Chủ nhật, 24/11/2024 06:45 (GMT+7)
    Thứ sáu, 06/05/2022 11:00 (GMT+7)

    Đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

    Theo dõi KTMT trên

    Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc triển khai thực hiện Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

    Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn của Nhà nước; đồng thời để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của người dân trước mùa mưa bão năm 2022, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1502/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thực hiện Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

    Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án

    Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao quy định tại Nghị định số 69/2021/NĐ-CP. Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng các nhà chung cư cũ trên địa bàn và lập danh mục các nhà chung cư, khu chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại đưa vào kế hoạch thực hiện của địa phương, làm cơ sở để triển khai các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

    Đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư - Ảnh 1
    Nhiều chung cư cũ đã xuống cấp, xập xệ khiến diện mạo đô thị Thủ đô trở nên nhếch nhác. (Ảnh: T/L)

    Các địa phương khẩn trương tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại để các nhà đầu tư có cơ sở tham gia xây dựng phương án đầu tư, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án.

    Các địa phương chịu trách nhiệm ban hành hệ số K bồi thường tại các khu vực, vị trí có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại để người dân biết khi tham gia lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản làm chủ đầu tư dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư; Ban hành các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, làm cơ sở cho các nhà đầu tư căn cứ vào năng lực, kinh nghiệm triển khai dự án của mình để tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án. Lập phương án, dự kiến các địa điểm để bố trí chỗ ở tạm thời phục vụ xây dựng lại trên địa bàn theo kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được phê duyệt.

    Đồng thời, tổ chức tập huấn, tuyên truyền rộng rãi đến các cấp, các ngành và người dân đang sinh sống tại các khu vực có nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại để tạo sự đồng thuận và sự tham gia rộng rãi của người dân, làm cơ sở để triển khai nhanh chóng, thuận lợi các cơ chế, chính sách về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP.

    Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) chủ động đôn đốc, phối hợp với các địa phương trong việc thực hiện các quy định tại Nghị định số 69/2021/NĐ-CP nhằm đẩy nhanh công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

    Quan điểm và giải pháp của chuyên gia

    Đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư - Ảnh 2
    Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam. 

    KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu quan điểm: Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội không phải là một chủ trương mới. Nó đã được xem xét từ nhiều năm nay, tuy nhiên, tại thời điểm này, chúng ta cần nhìn nhận nó bằng một tư duy hoàn toàn mới.

    Về kĩ thuật, các chung cư cũ đã được xây dựng từ những năm 1960-1990. Thời gian đã quá lâu, công nghệ xây dựng chỉ phù hợp với thời kỳ đó. Đó là những chung cư ở Trung tự, Kim Liên, Quỳnh Mai. Nhà chung cư lúc đó giải quyết được rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Căn hộ chung cư khi đó chỉ khoảng 24, 25 m2 trừ căn hộ đầu hồi có thể lên tới 36 m2. Trải qua 30,40 năm như thế, giá trị của các tòa chung cư cũ dần bị mai một. Và đã đến lúc nó cần phải được xây dựng lại.

    Thời kỳ đó chưa đô thị hóa như bây giờ, hầu hết các tòa chung cư đều ở những vị trí rất đắc địa: Gần trường học, chợ, bệnh viện... Vì Nhà nước rất quan tâm, các tòa nhà chung cư khi đó được thiết kế rất bài bản theo kiểu nhà ở của Liên Xô, có sân vườn, trường học, nhà trẻ đều rất gần. Thậm chí còn có cả công viên, thác nước. Tuy nhiên, do cung cách quản lý, chúng ta vẫn quản lý theo kiểu tư duy làng và mang tính nhiệm kỳ, quản lý rất lỏng lẻo. Cư dân trong những căn hộ chung cư đó ngày càng đông, họ không có tiền, không có điều kiện để cải tạo không gian sống. Mãi sau này chuồng cọp mới xuất hiện.

    Diện mạo của các toà chung cư này trở nên nhếch nhác, xập xệ. Các không gian trống, khoảng cách giữa các toà nhà (khoảng 32 m) bị lấn chiếm để bán hàng, làm chợ tạm, chợ cóc, có chợ còn được hợp thức hoá, thành khu mua sắm sầm uất. Trong khi diện mạo đô thị mới ngày càng khang trang hiện đại, thì những chung cư cũ này trở nên tồi tàn, nhếch nhác. Con người sống ở đó thực chất là đang cố sống, chứ không phải là nơi sống tốt, đảm bảo an toàn, chưa nói đến tiện nghi tối thiểu.

    Từ 20 năm nay, Hà Nội đã muốn cải tạo lại những chung cư cũ này nhưng chưa thể làm được, vì còn đang lấn cấn về nguồn lực và cách thức vận hành. Đã có thời kỳ người ta coi vấn đề này là giao cho doanh nghiệp, Nhà nước hỗ trợ. Điều này rất mập mờ vì doanh nghiệp họ làm vì lợi nhuận chứ không phải là làm từ thiện. Việc cải tạo những chung cư cũ này là trách nhiệm của nhà nước, phải lấy quỹ An Sinh để làm.

    Muốn làm, trước hết phải thay đổi tư duy. Những khu chung cư đó phải là những khu đô thị nén. Một khu đất có 10 chung cư 5 tầng, giờ chỉ cần xây 2 toà chung cư 30 tầng, thì quỹ đất dôi dư ra để dành xây trường học, nhà trẻ, vườn hoa, cây xanh để tạo không gian đáng sống. Chúng ta cần điều chỉnh quy hoạch, cho phép xây cao tầng….

    Thứ hai, chúng ta cần bỏ ngay tư duy đền bù nhiều hơn cho những người đang sống ở đấy. Hiện nay Bộ Xây dựng đã cấp phép cho căn hộ 25 m2, vẫn bằng diện tích chung cư cũ, nhưng được thiết kế đồng bộ và tiện nghi hơn, nội thất hiện đại hơn, vẫn đáp ứng được nhu cầu ăn ở và sinh hoạt cho người dân. Với người dân đang sinh sống ở đấy, Đảng và Nhà nước rất nhân đạo, rất dân chủ nhưng cần phải làm nghiêm theo pháp luật.

    Khi thu hồi, chỉ thu hồi và đền bù đúng diện tích đã giao, không chấp nhận phần cơi nới, tự cải tạo. Có thể đền bù một phần chi phí cải tạo, cơi nới. Riêng về đất, người dân chỉ có quyền sử dụng đất và công trình trên đất, quyền sở hữu thuộc về Nhà nước, khi cần thiết Nhà nước phải thu hồi. Phải thống nhất và quyết liệt.

    Thứ ba, cần bỏ ngay tư tưởng trông chờ vào doanh nghiệp. Doanh nghiệp họ làm vì lợi nhuận. Chủ trương, chính sách đúng thì chúng ta đừng lấn cấn. Chúng ta có quyền điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh theo hướng có lợi cho nhân dân chứ không phải phục vụ doanh nghiệp. Khi làm được như vậy thì những chung cư cũ sẽ được thay đổi. Ở đó sẽ mọc lên những chung cư mới của thời đại mới, mang tính nhân văn, tính ưu việt của chế độ, để tạo nơi ở, tạo không gian sống an toàn, văn minh, hiện đại cho người dân…

    Đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư - Ảnh 3
    TS.KTS Nguyễn Cao Lãnh, Trưởng Khoa Kiến trúc, trường Đại học Xây dựng.

    TS.KTS. Nguyễn Cao Lãnh, Trưởng Khoa Kiến trúc, trường Đại học Xây dựng đề xuất: Về bài toán cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội, đã có nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đưa ra những giải pháp và thực hiện thử nghiệm ở một số khu vực. Tuy nhiên vẫn chưa thực sự hiệu quả vì chủ yếu chúng ta vẫn xem xét ở vấn đề đầu tư. Muốn cải tạo chung cư cũ thì cần có những doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào. Tuy nhiên nếu để doanh nghiệp làm, doanh nghiệp sẽ đòi hỏi phải có lợi nhuận.

    Vậy, tại sao chúng ta không xem xét phương án để chính những người dân đang sống tại chung cư ấy tự đầu tư vào? Hiện nay, ở trường Đại học Xây dựng, chúng tôi đã có một số những nghiên cứu về phương án kêu gọi huy động vốn đầu tư từ cộng đồng để cải tạo, thậm chí là xây lại những chung cư cũ đó. Chúng tôi đã tổ chức một số hội thảo tương đối lớn để nghiên cứu về vấn đề này. Đồng thời đã thử thực hiện khảo sát thí điểm ở một chung cư cũ trên đường Giải Phóng. Qua đó cho thấy, đây là một trong những giải pháp được đánh giá là hay nhất, tạo được sự đồng thuận của người dân.

    Đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư - Ảnh 4
    Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS. Đào Ngọc Nghiêm.

    Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: Từ năm 1992, Hà Nội đã đặt vấn đề cải tạo chung cư cũ. Nếu muốn đột phá thì cần sửa đổi, bổ sung một số luật, báo cáo Chính phủ, Quốc hội cho thành phố một số cơ chế đặc thù về vấn đề này. Cùng với đó, cần xác định rõ vai trò trong cải tạo chung cư cũ; tỷ lệ người dân đồng thuận bao nhiêu thì được triển khai; lựa chọn chủ đầu tư theo tiêu chí nào; thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch có được phân cấp không…

    Thành phố cần xây dựng kế hoạch cải tạo chung cư cũ giai đoạn 2021-2025; xác lập tiến trình lập quy hoạch chi tiết các chung cư cũ; xác định các chung cư cũ nguy hiểm để có thể thí điểm một nơi làm một cách triệt để để người dân thấy là “quyết tâm làm chứ không phải là không làm”.

    Bên cạnh đó, ông Nghiêm cũng cho rằng: Cần cơ chế, chính sách đền bù tái định cư khi di dời, cải tạo chung cư cũ, không để xảy ra tình trạng thành tích của nhiệm kỳ này thành gánh nặng cho nhiệm kỳ sau.

    Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đặc biệt bảo đảm an toàn cho người dân trước mùa mưa bão năm nay, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng các nhà chung cư cũ trên địa bàn và lập danh mục các nhà chung cư, khu chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại đưa vào kế hoạch thực hiện (của địa phương), làm cơ sở để triển khai các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới