Chủ nhật, 24/11/2024 06:50 (GMT+7)
Thứ hai, 09/05/2022 15:55 (GMT+7)

Đánh giá tác động môi trường đối với Dự án dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo

Theo dõi KTMT trên

“Để con đường này hoạt động hiệu quả thì Bộ GTVT cần có đánh giá tác động của thực hiện dự án đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Các công đoạn thực hiện của dự án phải có sự đánh giá tác động mỗi khi có bão lũ, ô nhiễm xảy ra với môi trường”.

Đây là đề nghị của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH hội tỉnh Bình Dương), tại Phiên họp toàn thể lần thứ ba thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Phiên họp toàn thể do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức chiều ngày 8/5/2022.

Đánh giá tác động môi trường đối với Dự án dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Điều chỉnh một số nội dung nhằm thực hiện xây dựng đường Hồ Chí Minh

Tại Phiên họp toàn thể, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, nhấn mạnh: Dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 03/12/2004. Dự án có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km. 

Đánh giá tác động môi trường đối với Dự án dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo - Ảnh 2
Toàn cảnh Phiên họp.

Theo kế hoạch, dự án dự định sẽ thông tuyến vào năm 2010. Tuy nhiên, để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 để điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Theo đó, thời hạn hoàn thành nối thông toàn tuyến đã được lùi đến năm 2020. Nghị quyết số 66 của Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo tổng kết, đánh giá việc thực hiện Dự án đường Hồ Chí Minh sau khi nối thông toàn tuyến; dự toán tổng mức đầu tư và kế hoạch triển khai dự án giai đoạn sau năm 2020 để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Mặc dù, đến nay dự án chưa được nối thông toàn tuyến, nhưng do đã hết giai đoạn phân kỳ đầu tư và cần triển khai giai đoạn phân kỳ đầu tư mới, Chính phủ đã có Báo cáo số 529/BC-CP ngày 23/11/2021 đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 đến năm 2020-2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, thực hiện yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 66/2013/QH13  về “Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Dự án đường Hồ Chí Minh sau khi nối thông toàn tuyến; dự toán tổng mức đầu tư và kế hoạch triển khai Dự án giai đoạn sau năm 2020 để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định”, Chính phủ đã có các Báo cáo số 529/BC-CP ngày 23/11/2021, số 63/BC-CP ngày 09/3/2022 trình Quốc hội.

Đánh giá tác động môi trường đối với Dự án dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo - Ảnh 3
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ.

Tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 9, ngày 10/3/2022, thực hiện chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã có Tờ trình số 157/TTr-CP ngày 05/5/2022 trình Quốc hội báo cáo tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Công tác quy hoạch đường Hồ Chí Minh đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo từ quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, quy hoạch hệ thống đường ngang kết nối đường Hồ Chí Minh với các đầu mối vận tải. Để tăng cường hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT đã quy hoạch các trạm dịch vụ, trạm dừng nghỉ. Nhằm gắn kết giao thông vận tải với phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ lập các quy hoạch có liên quan để đảm bảo đồng bộ trong xây dựng và khai thác, phát huy hiệu quả đường Hồ Chí Minh.

Các quy hoạch được phê duyệt đều đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển giao thông Vận tải và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các quy hoạch này từng bước được đầu tư hình thành mạng lưới giao thông đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi trong việc ứng phó với thiên tai và tăng cường củng cố quốc phòng an ninh; là cơ sở quan trọng để thực hiện đầu tư và quản lý quỹ đất.

Thực hiện Luật Quy hoạch, các quy hoạch tuyến đường Hồ Chí Minh đã được tích hợp vào quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và công bố công khai theo quy định của Luật Quy hoạch. Trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cập nhật quy hoạch đường Hồ Chí Minh vào các quy hoạch nêu trên, thực hiện rà soát và điều chỉnh nếu cần thiết bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Tại Nghị quyết số 38/2004/QH11 và số 66/2013/QH13, Quốc hội giao Chính phủ trong quá trình đầu tư phải rà soát, thực hiện phân kỳ đầu tư các đoạn tuyến bảo đảm đáp ứng nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, ưu tiên đầu tư trước các đoạn có nhu cầu cấp thiết, phát huy tiềm năng địa phương và tận dụng hợp lý các đoạn tuyến hiện có để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm vốn đầu tư, Chính phủ đề xuất mục tiêu đầu tư đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030 như sau:

Giai đoạn đến năm 2025: Tiếp tục đầu tư hoàn thành các đoạn đang triển khai; cân đối bố trí nguồn lực để đầu tư 02 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; đối với đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến chưa đầu tư, tận dụng Quốc lộ 32, Quốc lộ 21 để nối thông đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe.

Tập trung nguồn lực hoàn thành khoảng 287 km thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông đi trùng với đường Hồ Chí Minh đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại các Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017, Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022.

Ở giai đoạn sau năm 2025: Trên cơ sở nhu cầu, hiệu quả đầu tư, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khả năng cân đối nguồn lực của từng thời kỳ, đầu tư khoảng 634 km đường Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn cao tốc.

Trong khuôn khổ Phiên họp, các đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được của dự án, những đóng góp của dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội, những khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị, đề xuất thật cụ thể, xác đáng, trọng tâm, trọng điểm; Thảo luận về phạm vi và nguồn vốn đối với đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến (thuộc dự án thành phần Đoan Hùng – Chợ Bến) để nối thông toàn tuyến theo đúng tinh thần Nghị quyết 66/2013/QH13; Cho ý kiến về các nội dung cần thiết về dự án đường Hồ Chí Minh cần được thể hiện trong Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Thực hiện của dự án có tác động vấn đề bảo vệ môi trường?

Đánh giá tác động môi trường đối với Dự án dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo - Ảnh 4
Đại biểu Nguyễn Quang Huân. Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Tại Phiên họp toàn thể chiều ngày 8/5, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) đánh giá cao hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, theo đại biểu Huân, để con đường này hoạt động hiệu quả thì Bộ GTVT cần có đánh giá tác động của thực hiện dự án đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Các công đoạn thực hiện của dự án phải có sự đánh giá tác động mỗi khi có bão lũ, ô nhiễm xảy ra với môi trường.

Khi triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, cần lấy ý kiến của người dân về thực hiện các chính sách đối với các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số phải di chuyển đến nơi ở khác để dành đất triển khai dự án cũng như việc đảm bảo đời sống, việc làm, tiếp cận nguồn nước sạch cho họ khi di rời đến nơi ở mới...

Việc ưu tiên đảm bảo tiến độ đầu tư cho dự án đường Hồ Chí Minh nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) đề nghị Chính phủ ưu tiên nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng các đoạn đường đã thực hiện cũng như ưu tiên thu hút nguồn lực để đầu tư cho dự án đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cần đánh giá công tác quản lý đối với dự án.

Đánh giá tác động môi trường đối với Dự án dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo - Ảnh 5
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đồng thuận với quan điểm trên đã nêu quan điểm: Cần có sự đánh giá về hiệu quả các tuyến đường của dự án đã được triển khai cũng như các tuyến đường dự kiến thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cần có báo cáo về lưu lượng xe của các tuyến đường dự kiến mở; thiết kế thi công, kinh phí thi công theo định mức mới.

Đánh giá tác động môi trường đối với Dự án dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo - Ảnh 6
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công  nghệ và Môi trường Trần Văn Khải.

Ông Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khẳng định, việc triển khai dự án đường Hồ Chí Minh đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, xóa đói giảm nghèo ở các địa phương có tuyến đường đi qua. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan cần xem xét tính hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013; đồng thời xem xét tính hiệu quả và tác động của dự án để chỉ đạo triển khai dự án trong thời gian tiếp theo nhằm đảm bảo tiến độ triển khai dự án.

Đánh giá tác động môi trường đối với Dự án dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo - Ảnh 7
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Tại Phiên họp toàn thể, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, dự án đường Hồ Chí Minh là con đường huyền thoại đặc biệt nên việc trùng tu, nâng cấp, tập trung đầu tư nguồn lực hoàn thiện con đường này là nhiệm vụ cần được ưu tiên.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong rằng, để con đường Hồ Chí Minh thực sự phát huy hiệu quả, chính quyền các địa phương cần quan tâm hỗ trợ dịch vụ khi có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua. Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với dự án đường Hồ Chí Minh và mong rằng, những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu sẽ tiếp tục được hoàn thiện để các đại biểu Quốc hội có cơ sở xem xét trong kỳ họp tới.

Đánh giá tác động môi trường đối với Dự án dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo - Ảnh 8
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Phiên họp cũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Việc triển khai dự án đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn tiếp theo có ý nghĩa rất to lớn về chính trị, lịch sử và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của các địa phương. Vì vậy, việc nâng cấp, duy tu các đoạn đường đã triển khai của dự án cũng như đảm bảo nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới, ông Huy khẳng định.

Khi triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, cần lấy ý kiến của người dân về thực hiện các chính sách đối với các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số phải di chuyển đến nơi ở khác để dành đất triển khai dự án cũng như việc đảm bảo đời sống, việc làm, tiếp cận nguồn nước sạch cho họ khi di rời đến nơi ở mới.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Đánh giá tác động môi trường đối với Dự án dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới