Chủ nhật, 24/11/2024 09:42 (GMT+7)
Thứ sáu, 15/04/2022 18:50 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 15/4

Theo dõi KTMT trên

Thị trường bất động sản khu vực này “trỗi dậy”...; Các tỉnh vào cuộc xử lý loạn thông tin quy hoạch, mua bán đất đai trên mạng xã hội; Chặn doanh nghiệp bỏ đất đấu giá: Vá lỗ hổng, tạo thị trường lành mạnh… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Các tỉnh vào cuộc xử lý loạn thông tin quy hoạch, mua bán đất đai trên mạng xã hội

Trước thực trạng nhiều nhóm môi giới bất động sản (BĐS) cố tình đăng tải thông tin không đúng về “sốt đất” để đẩy giá lên cao, kích sóng thị trường trên mạng xã hội, chính quyền nhiều địa phương đã và đang vào cuộc chấn chỉnh.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng phát đi thông tin cảnh báo về chiêu trò “thổi giá đất lên cao, gây sốt ảo” từ các nhóm người có chủ ý để trục lợi.

Cụ thể, Sở này cho biết thời gian gần đây, xuất hiện một số nhóm đối tượng có chủ ý tạo ra những đợt “sốt đất ảo” ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng nhằm mục đích trục lợi. Thủ đoạn mà nhóm này sử dụng là tạo điểm nóng để đăng tin không chính xác về nhu cầu người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao dịch đất đai tại huyện Hòa Vang.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 15/4 - Ảnh 1
Nhiều nhóm môi giới cố tình đưa lên mạng xã hội hình ảnh về nhu cầu, lượng người giao dịch mua, bán đất đai để tạo nên làn sóng gây ‘sốt ảo’, nhằm mục đích đẩy giá đất lên caođể trục lợi.

Nhóm đối tượng này đưa lên mạng xã hội hình ảnh về nhu cầu, lượng người giao dịch mua, bán đất đai để tạo nên làn sóng gây “sốt ảo”. Họ làm giá bằng cách mua đi bán lại với nhau, với chiêu trò giá ngày hôm sau tăng hơn so với ngày hôm trước, nhằm đẩy giá đất lên cao qua từng ngày để trục lợi từ việc mua bán đất đai.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, trên thực tế, nhu cầu sử dụng đất của người dân vào mục đích để ở hay sản xuất nông nghiệp là không nhiều, dẫn đến người cuối cùng có tham vọng đầu tư kiếm lời nhầm tưởng giá đất sẽ tăng từng ngày nên mua vào với giá đất rất cao, không đúng với giá trị thực tại thời điểm giao dịch.

Sau Đà Nẵng, đến lượt dân Quảng Ngãi nửa đêm xếp hàng dài chờ làm thủ tục đất đai

Hơn một tháng qua, hàng trăm người dân đổ về Văn phòng tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận Một cửa) của thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi để làm thủ tục liên quan đến đất đai gây nên tình trạng ùn ứ, quá tải.

Hơn một tháng qua, từ 1 giờ sáng trước cổng Trung tâm hành chính công thị xã Đức Phổ lại ồn ào tiếng người. Người dân phải đến từ nửa đêm, ghi tên mình vào một tờ giấy lớn để xếp chỗ, nếu không ghi được tên, sáng hôm sau không thể bốc số giải quyết các thủ tục hành chính. Nhiều người cho hay họ đi bốc số từ sáng hôm trước nhưng chờ đến hết ngày vẫn chưa đến lượt.

Theo thông tin, người dân đến làm hồ sơ đất đai với nhiều mục đích như chia tách, gia hạn. Một số người làm giấy tờ để mua bán khi giá đất tăng, số khác lo sợ hết thời hạn sử dụng đất nông nghiệp (50 năm) mà không gia hạn sẽ bị ảnh hưởng khi thu hồi, bồi thường. Một số người chia đất cho con vì sợ anh em chia rẽ khi giá đất tăng cao do có các dự án sắp triển khai ở địa phương.

Ông N.V.H. đến Bộ phận Một cửa của thị xã Đức Phổ từ 2 giờ sáng để bốc số thứ tự. Đây đã là lần thứ 3 ông H. đi xếp hàng để giải quyết thủ tục về đất đai. “Lần đầu tôi đi 4 giờ sáng, tới ghi danh số 70 coi như xong. Lần sau tôi đi lúc 3 giờ sáng cũng ghi số thứ tự 56. Lần thứ ba tôi đi lúc 2 giờ 30 phút ghi số 43 cũng không kịp bấm số. Còn lần này tôi đi 1 giờ sáng, ghi được số 14. Hi vọng sáng hôm sau sẽ được giải quyết gia hạn quyền sử dụng đất”, ông H. kỳ vọng.

Đến nay, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Ngãi - Chi nhánh Đức Phổ đã bố trí thêm 2 người trực tiếp nhận và trả kết quả ở Bộ phận Một cửa, nâng tổng số người trực tiếp ở bộ phận này lên 4 người. Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Bộ phận Một cửa tiếp tục làm việc vào các ngày thứ 7 từ 16/4 đến ngày 7/5 để xử lý hồ sơ đất đai của người dân.

Thị trường bất động sản khu vực này “trỗi dậy” với nhiều xung lực khiến giá “tăng nhiệt”

Trong quý I/2022, lượng giao dịch bất động sản để bán qua công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh là 648, trong đó đất nền trong khu dân cư có 627 giao dịch (97%). Với nhiều tiềm năng, thị trường bất động sản Phú Yên đang ghi nhận những chuyển biến và tăng trưởng tích cực.

Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh quý I/2022.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 15/4 - Ảnh 2

Tỉnh này cho biết, trong những năm qua, mặc dù nguồn cung bất động sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên khá lớn (bao gồm dự án nhà ở thương mại trong đô thị và các dự án đất nền) nhưng do ảnh hưởng Covid-19 nên thị trường bất động sản Phú Yên khá trầm lắng, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất chưa sôi động, vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách tỉnh từ tiền sử dụng đất.

Trong quý đã tổ chức bán đấu giá thành công 52 lô đất liền kề thuộc Khu dân cư phía Đông đường Hùng Vương, với giá khởi điểm 202,5 tỷ đồng, tổng giá bán vượt so với giá khởi điểm là 55,3 tỷ đồng, tăng 2,31% tổng giá khởi điểm.

Lượng giao dịch bất động sản để bán qua công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh trong quý I/2022 là 648 giao dịch, bao gồm giao dịch đất nền trong khu dân cư (627 giao dịch), giao dịch nhà ở riêng lẻ (20 giao dịch) và giao dịch căn hộ chung cư (1 giao dịch).

Về dự án bất động sản, hiện địa phương có 10 dự án nhà ở đang triển khai xây dựng (một nhà ở xã hội và 9 nhà ở thương mại), 4 dự án nhà ở đang hoàn tất thủ tục để khởi công xây dựng (đã có chủ đầu tư và đang hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư), 9 dự án nhà ở đang hoàn tất thủ tục để thực hiện lựa chọn nhà đầu tư.

Chặn doanh nghiệp bỏ đất đấu giá: Vá lỗ hổng, tạo thị trường lành mạnh

Việc liên tiếp doanh nghiệp bỏ cọc sau trúng đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TPHCM) thời gian qua đã gây xáo động tới nhà đầu tư thực và tạo ra nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản. Giới chuyên gia đã có nhiều chia sẻ, đóng góp các giải pháp để tạo cơ chế chính sách cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh trong thời gian tới.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 15/4 - Ảnh 3
Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Lê Phong

Như Lao Động thông tin, để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp bỏ cọc đất đấu giá, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) vừa nêu đề xuất trên trong dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Trả lời chất vấn trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng đã nêu quan điểm phải có chế tài mạnh mẽ hơn với người tự ý bỏ cọc đấu giá đất. Doanh nghiệp bỏ cọc sẽ phải xử lý "để lần sau họ không tham gia được, như vậy mới đủ sức răn đe".

"Tôi cho rằng đề xuất cấm đấu giá 5 năm nếu bỏ cọc chỉ có tác dụng với những chủ đầu tư "đàng hoàng", uy tín. Nhưng thực tế trong vụ việc trên công ty Bình Minh mới thành lập 2 tháng trước ngày đấu giá.

Việc thành lập doanh nghiệp rất dễ dàng. Có những đơn vị thành lập ra chỉ để đi đấu giá 1 dự án nên khi bị cấm đấu giá, họ có thể lập những công ty khác", ông Châu nói.

Trần Xuân Lượng - Giảng viên chuyên ngành bất động sản (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, bất động sản là hàng hoá đặc biệt, có giá trị lớn và mang tính xã hội cao, do đó, đối với hoạt động đấu giá đất đai, Nhà nước cần có quy định bổ sung, chứ không để tình trạng “thích thì mua, không thích thì bỏ”.

“Nếu xuất hiện những dấu hiệu thổi giá, làm méo mó thị trường thì có thể quy phạt hình sự…”, ông Lượng nêu.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 15/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới