địa phương, công ty cam kết chỉ cần ra báo cáo giảm phát thải là mua ngay mà không cần có đơn vị thứ ba cấp tín chỉ.

Giải pháp canh tác lúa được áp dụng theo quy trình canh tác lúa ướt khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế IRRI trên diện tích 42 hecta. Năng suất dự kiến đạt 11 tấn/hecta. Khi áp dụng mô hình này, mỗi hecta sẽ tạo ra 3 tín chỉ Carbon, được thu mua với giá 20 USD/tín chỉ, như vậy là khoảng hơn 1,5 triệu đồng/hecta.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh sản xuất lúa ổn định trên diện tích 100.000ha. Nếu bán tín chỉ carbon thành công, vụ tới đây tỉnh sẽ mở rộng diện tích trồng lúa giảm phát thải để nông dân có thêm thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Đắk Lắk: Tiềm năng và thách thức bán tín chỉ carbon. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới