Chủ nhật, 24/11/2024 10:03 (GMT+7)
Thứ ba, 20/07/2021 10:45 (GMT+7)

Đâu là nguyên nhân gây mưa lớn, lũ lụt nghiêm trọng tại châu Âu?

Theo dõi KTMT trên

Châu Âu đang phải trải qua lũ lụt nghiêm trọng khiến hàng trăm người thiệt mạng và mất tích. Các nhà khoa học đánh giá biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Lũ lụt tàn phá nghiêm trọng

Ít nhất 155 người đã thiệt mạng ở vùng Tây Rhineland – Palatinate của Đức và vùng lân cận North Rhine – Westphalia. Quân đội đã được triển khai để hỗ trợ các nhân viên cứu hộ đưa người từ các mái nhà và trục vớt các phương tiện bị mắc kẹt trong nước lũ.

27 người khác đã chết ở Bỉ - nơi có khoảng 11.000 gia đình bị bỏ lại không có điện trong khu vực Liege. Tại Wallonia, khoảng 20 ngôi làng không có nước uống và cơ sở hạ tầng đường sắt bị hư hại.

Trong khi đó, hàng trăm người mất tích vẫn chưa được tìm thấy.

Đâu là nguyên nhân gây mưa lớn, lũ lụt nghiêm trọng tại châu Âu? - Ảnh 1
Tính đến ngày 19/7, Bỉ đã ghi nhận ít nhất 30 người thiệt mạng do mưa lũ. (Ảnh: Hãng thông tấn BELGA)

Ngày 17/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đến thăm thị trấn Rocheford và Pepinster, nơi nhiều ngôi nhà bị nước lũ phá hủy. “Trái tim tôi đau nhói khi gặp những người mất nhà cửa, thứ mà họ dành cả cuộc đời để tiết kiệm được” – bà viết trên Twitter.

Thảm họa đã ập đến Bavaria và Sachsen (Đức) khiến đường phố ngập lụt và khoảng 130 người phải sơ tán. “Các cuộc gọi khẩn cấp tới liên tục” – một phát ngôn viên của cảnh sát cho biết.

Ở Thụy Sĩ, hồ Zurich bị vỡ bờ và có những lo ngại rằng các hồ Lucerne, Biel và Thun sẽ xảy ra điều tương tự.

Trong khi đó nước đã tràn đến Hallein – một thị trấn gần Salzburg ở Áo hôm thứ 7 sau khi sông Kothbach vỡ bờ.

Các video đăng trên mạng xã hội cho thấy dòng nước mạnh phá hủy các cửa hàng và cuốn trôi cả ô tô.

“Chúng tôi sẽ không để những người bị ảnh hưởng cô đơn và hỗ trợ họ trong việc tạo dựng lại cuộc sống” – Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nói.

Cảnh quay trên không cho thấy lũ lụt trên khắp Bỉ, Đức và Hà Lan.
(Video: The Guardian)

Đâu là nguyên nhân?

Ông Friederike Otto tại Viện Biến đổi Môi trường ở Đại học Oxford (Anh) nói: “Lượng mưa lớn khắp châu Âu trong những ngày qua là thời tiết cực đoan bị biến đổi khí hậu làm trầm trọng hơn. Điều này có thể tiếp diễn khi khí hậu ngày càng nóng hơn”.

Cơ quan Khí tượng Quốc gia Đức (DWD) cho biết nhiệt độ cao thường kéo theo mưa lớn. DWD cảnh báo rằng tình trạng này diễn ra mạnh mẽ nhất trong mùa đông. Nhưng DWD cho biết vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời rằng liệu biến đổi khí hậu có khiến lũ lụt trong mùa hè năm nay nghiêm trọng hơn hay không. Theo DWD, cần phải thực hiện thêm nghiên cứu đánh giá sâu hơn.

Trong tháng 6, một nhóm nhà khoa học tại Anh thực hiện nghiên cứu và nhận thấy nhiệt độ tăng toàn cầu có khả năng gây mưa lớn khắp châu Âu. Nghiên cứu đánh giá rằng do khác biệt về thời tiết giữa các cực, bão sẽ di chuyển chậm hơn so với năm 2020 và dẫn đến mưa lớn tại một số khu vực, tăng nguy cơ lũ quét.

Nhà khí tượng học Johannes Quaas nhận xét: “Đức là một quốc gia công nghiệp do vậy tăng nhiệt gấp đôi so với tỉ lệ ấm lên toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc mưa lớn nhiều hơn 20% so với thế kỷ 19 và hơn 10% so với 4 thập niên trước đây.

Khi hệ thống thoát nước và đất không thể hút nước nhanh chóng, bên cạnh đó là phát triển đô thị ngăn nước mưa tiêu thoát thì lũ quét xảy ra có thể dẫn đến tổn thất nghiêm trọng.

Ông cũng cảnh báo rằng vẫn chưa thể dự đoán chính xác bão gây mưa lớn tại đâu và khu vực chịu ảnh hưởng nhất, do vậy vẫn khó khăn trong việc chuẩn bị cho thảm họa và giảm thiểu thiệt hại. Ông kết luận: “Nếu chúng ta tiếp thục thải CO2, sẽ tiếp tục có mưa lớn”.

Nhiều chuyên gia đánh giá thời tiết cực đoan có thể xuất hiện với tần suất nhiều hơn trong tương lai và có nguy cơ nghiêm trọng hơn. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến cuộc sống của con người.

Biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn 20 - 50 lần

Theo giới chuyên gia, tốc độ biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn 20 - 50 lần so với bất kỳ giai đoạn biến đổi khí hậu nào trong lịch sử Trái Đất. Kể từ năm 2015, nền nhiệt Trái Đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn. Ngày càng có nhiều nước và vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương hơn và khả năng vượt qua yếu hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, thời tiết cực đoan được đánh giá là nhân tố thách thức đối với hòa bình và an ninh thế giới khi các số liệu cho thấy biến đổi khí hậu làm gia tăng 10% - 20% nguy cơ xung đột, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người mất nhà cửa, trong khi hàng triệu người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực. Cùng với đó, hiểm họa y tế ngày càng gia tăng cả về quy mô và cấp độ khi biến đổi khí hậu khiến các dịch bệnh xuất hiện nhiều hơn.

“Loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và đang tiến gần tới “điểm không thể cứu vãn” trong cuộc khủng hoảng này”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo.

Minh Phương (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đâu là nguyên nhân gây mưa lớn, lũ lụt nghiêm trọng tại châu Âu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới