Đề nghị Hải Phòng kiểm tra, xử lý vấn nạn 'tận diệt' chim trời Cát Bà
Theo đề nghị của Tổng cục Lâm nghiệp, UBND TP.Hải Phòng cần chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sát hại chim trời ở Cát Bà.
Ngay sau khi Báo điện tử VietnamPlus đăng tải loạt bài điều tra “Tiếng kêu cứu của chim trời Cát Bà: Nỗi đau ai thấu?” phản ánh tình trạng bẫy bắt, buôn bán, giết hại chim hoang dã di cư đang diễn ra rầm rộ tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có công văn gửi UBND TP.Hải Phòng, đề nghị kiểm tra thực tế và xử lý dứt điểm.
Trước đó, từ ngày 30/11 đến ngày 3/12/2020, Báo điện tử VietnamPlus đã liên tiếp đăng tải các bài viết phản ánh tình trạng bẫy bắt chim di cư có nguồn gốc từ tự nhiên tại khu vực đảo Cát Bà, Cát Hải thuộc huyện đảo Cát Hải, TP.Hải Phòng, đặc biệt là các xã vùng đệm xung quanh Vườn quốc gia Cát Bà.
Sau khi bẫy bắt chim hoang dã di cư tại các khu vực trên đảo, người dân đi bẫy bắt chim và các “đầu nậu” đã vặt lông, thui sống, chế biến, vận chuyển chim đông lạnh đi tiêu thụ trên địa bàn thành phố và các tỉnh.
Điều đáng nói là tình trạng sát hại chim trời ở quần đảo Cát Bà đã diễn ra như “cơm bữa” suốt 20 năm qua, song cơ quan chức năng địa phương, nhất là lực lượng kiểm lâm khu vực lại “bất lực” trong công tác ngăn chặn, xử lý.
Từ đó, tình trạng bẫy bắt, buôn bán, “tận diệt” chim trời vẫn xảy ra thường xuyên, có dấu hiệu ngày càng lan rộng. Thực trạng này không chỉ làm xấu hình ảnh đảo Cát Bà, mà còn khiến nhiều loài chim đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, thậm chí có loài đã biến mất.
Ghi nhận thông tin Báo điện tử VietnamPlus phản ánh, để bảo vệ các loài chim hoang dã di cư, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp đã đề nghị UBND TP.Hải Phòng xem xét, thực hiện các giải pháp cấp bách.
Theo đó, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị UBND TP.Hải Phòng chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; đặc biệt là tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi khai thác, bẫy, bắt, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, tiêu thụ động vật nói chung và các loài chim tự nhiên di cư trên địa bàn quản lý.
Bên cạnh đó, UBND TP.Hải Phòng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về bảo vệ động vật hoang dã; khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim hoang dã nguy cấp, quý hiếm.
Trong diễn biến liên quan, trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng khẳng định sẽ yêu cầu địa phương (TP.Hải Phòng) kiểm tra, xử lý tình trạng bẫy bắt, giết hại, buôn bán chim hoang dã di cư trên quần đảo Cát Bà để bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong ngày hôm nay, 4/12, đoàn công tác của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) do bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, làm Trưởng đoàn sẽ xuống làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như các cơ quan liên quan của TP.Hải Phòng.
Mai Mạnh - Trang Hà