Chủ nhật, 24/11/2024 08:35 (GMT+7)
    Thứ năm, 21/04/2022 11:00 (GMT+7)

    Đề nghị tiếp tục đấu giá các lô “đất vàng” còn lại ở Thủ Thiêm

    Theo dõi KTMT trên

    Cần tiếp tục tổ chức đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm là kiến nghị được nhiều đại biểu nêu ra tại hội thảo “Đấu giá quyền sử dụng đất, thực tiễn pháp lý và giải pháp” tổ chức ngày 20/4.

    Tiếp tục cho đấu giá để chuyển giao các lô đất còn lại

    Nhiều đại biểu tại Hội thảo “Đấu giá quyền sử dụng đất, thực tiễn pháp lý và giải pháp” đề nghị tiếp tục tổ chức đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm.

    Hội thảo do Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, Viện Kinh tế Xanh và Báo Pháp luật TP.HCM phối hợp tổ chức, với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, địa phương, cùng nhiều chuyên gia pháp luật, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.

    Đề nghị tiếp tục đấu giá các lô “đất vàng” còn lại ở Thủ Thiêm - Ảnh 1
    Bảng đồ phân lô đất tại Thủ Thiêm (Hình minh hoạ).

    Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam - ông Nguyễn Văn Đính, cho rằng, khu vực Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP.HCM) cơ bản đã là một khu đô thị với hạ tầng hoàn chỉnh, chỉ chờ khai thác. Thủ Thiêm có vị trí đặc thù, cấu trúc dân cư và vai trò tương tự như các khu đô thị có giá trị thương mại cao trên thế giới như Manhattan (New York, Mỹ) hay Phố Đông (Thượng Hải, Trung Quốc).

    Đề nghị tiếp tục đấu giá các lô “đất vàng” còn lại ở Thủ Thiêm - Ảnh 2
    Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam.

    Theo ông Đính, Thủ Thiêm có dáng dấp của một “đô thị tinh hoa”, vì vậy có quy hoạch cho việc phát triển các ngành kinh tế thích hợp, đặc biệt là tài chính, ngân hàng, công nghệ cao và cả công nghiệp giải trí. Từ đó, thu hút dần các hoạt động mới ra khỏi khu trung tâm cũ.

    "TP.HCM cần xem xét việc tiếp tục cho đấu giá để chuyển giao các lô đất còn lại trong khu đô thị Thủ Thiêm, có thể điều chỉnh về mặt kỹ thuật cho phù hợp. Diện tích “đất vàng” còn lại này của Thành phố chỉ có thể bán được một lần duy nhất nên tại bất cứ thời điểm nào, cần thu về lợi ích tài chính tới cho Thành phố, làm nguồn lực giải quyết các vấn đề xã hội", ông Đính cho hay.

    TS. Đoàn Thị Phương Diệp, Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, kiến nghị, cần tiếp tục tổ chức đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm để có đầy đủ dữ liệu cũng như xem xét các góc độ của thị trường.

    Đề nghị tiếp tục đấu giá các lô “đất vàng” còn lại ở Thủ Thiêm - Ảnh 3
    Tiến sĩ Đoàn Thị Phương Diệp, Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM.

    Theo bà Diệp, nếu giá đất ở các cuộc đấu giá sau đó tiệm cận với giá thị trường hoặc tăng trong ngưỡng phổ biến thì các quy định pháp luật về đấu giá cũng tương đối phù hợp. Một trường hợp đơn lẻ không thể “quy nạp” tính hệ thống và đưa ra các nhận định khi chưa có minh chứng về việc giá đất ở Thủ Thiêm tăng đột biến.

    Bài học từ vụ Thủ Thiêm, đảm bảo tính khả thi trong đấu giá đất

    Về việc lực chọn nhà đầu tư, bà Diệp dẫn chứng, tại Điều 58, Luật Đất đai chỉ yêu cầu để có thể tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải “có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư”. Tuy nhiên, năng lực tài chính để đảm bảo là như thế nào thì chưa được xác định rõ.

    Điều này có thể dẫn đến kết quả chủ đầu tư tham gia đấu giá đã trúng đấu giá nhưng không có năng lực tài chính để xác lập giao dịch như đã xảy ra thời gian qua. Bà Diệp nhấn mạnh: “Khó có thể yêu cầu nhà đầu tư phải đủ năng lực tài chính tự thân để thực hiện toàn bộ dự án, nhưng ít nhất chủ đầu tư phải chứng minh một cách thuyết phục việc sử dụng nguồn vốn từ đâu và như thế nào để cơ quan nhà nước có thể thẩm định trước khi quyết định cho tham gia đấu giá.

    Việc cụ thể hóa hơn nữa điều kiện này giúp kiểm soát chặt nhà đầu tư đủ năng lực tài chính để tham gia đấu giá và ký kết, thực hiện hợp đồng sau khi trúng đấu giá”.

    Chính vì thế, bà Diệp kiến nghị, cần hoàn thiện hơn quy định của Luật Đầu tư bằng cách quy định cụ thể về việc thẩm tra khả năng tài chính của nhà đầu tư trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư. Từ việc chấp thuận này nhà đầu tư mới có đủ tư cách để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

    Năng lực tài chính cầm thẩm tra không chỉ đơn giản là việc chủ đầu tư có đủ năng lực để tham gia, ký kết hay thực hiện hiện hợp đồng mua tài sản sau khi trúng đấu giá mà còn là khả năng đi đến cùng của việc thực hiện dự án đầu tư.

    Còn theo bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield, bất động sản đóng góp mỹ quan cực kỳ lớn của đô thị, kiến trúc thành phố, nâng tầm khu vực.

    Đề nghị tiếp tục đấu giá các lô “đất vàng” còn lại ở Thủ Thiêm - Ảnh 4
    Bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: HOÀNG GIANG)

    Vì vậy, góp ý về việc lựa chọn chủ đầu tư, bà Trang cho rằng bên cạnh việc đánh giá năng lực chủ đầu tư cần đánh giá thêm về năng lực đóng góp mỹ quan, kiến trúc của đô thị cho TP.HCM. Với dòng vốn FDI đang đầu tư vào thị trường Việt Nam thì còn rất nhiều cơ hội cho các khu đất ở Thủ Thiêm.

    Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp đã thông tin về kết quả rà soát pháp luật sau vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại Thủ Thiêm.

    Đề nghị tiếp tục đấu giá các lô “đất vàng” còn lại ở Thủ Thiêm - Ảnh 5
    Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Bình – Cục Trưởng Cục Công Tác Phía Nam – Bộ Tư Pháp.

    Theo đó, Bộ Tư pháp thấy rằng hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay còn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến sự không thống nhất giữa các quy định của pháp luật đất đai và quản lý thuế về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

    Điều này dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau, gây ra khó khăn, lúng túng cho nhiều địa phương trong quá trình thực hiện cũng như tiềm ẩn các vấn đề về khiếu nại, tố cáo có thể phát sinh. Điển hình như quy định pháp luật và việc áp dụng các quy định về việc nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất này tại các địa phương đang không thống nhất.

    Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, Bộ Tư pháp kiến nghị Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản để sửa đổi, hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản.

    Hiện Bộ Tư pháp đang nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 12/2022.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Đề nghị tiếp tục đấu giá các lô “đất vàng” còn lại ở Thủ Thiêm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới