Chủ nhật, 24/11/2024 07:57 (GMT+7)
Thứ tư, 01/06/2022 16:00 (GMT+7)

ĐBQH: Chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế ban hành khẩn trương nhưng triển khai rất chậm

Theo dõi KTMT trên

Nhiều ĐBQH cho rằng, việc ban hành các Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp và người dân rất kịp thời, nhưng đến nay vẫn còn không ít nội dung chưa được triển khai, dòng tiền trong các gói hỗ trợ chưa đến được với đối tượng thụ hưởng hoặc chưa đáng kể.

Sáng 1/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Gói hỗ trợ triển khai vẫn chậm

Cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) nhận định, gói hỗ trợ nếu dùng không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với người dân, do đó đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm để các gói hỗ trợ phát huy hiệu quả.

Đại biểu Tạ Minh Tâm cho biết, việc ban hành các Nghị quyết đã rất kịp thời, nhằm ứng phó với hoàn cảnh bất thường, chưa từng có tiền lệ. Tại Kỳ họp bất thường Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, sau đó 19 ngày, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP với 5 nhóm giải pháp trọng tâm và bố trí nguồn lực cụ thể. Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ được ví như cú hích hay là phao cứu sinh phục hồi và vực dậy nền kinh tế, tạo niềm tin phấn khởi trong cộng đồng doanh nghiệp và người lao động.

ĐBQH: Chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế ban hành khẩn trương nhưng triển khai rất chậm - Ảnh 1
Đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) phát biểu tại Kỳ họp. (Ảnh: Quochoi.vn)

“Tuy nhiên, từ khi được ban hành đến nay đã hơn 4 tháng, còn không ít nội dung vẫn còn đang trong quá trình tham vấn, trao đổi giữa các cơ quan chức năng. Thủ tướng Chính phủ đã phải có các công điện để đôn đốc, chỉ đạo các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phải triển khai nhanh, đúng, đủ để người dân và doanh nghiệp sớm được thụ hưởng chính sách” – Đại biểu nêu.

Cùng với đó, đến nay dòng tiền thông qua các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP phần lớn vẫn chưa đến được các đối tượng thụ hưởng hoặc một số chính sách đã có đến nhưng chưa đáng kể.

Đại biểu Tạ Minh Tâm cho biết, trên thực tế còn có những vướng mắc, lúng túng, chậm hướng dẫn trong thực thi các chính sách như giảm thuế VAT, việc hỗ trợ lãi suất hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gia hạn thuế và tiền thuê đất…

Đề nghị triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2% cho người dân, doanh nghiệp

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) bày tỏ sự ấn tượng về những kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và triển khai các Nghị quyết phục hồi, phát triển kinh tế của Quốc hội thời gian qua.

Tuy nhiên, theo bà cần phải đẩy nhanh các chương trình phát triển kinh tế-xã hội để đưa vào cuộc sống hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là việc hỗ trợ lãi suất 2% mỗi năm được các doanh nghiệp và người dân rất kỳ vọng.

ĐBQH: Chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế ban hành khẩn trương nhưng triển khai rất chậm - Ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình). (Ảnh: Quochoi.vn)

Trước kỳ họp Quốc hội 3 ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31 quy định về việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam phát sinh từ hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại. Nghị định đã hiện thực hóa việc giảm lãi suất 2% nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để tạo động lực phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng; các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19.

Đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành phối hợp điều hành linh hoạt, quyết liệt và kịp thời hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai nhanh việc hỗ trợ vay cho các doanh nghiệp và người dân.

Cũng quan tâm tới việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hậu Covid-19, Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng Nghị quyết số 43 của Quốc hội có quy mô gần 350.000 tỷ đồng đã được thảo luận và thông qua khẩn trương, nhưng khi triển khai thì tiến độ rất chậm. Cùng với đó, việc giải ngân vốn đầu tư công cũng được triển khai chậm và không đạt kế hoạch với 71.600 tỷ đồng ngân sách Trung ương chưa được giải ngân, bao gồm 16.000 tỷ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ trong năm 2021.

Do đó, Đại biểu đoàn Điện Biên đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn để nền kinh tế phát triển bền vững hơn, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện tốt hơn.

Còn theo Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu), tình hình kinh tế - xã hội vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, các yếu tố bên ngoài tác động do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội.

Theo Đại biểu , để tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 43 của Quốc hội, một trong những giải pháp quan trọng là phải giải quyết một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, đầu tư công...

"Một số dự án đầu tư công chậm triển khai là do vướng mắc về chuyển đổi đất lúa, đất rừng, đền bù giải phóng mặt bằng cũng do cơ chế chính sách pháp luật còn bất cập. Trong khi đó, Nghị quyết 43 của Quốc hội chỉ được áp dụng cho 2 năm là 2022 và năm 2023", Đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm hơn nữa việc phân cấp, phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các địa phương quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp trên theo phân cấp quản lý để đạt được mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội đề ra trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết ĐBQH: Chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế ban hành khẩn trương nhưng triển khai rất chậm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới