Chủ nhật, 24/11/2024 06:40 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/09/2023 20:50 (GMT+7)

Đề xuất Cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn có gì đặc biệt?

Theo dõi KTMT trên

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Đề xuất Cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn có gì đặc biệt? - Ảnh 1

Dự thảo Nghị định này quy định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, thông qua chuyển đổi, thành lập, mở rộng, phát triển mới các dự án tổ hợp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu sản xuất chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung sang ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tích hợp các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển, hỗ trợ chuyển đổi mô hình và quản lý nhà nước đối với dự án ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

"Kinh tế tuần hoàn" là một mô hình tổ chức hoạt động kinh tế hiện đại có tính khép kín và liên hoàn của nhiều đơn vị sản xuất gắn kết với nhau trên nguyên tắc "mọi thứ đều là đầu vào của sản phẩm khác", tận dụng hiệu quả dịch vụ kết nối (tài chính, logistics, công nghệ thông tin và truyền thông), hướng tới liên kết sản xuất có tính tuần hoàn nhằm: tiết kiệm chi phí sản xuất và tối ưu hóa giá trị gia tăng trên cơ sở giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất, hợp lý hóa quy trình đầu vào - đầu ra của các quy trình gắn với đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và thu nhập của người lao động, sản xuất và sử dụng hợp lý các dạng năng lượng tái tạo trong sản xuất và phục hồi tài nguyên có thể tái tạo được, thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giảm phát thải và góp phần chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Đối tượng áp dụng gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức sản xuất, hợp tác liên kết, hợp tác kinh doanh trong các dự án ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan tới quản lý, thành lập, phát triển mới, chuyển đổi các dự án ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Theo dự thảo, mục tiêu của Cơ chế thử nghiệm nhằm tạo môi trường thử nghiệm cho chuyển đổi, phát triển, vận hành thành công các dự án tham gia cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện việc làm, thu nhập cho người lao động trong quá trình tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh.

Đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tiếp cận, thử nghiệm, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, các giải pháp chuyển đổi số, công nghệ mới hiện đại, có tính đột phá, thích ứng với các xu hướng lớn trên toàn cầu, thân thiện với chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, phù hợp với xu hướng phát triển xanh, bền vững, tích hợp linh hoạt giữa các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng trên nền tảng đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, hiệu quả kinh tế bền vững.

Quá trình xét duyệt tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm đảm bảo tính minh bạch về tiêu chí, quy trình đánh giá, lựa chọn.

4 lĩnh vực được phép thử nghiệm tại Cơ chế thử nghiệm

Dự thảo nêu rõ 4 lĩnh vực được phép thử nghiệm tại Cơ chế thử nghiệm gồm:

1. Nông, lâm nghiệp và thủy sản;

2. Công nghiệp;

3. Năng lượng tái tạo;

4. Vật liệu xây dựng.

Điều kiện và tiêu chí tham gia Cơ chế thử nghiệm

Tổ chức được xem xét cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm khi đáp ứng đồng thời các điều kiện và tiêu chí như sau:

Điều kiện: a- Là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành; b- Có năng lực tài chính hoặc kế hoạch tiếp cận tài chính rõ ràng, khả thi; không có nợ xấu, vi phạm nghiêm trọng về thuế hoặc công bố thông tin theo quy định của pháp luật; c- Có dự án kinh tế tuần hoàn cụ thể hoặc đề xuất dự án kinh tế tuần hoàn cụ thể thuộc 4 lĩnh vực quy định ở trên.

Các tiêu chí gồm: 

- Dự án kinh tế tuần hoàn có kế hoạch khả thi và có tiềm năng phát huy tác động tích cực cả về kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó tác động về kinh tế là chủ đạo, thể hiện qua lợi nhuận của doanh nghiệp, năng suất lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động. 

- Dự án kinh tế tuần hoàn chủ yếu sử dụng nguyên liệu đầu vào trong nước.

- Dự án kinh tế tuần hoàn dựa đáng kể trên nền tảng tiếp cận, ứng dụng và làm chủ các thành tựu của Cách mạnh Công nghiệp 4.0; trường hợp nhập khẩu và sử dụng các công nghệ của các nước phát triển thì phải có kế hoạch rõ ràng và khả thi về chuyển giao công nghệ, làm chủ và tiến tới phát triển công nghệ ở Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Khánh Linh

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất Cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn có gì đặc biệt?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới