Chủ nhật, 24/11/2024 08:52 (GMT+7)
Thứ năm, 21/05/2020 06:00 (GMT+7)

Dịch Covid-19: Một 'phước lành' cho loài Tê tê

Theo dõi KTMT trên

Tê tê là một trong những loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, từ khi có tin đồn rằng Tê tê là nguồn gốc mang virus gây đại dịch Covid-19, nạn săn bắt và buôn bán loài động vật này đã giảm đáng kể.

Dịch Covid-19: Một 'phước lành' cho loài Tê tê - Ảnh 1
Loài Tê tê bị săn đuổi ráo riết để lấy vảy và thịt. (Ảnh: Getty Images)

Tê tê bị buôn bán nhiều nhất thế giới

Dịch bệnh Covid-19 là một thảm họa với loài người, nhưng đối với một số loài động vật thì đây lại là một “đặc ân”. Lâu nay, Tê tê loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất thế giới, chiếm tới 20% tổng số buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Theo IUCN, hơn 1 triệu con Tê tê bị săn trộm trong thập kỷ trước năm 2014 và được xếp vào sách đỏ, có nguy cơ tuyệt chủng.

Nhưng trong vài tháng trở lại đây, do sự bùng phát ban đầu của dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc nên Chính phủ nước này cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đã siết chặt việc kiểm soát, ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã.

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cũng kêu gọi các quốc gia hành động quyết liệt hơn nhằm chấm dứt nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trong toàn khu vực. Đại dịch Covid-19 xét ở góc độ này có thể là bước ngoặt cho việc bảo tồn loài Tê tê.

Tê tê hay còn gọi là trút, xuyên sơn, là các loài động vật có vú thuộc Bộ Tê tê (Pholidota). Bộ Tê tê hiện nay chỉ còn một họ Manidae, có ba chi Manis, Phataginus và Smutsia. Thân Tê tê có vảy lớn và cứng. Chúng là loài thú ăn kiến sinh sống ở miền nhiệt đới châu Á và châu Phi. Phần lớn các loại Tê tê sinh hoạt vào ban đêm, dùng khứu giác rất thính để tìm côn trùng. Ban ngày thì cuộn tròn như quả bóng để ngủ.

Toàn thân Tê tê có lớp vảy cứng bao bọc, chỉ chừa phần phía bụng. Mép vảy sắc và nhọn để giúp việc phòng thủ. Tê tê có một lớp vảy bảo vệ dày được tạo ra từ keratin, cùng một vật liệu tạo nên móng tay của con người và sừng tê giác. Tỉ lệ chiếm khoảng 20% ​​trọng lượng của chúng.

Trên thế giới hiện có 8 loài Tê tê, trong đó 4 loài phân bố ở châu Phi và 4 loài ở Châu Á.

Các loài Tê tê ở cả châu Phi lẫn châu Á đều bị con người săn bắn lấy thịt. Tại Trung Quốc, thịt Tê tê được coi là cao lương bổ ích trong Đông y, giúp điều hòa lưu huyết và tăng lượng sữa cho sản phụ nên rất được ưa chuộng, giá đắt đỏ.

Tê tê còn được dùng như một chất khử trùng, hay có thể chữa các bệnh sốt, bệnh ngoài da, hoặc dùng bên ngoài chà lên da bị trầy xước của bệnh nhân, hoặc nghiền nát và tiêu hóa.

Ở Đông Nam Á, các bộ phận cơ thể của chúng còn được sử dụng cho nhiều mục đích tâm linh, nghi lễ và huyền bí.

Do đó, các phần của cơ thể được nhập khẩu số lượng lớn trong thị trường ngầm tại Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Mối đe dọa này cùng với nạn phá rừng, phá hoại môi trường sống đã làm giảm rất nhanh số Tê tê, nhất là loài Manis gigantea.

Hiện nay, tất cả các loài Tê tê đều được liệt kê trong danh sách cấm theo Công ước CITES. Từ năm 2000, tất cả hoạt động vận chuyển, buôn bán Tê tê hoặc các bộ phận cơ thể của chúng đều bị cấm. Tháng 11/2010, Tê tê đã được thêm vào danh sách các động vật có vú khác biệt về mặt di truyền và có nguy cơ tuyệt chủng của Hiệp hội Động vật học London. IUCN cũng đã liệt kê một số loài Tê tê, như Tê tê Java (Manis javanica), Tê tê vàng (Manis pentadactyla) vào danh sách nguy cấp.

“Tội phạm động vật hoang dã gây nguy hiểm cho sức khỏe của hành tinh và sức khỏe của chính chúng ta. Tê tê không gây nguy hiểm cho con người trong sinh cảnh của chúng, nhưng khi chúng bị buôn lậu, giết mổ và bán ở các chợ bất hợp pháp cùng các loài hoang dã khác thì nguy cơ lây truyền virus và các mầm bệnh khác sẽ tăng đáng kể. Để bảo tồn đa dạng sinh học và ngăn chặn tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tiếp theo, nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp cần phải bị chấm dứt”, Giám đốc điều hành Văn phòng Liên hợp quốc về Chống ma túy và tội phạm (UNODC) Ghada Waly nhấn mạnh.

Tin đồn mang virus nguy hiểm chết người

Giả thuyết cho rằng Tê tê là nguồn gốc của dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại một cuộc họp báo được đưa ra bởi Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc tại Quảng Châu vào 7/2/2020. Hai nhà khoa học là Yongyi Shen và Lihua Xiao cho biết họ đã so sánh Coronavirus từ Tê tê và người nhiễm bệnh, trình tự gene của virus được cho là giống nhau đến 99%. Người làm việc ở sở thú Quảng Châu - ông Wu Chen đã giúp chứng minh rằng Tê tê Java mang Coronavirus.

Dịch Covid-19: Một 'phước lành' cho loài Tê tê - Ảnh 2
Tê tê Java được chăm sóc bởi các nhân viên cứu hộ.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu đã không được công bố ở giai đoạn đó và các nhà khoa học cũng không thể xác minh thực hư của thông tin này.

Cũng có thông tin lan truyền khác rằng Coronavirus có thể bắt nguồn từ một chợ động vật và hải sản lớn ở thành phố Vũ Hán. Khu chợ này buôn bán rất nhiều loài động vật hoang dã, nhốt chúng trong các chuồng cũi mất vệ sinh, vô tư giết mổ dưới nền đất. Và đó là cơ hội phát tán virus nhanh chóng. Ngay cả dơi, rắn cũng được cho rằng chính là nguồn lây nhiễm Coronavirus do khả năng lây truyền sang người.

Nhưng ngày 20/2, các nhà khoa học đã công bố một kết quả nghiên cứu mới với sự thay đổi quan trọng về đánh giá trước đó. Theo đó, virus trên Tê tê có liên quan đến gene di truyền của người Viking nhưng nó không có khả năng liên quan trực tiếp đến dịch bệnh Covid-19 do sự khác nhau về trình tự gene đáng kể. Sự giống nhau đến 99% chỉ ở một vùng trong gene. Trên toàn bộ gene, sự giống nhau này chỉ là 90,3%.

Ngừng buôn bán động vật hoang dã

Trước những thông tin trên, vào ngày 24/2, Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố dừng ngay lập tức mọi hoạt động buôn bán và giết thịt động vật hoang dã, bao gồm cả Tê tê. Các nhà chức trách đã cho đóng cửa các chợ động vật hoang dã trên khắp cả nước. Quyết định này đã tác động mạnh tới sự sụt giảm nạn buôn bán Tê tê.

Trước đó, từ năm 2016, việc buôn bán Tê tê đã bị cấm hoàn toàn ở 183 quốc gia đã ký kết "Công ước về buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng". Tất cả 8 loài Tê tê được đặt trong phụ lục 1 của Công ước, như một luật bảo vệ nghiêm ngặt nhất dành cho loài vật này. Song cho đến nay, điều này không làm giảm số lượng Tê tê bị mua bán.

Dịch Covid-19: Một 'phước lành' cho loài Tê tê - Ảnh 3
Biểu ngữ “Chúng ta đều là Tê tê” treo trên tại một tòa nhà ở Bordeaux, Pháp, vào ngày 19/3. (Ảnh: Getty Images)

Ông Xu Ling, Giám đốc nhóm giám sát buôn bán động vật hoang dã Traffic (khu vực Trung Quốc) cho biết: “Hoạt động mua bán vẫn diễn ra nhưng bản chất của các lô hàng đã thay đổi. Trước năm 2016 chúng ta có thể tìm thấy xác Tê tê đông lạnh, thịt được nhập lậu từ các vùng khác của Đông Nam Á đến Trung Quốc. Ngày nay hầu hết các lô hàng hoàn toàn là vảy Tê tê, thường có nguồn gốc từ châu Phi và được vận chuyển bất hợp pháp qua Nigeria".

Gần đây, tháng 8/2019, Cơ quan Bảo hiểm nhà nước Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng chi trả bảo hiểm cho các loại thuốc được làm từ vảy Tê tê từ tháng 1/2020.

Câu hỏi liệu Tê tê có liên quan gì đến đại dịch Covid-19 sẽ chưa thể giải đáp sớm, nhưng có ý nghĩa quan trọng để chấm dứt nạn buôn bán, sử dụng Tê tê. Bởi nhu cầu tiêu tụ Tê tê sẽ giảm mạnh nếu chúng được xác định lây truyền virus chết người.

Theo chuyên gia Li Yuhan thuộc Đại học Oxford, các tổ chức bảo tồn Trung Quốc đã tiến hành khảo sát trên mạng xã hội để đánh giá thái độ của người dân thay đổi như thế nào. Hơn 90% trong số 100.000 người tham gia khảo sát ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn buôn bán động vật hoang dã, bất kể vì mục đích gì.

Nhận thức rõ rằng thị trường động vật hoang dã tạo cơ hội cho bệnh tật lây lan sang người sẽ thúc đẩy hành động nên ngay khi Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm, WWF đã gọi đây là “bước đi kịp thời, cần thiết và quan trọng” không chỉ để bảo vệ động vật hoang dã mà còn cho sức khỏe con người.

“Cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này phải trở thành lời cảnh tỉnh để chấm dứt việc sử dụng không bền vững các loài động vật nguy cấp và các bộ phận của chúng, cho dù là để làm cảnh, để ăn hoặc làm thuốc”.

Quang Huy

Bạn đang đọc bài viết Dịch Covid-19: Một 'phước lành' cho loài Tê tê. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới