Đẩy mạnh công tác tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng khô cạn
Để áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đã đưa ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất định hướng chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó hạn hán, biến đổi khí hậu.
Áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã mang lại hiệu quả rõ rệt và thiết thực, tăng năng suất cây trồng cạn trung bình từ 10%- 30% tùy theo từng loại cây trồng; giảm chi phí công lao động để tưới và chăm sóc từ 20%-50% công lao động; công nghệ này cũng tiết kiệm từ 20%-40% lượng nước so với phương thức tưới truyền thống, hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm nhờ giảm từ 5-30% lượng phân bón trong quá trình canh tác, tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.
Việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã mang lại hiệu quả rõ rệt và thiết thực. |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT. Diện tích cây trồng cạn tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đến hết năm 2019 đạt khoảng 2.579,31 ha tăng so với năm 2015 là 2.252,39 ha. Theo loại hình công nghệ tưới, trên địa bàn tỉnh chủ yếu tưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt, chiếm 63,82% diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm. Phần lớn công nghệ, thiết bị tưới có xuất xứ của Israel và sản xuất trong nước thông qua cải tiến, tích hợp công nghệ của nước ngoài.
Tính từ năm 2016 đến năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện hỗ trợ kiên cố hóa 101,37 km kênh mương nội đồng trong xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với số kinh phí hỗ trợ gần 20,3 tỉ đồng.
Xây dựng hệ thống tưới mía mặt ruộng gồm xây dựng các bể đựng nước (để bơm chuyền từ nguồn nước đầu ruộng vào các lô mía), mua dây, khóa, van lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trên mặt ruộng, mua máy bơm phục vụ tưới mía. Thực hiện hỗ trợ cho 05 huyện (Thọ Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân và Thạch Thành) xây dựng hệ thống tưới mía mặt ruộng, với tổng số diện tích tưới được hỗ trợ 1.092 ha, số kinh phí hỗ trợ hơn 16 tỉ đồng.
Để tiết kiệm nước tưới, tỉnh Thanh Hóa đã và đang áp dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP như: Đầu tư xây dựng khu nhà màng, nhà lưới... |
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng được các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh quan tâm, ứng dụng, như công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư xây dựng khu nhà màng, nhà lưới…; đầu tư công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước cũng là mối quan tâm, lựa chọn của các doanh nghiệp, hợp tác xã để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp sạch, thông minh trong quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản để nâng cao hiệu quả, sản xuất.
Sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh trong việc áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn ngày càng phát triển. Năm 2015 có 02 doanh nghiệp, 03 Hợp tác xã áp dụng tưới tiến tiến, tiết kiệm nước, đến năm 2020 đã có 24 doanh nghiệp, 33 Hợp tác xã thực hiện áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Trong giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở kế hoạch rà soát, điều chỉnh cơ cấu đầu tư công, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng thủy lợi phục vụ thâm canh mía tỉnh Thanh Hóa từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý và nguồn vốn địa phương với mục tiêu.
Nhiệm vụ là xây dựng hệ thống thủy lợi tạo nguồn cung cấp nước tưới ổn định phục vụ thâm canh 480 ha mía trên địa bàn các xã: Công Liêm, huyện Nông Cống; xã Thanh Tân, Hải Long, Yên Lạc huyện Như Thanh; xã Lương Sơn huyện Thường Xuân làm cơ sở từng bước áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước; góp phần xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống của người dân trong vùng; tổng mức đầu tư 91,54 tỉ đồng.
Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa cho biết: Sở tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các mô hình sản xuất nông nghiệp thành công có sử dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để doanh nghiệp và người dân sản xuất nông nghiệp được biết, thấy được hiệu quả của việc tưới tiên tiến, tiết kiệm so với phương pháp tưới truyền thống từ đó người dân sẽ chủ động áp dụng.
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT hoàn thiện bộ quy trình công nghệ, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức áp dụng tưới tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn chủ lực làm cơ sở để triển khai thực hiện, nhân rộng các mô hình.
Thu Thủy