Chủ nhật, 24/11/2024 09:32 (GMT+7)
    Thứ sáu, 16/10/2020 10:11 (GMT+7)

    Điểm sáng trong thị trường bất động sản

    Theo dõi KTMT trên

    Theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), tổng lượng sản phẩm nhà ở được bán trên toàn thị trường trong quí III đạt 73.933 sản phẩm.

    Thị trường BĐS đã phục hồi đáng kể
    Số liệu từ báo cáo của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho thấy, tổng lượng sản phẩm nhà ở được bán trên toàn thị trường trong quý III đạt 73.933 sản phẩm. Trong đó, chiếm chủ yếu là căn hộ chung cư với 46.773 căn và 27.160 sản phẩm thấp tầng.

    Tỉ lệ hấp thụ đạt 26.299 (35,5%), tăng khá mạnh so với con số 7.641 sản phẩm của quý I/2020 và 12.640 sản phẩm của quý II/2020.

    Cũng theo Hội này, các sản phẩm được chào bán chủ yếu là hàng tồn từ các quý trước (chiếm khoảng 70%). Tuy nhiên, nguồn cung mới trong quý này đã tăng 21% so với quý I và tăng 23% so với quý II/2020.

    Hội môi giới Bất động sản Việt Nam khẳng định, thị trường BĐS đã có sự phục hồi đáng kể, tỉ lệ hấp thụ từ các sản phẩm mới ghi nhận tăng so với các quý trước.

    VARs nhận định, bước sang quý IV/2020, nếu Việt Nam kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh, kinh tế trong nước hồi phục, thị trường BĐS sẽ ấm dần và phục hồi trở lại. 

    Hướng nào để phát triển phân khúc BĐS công nghiệp?

    Ở một diễn biến khác, các khu công nghiệp (KCN) đều tăng trưởng lượng tìm kiếm trong quý III. Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng tìm kiếm KCN VSIP Bắc Ninh tăng 22%, một số KCN tại TP.HCM như KCN Tân Bình tăng 20%, KCN Hiệp Phước tăng 23%, KCN Tân Tạo tăng 37%.

    Giá đất nền quanh các KCN ở Từ Sơn hay Yên Phong (Bắc Ninh) tăng 1% theo quý; giá đất ở quanh khu vực Bình Dương (Dĩ An, Thuận An) cũng có mức tăng trưởng đáng kể tính theo năm.

    Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, số KCN thành lập trong sáu tháng đầu năm là 336, số KCN đi vào hoạt động là 261, diện tích KCN hoạt động hơn 29.000 ha.

    Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội, tại thời điểm quý III/2020, tổng diện tích đất của các KCN tại 5 tỉnh thành phố công nghiệp chính miền Bắc bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng đạt 13.800 ha, với 9.600 ha đất công nghiệp cho thuê.

    Điểm sáng trong thị trường bất động sản - Ảnh 1
    BĐS công nghiệp là điểm sáng trên thị trường.

    Tỉ lệ lấp đầy trung bình của KCN duy trì ở mức tích cực 78%. Trong đó, các KCN tại Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh đạt tỉ lệ lấp đầy trung bình khoảng 90%. Phần lớn đất công nghiệp còn trống tại các điểm công nghiệp chính nằm tại Hải Phòng và Hưng Yên.

    Trong 9 tháng đầu năm 2020, CBRE ghi nhận sự gia nhập của nhiều khách thuê lớn trong lĩnh vực điện tử, bao gồm doanh nghiệp sản xuất điện thoại ở một KCN tại Bắc Ninh (100ha) và Pegatron ở KCN Deep C Hải Phòng 2. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng được dự đoán sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu BĐS trong thời gian tới và nhiều khách thuê lớn khác cũng sẽ đến và tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.

    Còn tại phía Nam, tỉ lệ lấp đầy bình quân được ghi nhận tại các KCN của 4 tỉnh và thành phố công nghiệp trọng điểm đạt khoảng 84,5%. Đặc biệt, các KCN đang hoạt động ở Bình Dương, Đồng Nai và Long An đều đã đạt tỉ lệ lấp bình quân trên 80%, riêng đối với TP.HCM, tỉ lệ này đã đạt trên 90%.

    Tính đến hết quý III/2020, số lượng các KCN mới chào thuê đất tại khu vực công nghiệp trọng điểm miền Nam rất hạn chế. Theo ghi nhận của CBRE, khu vực công nghiệp trọng điểm miền Nam chào đón 4 KCN mới trong 9 tháng đầu năm 2020. Trong đó, TP.HCM có 1 KCN, tỉnh Long An có 2 KCN và Đồng Nai có 1 KCN. Tổng diện tích đất tự nhiên của các KCN mới đạt 1.373,8 ha với nguồn cung đất công nghiệp cho thuê dự kiến ở mức 906 ha.

    Dưới góc độ chuyên gia, Tiến Sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Công ty Savills Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay việc chọn lựa các nhà đầu tư công nghiệp tại Việt Nam nên tập trung vào những ngành nghề có hàm lượng chất xám cao, giảm bớt thâm dụng lao động. Cùng với đó cần lưu ý việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên người bản địa được học tập và tích lũy trình độ tay nghề cao hơn, để phục vụ cho việc phát triển kinh tế chung của đất nước sau này.

    “Nếu Việt Nam muốn phát triển lớn mạnh phân khúc bất động sản công nghiệp thì cần chú trọng đến việc phát triển hệ thống giao thông nội đô, kho bãi cho quá trình hậu sản xuất thành phẩm hay nguyên liệu thô", Tiến sĩ Sử Ngọc Khương chia sẻ thêm.

    Chia sẻ với Thời báo Kinh doanh, bà Tố Loan, đại diện Tập đoàn Sao đỏ cho rằng, BĐS công nghiệp là điểm sáng trên thị trường. Tuy nhiên, có điều bà Loan băn khoăn đó là việc thu hút các nhà đầu tư lớn, bởi thu hút được cần rất nhiều yếu tố vĩ mô, như chủ trương chính sách của Chính phủ, của tỉnh, thành... Đặc biệt là hành lang pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, kết nối giao thông của vùng…

    Bên cạnh đó, bản thân KCN cần phải sẵn sàng chuẩn bị hạ tầng đón các doanh nghiệp vào đầu tư. Thực tế hiện nay nhiều KCN đi vào hoạt động, nhưng có đất sạch để bàn giao được hay không lại rất là ít. Nhiều vùng phát triển nhưng hiện nay không có đất bàn giao.

    Có những khu vực được quy hoạch diện tích lớn, nhưng chỉ giải phóng được giai đoạn đầu, còn giai đoạn sau có quy hoạch nhưng lại không có đất.

    “Điều quan trọng nhất là hạ tầng và chất lượng hạ tầng như thế nào, có đạt được mong muốn của nhà đầu tư hay không? Có đáp ứng được các giải pháp mà khách hàng cần hay không? Có thể so sánh được với KCN của các quốc gia khác hay không”, bà Loan nhấn mạnh.

    Như vậy có thể thấy, tiềm năng phát triển BĐS công nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề hoàn thiện hạ tầng các KCN đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm để có thể đưa ra quyết định đầu tư của mình.

    Hà Linh

    Bạn đang đọc bài viết Điểm sáng trong thị trường bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới