Chủ nhật, 24/11/2024 07:44 (GMT+7)
Thứ ba, 24/11/2020 08:28 (GMT+7)

Đề xuất giải pháp giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm liên quan đến rác thải nhựa

Theo dõi KTMT trên

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo khoa học “Sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chất dẻo tự phân hủy - Triển vọng thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại Việt Nam”. 

Hội thảo nhằm làm rõ cơ sở khoa học, thực tiễn về chất dẻo tự phân hủy và cơ chế, chính sách phát triển sản xuất, tiêu dùng sản phẩm chất dẻo tự phân hủy tại Việt Nam, qua đó đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng chung tay bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của đất nước. 

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài; Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường; Tiến sĩ Nguyễn Linh Ngọc, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường, đồng chủ trì Hội thảo.

Đề xuất giải pháp giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm liên quan đến rác thải nhựa - Ảnh 1

Khẳng định bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa là một nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được quy định rõ trong văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được cụ thể hóa trong hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài khẳng định: Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường gắn với phong trào chống rác thải nhựa đã được Mặt trận các cấp duy trì thường xuyên và đạt những kết quả tích cực. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả như: tuyên truyền, vận động; xây dựng mô hình điểm; tư vấn, giám sát, phản biện xã hội; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân; tổ chức phát động ra quân làm vệ sinh môi trường, nhất là vận động nhân dân thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa”. Những hoạt động của Mặt trận các cấp đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân; huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân cùng chung tay bảo vệ môi trường. 

Theo ông Phùng Khánh Tài, tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững. Hiện nay, việc phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, xử lý rác thải chưa đồng bộ, hiệu quả. Các giải pháp giảm thiểu chất thải rắn trong sinh hoạt chưa được chú trọng. Việc áp dụng các công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường còn hạn chế…

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đều thống nhất nhận định: Vấn đề rác thải nhựa trên thế giới đang ngày càng trở nên cấp bách, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, sức khỏe con người. Mỗi năm thế giới thải ra 300 triệu tấn rác thải nhựa; gần 1/3 số túi nilon con người thải ra không được thu gom, xử lý; hơn 9,1 tỉ tấn rác thải nhựa đang tích tụ trên trái đất. Rác thải nhựa và túi nilon thải ra môi trường đang tăng theo cấp số nhân, tàn phá môi trường sống của con người và cả thế giới động vật, đặc biệt là sinh vật biển. 

Dẫn đánh giá của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nêu thực tế: Tại Việt Nam rác thải nhựa chiếm khoảng 50 đến 80% rác thải biển.

Để giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm liên quan đến rác thải nhựa, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Linh cho rằng cần phát động các phong trào thúc đẩy sản xuất gắn liền với sử dụng, tái sử dụng sản phẩm của nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng về nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa để người dân tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa khó phân hủy, chuyển sang sử dụng các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Kim Chi, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường, thực tế hiện nay ngày càng phát sinh nhiều sản phẩm nhựa và chất thải nhựa, song lại chưa có các biện pháp kiểm soát tích cực vấn đề này. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tác động xấu, làm ô nhiễm môi trường. 

“Nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường trước những tác động tiêu cực của chất thải nhựa, cần thiết phải có các giải pháp quản lý tổng hợp từ chính sách, quy hoạch phát triển sản phẩm nhựa; giáo dục, tuyên truyền hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa. Các giải pháp công nghệ - kỹ thuật là rất cần thiết, cần được khuyến khích, đầu tư, tạo điều kiện để có được các kết quả áp dụng vào thực tế”, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Kim Chi nhấn mạnh. 

Thông tin về chính sách, quy định quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa và định hướng hoàn thiện, đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và một số bộ, ngành liên quan đang tiếp tục phối hợp hoàn  thiện cơ chế khuyến khích sản xuất túi thân thiện với môi trường; xây dựng chính sách hạn chế sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt và sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng thời, việc tạo lập thị trường tiêu dùng cho các sản phẩm túi thân thiện với môi trường thay thế túi nilon sẽ được từng bước triển khai song song với các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tái chế chất thải túi nilon khó phân hủy thành các sản phẩm sinh học...

Hiền Hạnh

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất giải pháp giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm liên quan đến rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới