Chủ nhật, 24/11/2024 06:57 (GMT+7)
Thứ ba, 28/01/2020 07:00 (GMT+7)

Dệt thảm xanh giữa biển trời Trường Sa

Theo dõi KTMT trên

Ai chưa một lần đặt chân lên quần đảo Trường Sa hẳn sẽ nghĩ nơi đây chỉ có cát biển, nắng, gió và san hô. Thế nhưng, giữa mênh mông biển khơi, qua bàn tay, công sức của cán bộ, chiến sỹ Hải quân, các hòn đảo lớn nhỏ của quần đảo Trường Sa nay đã phủ một màu xanh ngát giữa biển trời Tổ quốc.

Dệt thảm xanh giữa biển trời Trường Sa - Ảnh 1
An Bang là đảo có thời tiết khắc nghiệt nhất, sóng dữ nhất trong quần đảo Trường Sa.

Ðảo An Bang là đảo nổi gần xích đạo nhất của Việt Nam. Cũng vì vị trí nằm gần xích đạo nên thời tiết trên đảo rất khắc nghiệt. Vào mùa gió Bắc, sóng mạnh đưa nước biển trùm toàn đảo, mọi đồ vật, lá cây lúc nào cũng phủ lớp muối mỏng.

Hòn đảo này trước đây được ví là “lò vôi”, bởi lớp cát san hô trên đảo trắng đục như vôi, được đốt nóng bằng nhiệt độ có khi lên tới 40 độ C vào mùa khô (từ tháng 2 tới tháng 5 hằng năm). Với thời tiết đó, người sống trên đảo đã là kỳ tích nói gì tới cây cối.

Thời kỳ đầu, khi Hải quân ta đặt chân lên đảo chỉ có 1 cây dừa độc nhất trơ gan cùng sóng gió. Tới nay cây dừa cũng chỉ cao khoảng 4 mét, lá nửa xanh nửa khô đen vì nước mặn. Cây thứ 2 sống được trên đảo An Bang là bàng vuông.

Dệt thảm xanh giữa biển trời Trường Sa - Ảnh 2
Hoa bàng vuông khoe sắc trên đảo Trường Sa.

“Khoảng 25 năm trước, một hạt bàng vuông khô dạt vào đảo, anh em nhặt về ươm, hơn 2 tháng sau hạt nảy mầm. Ðầu tiên cây trồng trong chậu, mỗi khi gió đổi mùa lại phải bê cây chạy quanh đảo để tránh nước mặn, sau đó mới trồng cây ra đất đảo”, Thiếu tá Ðặng Ngọc Nam, nguyên Chỉ huy trưởng đảo An Bang kể lại.

Ấy vậy mà từ cây bàng vuông đầu tiên đó, các chiến sĩ đã chiết, ươm hạt và trồng dần. Giờ An Bang đã mướt màu xanh. Hiện nay, bàng vuông có mặt hầu hết ở các đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa. Thân cây bàng vuông chắc và dẻo nên chịu được các trận bão lớn. Rễ cây vững chắc bám sâu vào lòng đá san hô giữ lại nguồn nước mưa quý hiếm cho đảo.

Ðược biết, một trong những nhiệm vụ của các chiến sĩ là phủ xanh đảo. Mỗi người lính ra làm nhiệm vụ phải trồng và chăm ít nhất một cây. Cây xanh không chỉ là lớp bảo vệ, che chắn cho đảo mà còn giúp dịu bớt cái nóng.

Dệt thảm xanh giữa biển trời Trường Sa - Ảnh 3
Chiến sĩ đảo An Bang chăm bẵm cành bàng vuông mới chiết, chậu và đất đều được đem từ đất liền ra. Ðể trồng được cây trên đảo, các chiến sĩ phải trồng cây trong chậu, mỗi khi gió đổi mùa lại phải bê cây chạy quanh đảo để tránh nước mặn, khi cây cứng cáp mới trồng cây ra đất đảo.

Vườn ươm cây xanh giữa trùng khơi sóng

Khu vườn ươm của đảo An Bang được đặt dưới tán cây bàng vuông cổ thụ. Tán cây bàng là mái che tự nhiên cho các cây con tiếp tục vươn mình. Theo các chiến sĩ trên đảo, cây non nếu chỉ ngấm ít nước muối là chết ngay nên anh em chiến sĩ trên đảo phải lựa gió, căn sóng, bê cây tránh sóng táp.

“Hằng ngày nhìn cây lớn lên, rồi ra hoa, kết trái thấy công sức của anh em được đền đáp. Khoảnh khắc được ngắm những chùm hoa bàng vuông chúm chím từ từ bung nở, khoe sắc trắng tinh, tím hồng dường như những khó khăn, vất vả đã vơi đi nhiều” - một chiến sĩ trên đảo An Bang chia sẻ.

Ðặc biệt, góc phía Tây đảo An Bang có một lớp phân chim lâu năm nằm sâu dưới mặt đảo khoảng 50cm. Lấy lớp đất đó trộn với đất đem từ đất liền ra trồng cây thì không có loại phân bón nào sánh bằng. Cũng nhờ lớp phân hữu cơ đó, rau trên đảo An Bang tốt và nhiều nhất khu quần đảo Trường Sa. Hết mùa gió Bắc, rau trên đảo không mấy khi phải ăn tiết kiệm.

Dệt thảm xanh giữa biển trời Trường Sa - Ảnh 4
Vườn rau xanh mướt trên đảo An Bang.

Không chỉ An Bang, các đảo khác ở Trường Sa đều xem phủ xanh đảo là nhiệm vụ hàng đầu. Trên đảo Trường Sa lớn, nhờ thổ nhưỡng thuận lợi nên cây phát triển tốt hơn với đủ loại, như bàng, bàng vuông, phong ba, tra… Trồng cây trên đảo cũng phải theo từng lớp, gần biển là lớp cây phong ba vì chịu mặn tốt, lớp sau mới tới bàng, bàng vuông, tra…

Không chỉ điều hòa không khí, những tán cây xanh còn che bộ đội, tiếp thêm sức mạnh để các anh vững tay súng bảo vệ biển đảo quê hương.

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ đất nước, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa còn miệt mài dệt thảm xanh giữa trùng khơi sóng vỗ. Vượt bão táp, mưa sa, những tán cây vẫn mạnh mẽ, hiên ngang vươn cao và trường tồn cùng chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Dệt thảm xanh giữa biển trời Trường Sa - Ảnh 5
Các đảo ở Trường Sa nay đã được phủ xanh, rợp bóng bàng vuông.

Ngọc Châu

Bạn đang đọc bài viết Dệt thảm xanh giữa biển trời Trường Sa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới